Nga đang làm gì?
Việc Nga chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5, cùng với việc tăng cường kho vũ khí hạt nhân, hệ thống phòng không hiện đại và công nghệ cao, các đơn vị lục quân và hạm đội tàu ngầm, sẽ nguy hiểm tới mức nào đối với NATO và Mỹ?
Sự căng thẳng giữa Nga và NATO khiến cho nhiều chuyên gia phân tích một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là về hiện trạng quân đội và vũ khí, cũng như những thành tựu kỹ thuật của Nga. Họ làm điều này để hiểu được rõ tính chất của những mối đe dọa mà Nga có thể tạo ra.
Đương nhiên, các hành động quân sự của Nga và việc bán đảo Crimea ra nhập trở lại Nga đã khiến nhiều nhà phân tích của Lầu Năm Góc tập trung nghiên cứu và đánh giá về sự nâng cấp của các lực lượng vũ trang, cũng như hiện trạng các đơn vị, khí tài chiến đấu và vũ khí của gã khổng lồ quân sự từ thời Chiến tranh lạnh này.
Nga vẫn muốn chứng tỏ rằng mình hoàn toàn có khả năng tạo ra đối trọng và kiềm chế Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, một vài nhà nghiên cứu quân đội Nga và hiện trạng của nó nghi ngờ vào khả năng của người Nga tạo ra được những vấn đề thực sự cho NATO trong các chiến dịch quân sự kéo dài và quy mô.
Tuy nhiên, Nga ngày càng đạt được những thành công mới trong lĩnh vực quân sự, và nhiều chuyên gia cũng như nhà phân tích của Lầu Năm Góc bày tỏ sự lo ngại liên quan tới cách bố trí các lực lượng của NATO tại Đông Âu và nghi ngờ rằng những lực lượng này đủ khả năng để kiềm chế Nga tiến hành một cuộc "xâm lược" khu vực nói trên.
Hơn nữa, những áp lực về kinh tế đối với Nga cũng không làm cho quá trình nâng cấp các lực lượng vũ trang bị chậm chễ. Moscow đang tăng cường ngân sách quân sự của mình dù Quân đội Nga chỉ là một phần nhỏ so với Quân đội Liên Xô vào giai đoạn cao trào nhất của chiến tranh Lạnh những năm 1980.
Lãnh thổ và chiều dài biên giới của gã khổng lồ thời kỳ chiến tranh lạnh này giảm đi rõ rệt so với những năm 1980, tuy nhiên các lực lượng bộ binh, không quân và hải quân nỗ lực phát triển nhanh chóng, chuyển sang một trình độ công nghệ cao hơn và nghiên cứu chế tạo một cách cần mẫn những khí tài chiến đấu thế hệ mới.
Kho vũ khí thông thường và hạt nhân của Nga chỉ là một phần nhỏ của những gì Nga từng sở hữu vào thời kỳ chiến tranh lạnh.
Tuy nhiên Moscow đang chế tạo các tàu ngầm thế hệ mới với động cơ AIP, máy bay tiêm kích tàng hình T-50 Pak-FA, nhiều tên lửa thế hệ mới, cũng như các vũ khí cá nhân hiện đại và bộ quân phục chiến đấu độc đáo dành cho lính bộ binh.
Tiêm kích T-50 Pak-FA.
Tờ The National Interest (Mỹ) cách đây không lâu đăng tải một loạt các bài viết về những thành tựu kỹ thuật và thành công của các kỹ sư quân sự Nga.
Trong những bài viết đó có chia sẻ thông tin về vũ khí chống vệ tinh mới, về các xe tăng T-14 Armata, về các vũ khí phòng không, về những kế hoạch sơ bộ chế tạo tiêm kích siêu thanh thế hệ thứ 6 và nhiều điều khác.
Theo The National Interest và các tờ báo khác, Nga kiên quyết chú trọng vào nâng cấp lực lượng vũ trang của mình và đạt được những thành công đáng kể theo chiều hướng này.
Lấy ví dụ, The National Interest viết rằng Nga đã tiến hành thử nghiệm phóng thành công các tên lửa chống vệ tinh đánh chặn "Nudol".
"Đây là lần thử nghiệm thứ hai của loại vũ khí mới có khả năng tiêu diệt các vệ tinh trong không gian. Có thể thấy rõ rằng lần phóng thử nghiệm này được thực hiện từ sân bay vũ trụ Plesetzk nằm ở phía bắc thủ đô Moscow", The National Interest viết.
Ngoài ra, nhà bình luận Dave Majumdar của tạp chí này đã chia sẻ rằng các đơn vị lính dù của Nga dự định thành lập mới 6 đại đội xe tăng với những cỗ máy T-72B3M nâng cấp. Trong vòng 2 năm, dự kiến những đại đội này sẽ được nâng cấp thành tiểu đoàn. Nga cũng chế tạo xe chiến đấu hỗ trợ xe tăng với tên gọi là "Terminator-3".
Quân Nga triển khai ở bán đảo Crime.
Trong những năm chiến tranh lạnh, ngân sách quân sự của Nga chiếm gần một nửa chi ngân sách nhà nước. Hiện nay, chi phí quân sự chỉ chiếm phần nhỏ nhất trong chi ngân sách của Nga. Mặc dù có sự khác biệt lớn so với những năm 1980, nhưng ngân sách quân sự của Nga vẫn tăng.
Từ năm 2006 đến 2009, nó đã tăng từ 25 lên thành 50 tỷ USD theo thông tin của Business Insider. Còn vào năm 2013, nó đạt con số 90 tỷ USD.
Nói chung, trong những năm chiến tranh lạnh, các lực lượng phi hạt nhân của Nga lớn gấp 5 lần hiện nay về số lượng.
Năm 2013 quân số tại ngũ trong Quân đội Nga là 766.000 người, còn dự bị là 2,4 triệu người (trong những năm Chiến tranh Lạnh, lực lượng dự bị thường có khoảng từ 3 đến 4 triệu người từng nhập ngũ).
Cũng theo đánh giá trên, các lực lượng vũ trang Nga hiện đang sở hữu hơn 3.000 máy bay và 973 trực thăng. Trên mặt đất, Nga có khoảng 15.000 xe tăng, 27.000 xe thiết giáp chiến đấu và gần 6.000 khẩu pháo tự hành.
Tất nhiên, Quân đội Nga sở hữu số lượng ít hơn rất nhiều so với giai đoạn chiến tranh lạnh, tuy nhiên Nga đã bỏ ra không ít công sức để nâng cấp và duy trì tình trạng chiến đấu của các loại vũ khí này. Xe tăng T-72, lấy ví dụ, từ thời điểm xuất xưởng vào những năm 1970, đã trải qua nhiều lần nâng cấp và hoàn thiện.
Hải quân Nga hiện có 352 tàu chiến, trong đó có 1 tàu sân bay, 12 tàu khu trục và 63 tàu ngầm. Biển Đen là vùng biển mang tính chiến lược quan trọng đối với Nga kể cả về mặt kinh tế lẫn địa chính trị, bởi vì nó là cánh cửa đưa Nga vươn ra Địa Trung Hải.
Các nhà phân tích cũng ghi nhận rằng, vào những năm 80, một số lượng lớn vũ khí thông thường và hạt nhân đã được sản xuất cho các lực lượng vũ trang Nga, từ các loại đạn phản lực và tên lửa cho tới những hệ thống phòng không hiệu quả.
Theo ý kiến của các chuyên gia, những tên lửa phòng không S-300 và S-400 đặc biệt hiệu quả nếu chúng thường xuyên được duy trì và nâng cấp kỹ lưỡng.
Căn cứ vào những thông tin của các phương tiện truyền thông, Nga hiện nay đang thử nghiệm tổ hợp tên lửa phòng không mới S-500 có khả năng tiêu diệt những mục tiêu ở khoảng cách lên tới 200km.
Trên bầu trời, các máy bay tiêm kích Su-27 được chế tạo vào những năm 1980 tham gia vào tất cả các chiến dịch mang tính chiến lược.
Su-27 thường được so sánh với máy bay tiêm kích F-15 Eagle của Mỹ. Cỗ máy của Nga được trang bị 2 động cơ, có khả năng cơ động cao và được triển khai chủ yếu nhằm mục đích chiếm lĩnh ưu thế trên không.
NATO triển khai vũ khí hạng nặng ở Đông Âu.
Các kịch bản quân sự của RAND
Mặc dù nhiều chuyên gia khẳng định rằng NATO, nhờ số lượng của các lực lượng, sức mạnh hỏa lực, ưu thế trên không và những công nghệ trong quá trình triển khai các chiến dịch quân sự quy mô cuối cùng cũng sẽ giành được chiến thắng trước Nga, điều này không phủ nhận những kết quả của cuộc nghiên cứu do RAND thực hiện và công bố trong năm ngoái.
Trong đó ghi rõ rằng, NATO sẽ rơi vào tình thế vô cùng khó khăn nếu Nga tiến hành cái gọi là "xâm lược" các nước cận Baltic.
Cơ cấu tổ chức của các lực lượng vũ trang NATO tại Đông Âu, như trong các kết luật của RAND nêu rõ, không bảo đảm được sự đáp trả quyết liệt trước Nga trong trường hợp Moscow xâm lược Latvi, Litva và Estonia.
Khi triển khai một loạt những kịch bản quân sự mà trong đó "quân đỏ" (Quân đội Nga) và "quân xanh" (Quân đội NATO) thực hiện các hành động quân sự theo những kịch bản khác nhau trên chiến trường các quốc gia cận Baltic, RAND đã đưa ra kết luận trong báo cáo "Tăng cường các lực lượng kiềm chế tại sườn đông của NATO" rằng:
"Để phòng thủ thành công khu vực này, NATO cần phải bổ sung thêm không quân và lục quân cho các lực lượng đang được triển khai hiện nay ở đó".
Ngoài ra, các tác giả của báo cáo nghiên cứu kêu gọi NATO xây dựng chiến lược giống như Định hướng chiến dịch trên không và trên mặt đất được xây dựng vào những năm 1980 khi Chiến tranh Lạnh ở giai đoạn đỉnh điểm.
Khi đó có tới vài trăm nghìn binh lính Mỹ có mặt ở Châu Âu với mục tiêu kiềm chế khả năng "xâm lược" từ phía Nga. Giới quân sự Mỹ chia sẻ với Scout Warrior rằng hiện nay ở Châu Âu chỉ có vẻn vẹn 30 nghìn lính.
Trong nghiên cứu của RAND có đề cập tới việc nếu NATO không thiết lập các lực lượng kiềm chế gồm tối thiểu 7 đơn vị trang bị các vũ khí hỗ trợ hỏa lực và không quân để bảo vệ Đông Âu thì Nga có thể chỉ mất 60 tiếng đồng hồ để chiếm các nước cận Baltic.
"Trong bối cảnh hiện nay, NATO không có khả năng phòng thủ thành công lãnh thổ của những quốc gia thành viên yếu nhất.
Nhiều kịch bản quân sự với sự tham gia của giới quân đội và các chuyên gia dân sự chứng tỏ một cách thuyết phục rằng Quân đội Nga cần 60 tiếng đồng hồ để hành quân tới thủ đô Tallin của Estonia và Riga của Latvi. Sau khi thất trận nhanh như vậy, NATO còn rất ít phương án hành động", trong nghiên cứu của RAND nêu rõ.
Định hướng chiến dịch tập kích đường không và mặt đất được người Mỹ và đồng minh của họ tại NATO sử dụng trong những năm chiến tranh lạnh, trong số nhiều biện pháp còn đưa ra cả quy trình phối hợp rõ ràng giữa những đơn vị cơ giới chiến đấu với quy mô và khả năng cơ động cao của lục quân và không quân cường kích.
Trong khuôn khổ định hướng này, các đợt không kích nhằm vào những hạ tầng tiếp tế và các phương tiện hỗ trợ hỏa lực tiền tuyến sẽ phải làm cho đối phương suy yếu. Kết quả của sự phối hợp trên không và trên mặt đất này sẽ giúp cho các lực lượng lục quân quy mô lớn có thể dễ dàng tiến lên phía trước và phá vỡ phòng tuyến phòng thủ tiền phương của kẻ địch.
Trong trường hợp người Nga tấn công mạnh mẽ tại khu vực cận Baltic, NATO sẽ có rất ít phương án hành động khả thi. Trong số đó có thể kể đến như tổ chức mở một cuộc phản công toàn diện nhưng nhiều rủi ro, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc đơn giản đồng ý ngoài mong muốn việc Nga xâm lược các quốc gia này.
Quân đội NATO trong một cuộc tập trận ở Đông Âu.
Trong báo cáo nghiên cứu có đề cập tới một trong các phương án hành động đáp trả và cho rằng sẽ cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị và tiến hành một cuộc phản công toàn diện, mà nhiều khả năng, sẽ dẫn tới giao tranh kéo dài với những thiệt hại lớn. Một phương án khác đó là đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nhưng nó hoàn toàn khó có khả năng xảy ra, hay thậm chí hoàn toàn không thực tế trong bối cảnh Mỹ đang triển khai chiến lược cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và không mong muốn sử dụng vũ khí hạt nhân.
Phương án thứ ba và cuối cùng, theo đánh giá của tác giả, đó là giao nộp các nước cận Baltic và đưa Liên minh Bắc Đại Tây Dương vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao như thời kỳ chiến tranh lạnh. Đương nhiên, nhiều cư dân các quốc gia vùng cận Baltic không đồng tình với kịch bản này, còn khối NATO nếu không tan rã thì sẽ suy yếu đáng kể.
Trong báo cáo cũng đưa ra những biện pháp cụ thể mà cần thiết phải áp dụng để thiết lập các lực lượng kiềm chế một cách ổn định và hiệu quả.
"Các kịch bản quân sự chỉ ra rằng lực lượng bao gồm 7 đơn vị thường xuyên trực chiến, trong đó có 3 đơn vị xe tăng với sự yểm trợ của không quân, pháo binh và các phương tiện hỏa lực mặt đất khác sẽ đủ sức để ngăn chặn cuộc xâm lược các quốc gia vùng cận Baltic", các tác giả báo cáo nhận định.
Khi nghiên cứu các kịch bản quân sự khác nhau, những người tham gia đã đưa ra kết luận rằng, với sự thiếu vắng các lực lượng cơ giới phòng thủ quy mô lớn thì sự phản kháng NATO sẽ nhanh chóng bị bẻ gãy.
"Tại các đơn vị của Mỹ không có những phương tiện phòng không tầm ngắn, còn trong các đơn vị khác của quân đội NATO thì có, nhưng rất ít. Điều này có nghĩa rằng chỉ có lực lượng không quân tuần tra chiến đấu sẽ phản kích khi bị kẻ địch tấn công, nhưng sẽ bị tiêu diệt vì địch chiếm ưu thế về số lượng.
Kết quả của kịch bản này sẽ là những thiệt hại to lớn của "quân xanh" và khả năng không thể triển khai một cuộc phản công", trong các kết luận của RAND ghi rõ.
Latvi, Litva và Estonia có lẽ sẽ trở thành những mục tiêu đầu tiên của Nga bởi vì các quốc gia này nằm sát nách, và trong một thời gian dài từng nằm trong thành phần Liên Xô.
"Như tại Ukraine, ở Estonia và Latvi hiện đang có không ít những người Nga sinh sống. Họ không thể hòa nhập một cách bình đẳng vào hệ thống chính trị và xã hội của các quốc gia này sau khi giành được độc lập. Điều này sẽ là lý do hợp lý để Nga can thiệp vào những vấn đề của Estonia và Latvi", các chuyên gia cho biết.
Trong nghiên cứu ghi rõ rằng việc triển thêm các lực lượng sẽ tốn kém chi phí nhưng là biện pháp cần thiết đối với NATO. Để thành lập 3 đơn vị tăng thiết giáp hoàn toàn mới trong thành phần lục quân Mỹ cần không ít tiền.
Nói chung, nó sẽ tiêu tốn vào khoảng 13 tỷ USD cho khí tài chiến đấu, pháo binh, các phương tiện phòng không và những đơn vị hỗ trợ và hậu cần. Nhưng phần đáng kể của các khí tài này là xe tăng "Abrams" và các xe chiến đấu "Bradley" đắt đỏ hiện có.
Số lượng thực tế các đơn vị của NATO ở Đông Âu chưa được xác định cụ thể, và nó có thể thay đổi dưới thời tổng thống mới của Mỹ. Nhưng NATO và Mỹ từ khá lâu đã nghĩ tới việc cử thêm các lực lượng và phương tiện tới sườn phía đông nhằm mục đích kiềm chề Nga một cách ổn định hơn.
Trong khi đó, trong Sáng kiến về đảm bảo an ninh Châu Âu mà Lầu Năm Góc yêu cầu chi khoảng 3,4 tỷ USD để triển khai, có đề cập tới việc tăng thêm các đơn vị tại Châu Âu, cũng như thiết lập "dữ trữ tiền phương", kho vũ khí hỏa lực và "hỗ trợ tham mưu" của các lực lượng NATO.
Những đại diện của quân đội Mỹ tại Châu Âu từng chia sẻ với Scout Warrior rằng dự kiến sẽ tiến hành các cuộc tập trận mới với những đồng minh trong khối NATO, và số lượng binh lính cũng có thể tăng thêm.
Lấy ví dụ, từ ngày 27/5 đến hết 26/6 năm ngoái, NATO đã tiến hành tại Ba Lan và Đức các cuộc tập trận "Swift Response 16" với sự tham gia của hơn 5 nghìn binh lính Mỹ, Bỉ, Pháp, Đức, Anh, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.