Biến đổi khí hậu dự kiến sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra hạn hán ở nhiều khu vực dễ bị tổn thương trên thế giới, đặc biệt là những khu vực có dân số tăng nhanh, với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và những thách thức về an ninh lương thực.
Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo mới công bố gần đây của Công ước Liên hợp quốc về Chống sa mạc hoá (UNCCD).
Ông Ibrahim Thiaw, Thư ký điều hành của UNCCD nhận định: “Hạn hán và những thiệt hại đi kèm có xu hướng tăng tiến theo thời gian. Hậu quả từ hạn hán không chỉ ảnh hưởng đến xã hội loài người mà còn tác động đến toàn bộ hệ sinh thái”.
Báo cáo được công bố tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP15) của UNCCD tại thành phố Abidjan, Côte d'Ivoire (Bờ Biển Ngà).
Trong vòng vài thập kỷ tới, 129 quốc gia sẽ phải đối mặt với nguy cơ xảy ra hạn hán ngày càng tăng, chủ yếu do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ở một số quốc gia nguyên nhân có thể đến từ sự gia tăng dân số.
Ông Ibrahim Thiaw, Thư ký điều hành của Công ước Liên hợp quốc về Chống sa mạc hoá (UNCCD). Ảnh: World Economic Forum
Báo cáo cho biết, theo một số dự đoán, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3 độ C vào năm 2100, thiệt hại do hạn hán gây ra có thể cao gấp 5 lần so với hiện tại, đặc biệt ở các khu vực Địa Trung Hải và Đại Tây Dương của châu Âu.
Nếu các biện pháp không được nghiêm túc triển khai, theo báo cáo, ước tính khoảng 700 triệu người sẽ có nguy cơ phải di tán vì hạn hán vào năm 2030. Đồng thời cứ 4 trẻ em thì sẽ có 1 trẻ sống ở các khu vực thiếu nước nghiêm trọng vào năm 2040.
Cho tới năm 2050, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới. Ước tính có khoảng 4,8-5,7 tỷ người sẽ sống ở các khu vực khan hiếm nước trong ít nhất một tháng mỗi năm. Con số sẽ tăng lên so với mức 3,6 tỷ người hiện nay.
Hơn 216 triệu người có thể buộc phải rời bỏ nhà cửa vào năm 2050, phần lớn do hạn hán kết hợp với các yếu tố khác bao gồm khan hiếm nước, năng suất nông nghiệp giảm, mực nước biển dâng lên và bùng nổ dân số.
Ông Thiaw nói: “Chúng ta đang ở bước ngoặc quyết định.”
“Cải tạo đất là một trong những biện pháp tối ưu, toàn diện nhất, giúp giải quyết nhiều yếu tố tiềm ẩn của vòng tuần hoàn nước bị suy thoái và đất mất đi độ phì nhiêu. Chúng ta phải xây dựng và tu sửa lại cảnh quan, mô phỏng thiên nhiên nhiều nhất có thể và tạo ra các hệ thống sinh thái chức năng”.
Một số sự kiện lịch sử
Báo cáo cho thấy từ năm 1970 đến năm 2019, các hiểm họa về thời tiết , khí hậu và nước chiếm 50% thảm họa thiên tai và 45% các ca tử vong do thảm họa, chủ yếu ở các nước đang phát triển.
Hạn hán chiếm 15% các thảm họa thiên nhiên nhưng lại gây thiệt hại về người lớn nhất, với con số khoảng 650.000 người tử vong từ năm 1970 đến 2019.
Và kể từ năm 2000 trở đi, số lượng và thời gian diễn ra hạn hán đã tăng 29%, trong khi vào năm 2022, hơn 2,3 tỷ người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, gần 160 triệu trẻ em chịu ảnh hưởng của hạn hán nghiêm trọng và kéo dài.
Tỉ lệ thực vật bị ảnh hưởng bởi hạn hán đã tăng hơn gấp đôi trong 40 năm qua, với khoảng 12 triệu ha đất bị xói mòn mỗi năm do hạn hán và sa mạc hóa. Trong khi 84% các hệ sinh thái trên cạn bị đe dọa do thay đổi và tình trạng cháy rừng ngày càng gia tăng.
Trong 2 thập kỷ đầu của thế kỷ 21, rừng mưa Amazon đã trải qua 3 đợt hạn hán trên diện rộng và cả 3 lần đều gây ra cháy rừng lớn. Tình trạng hạn hán đang ngày càng trở nên phổ biến ở khu vực Amazon do mối liên hệ giữa việc tận dụng đất rừng và biến đổi khí hậu.
Báo cáo cho biết, nếu nạn phá rừng ở Amazon tiếp tục tăng, 16% diện tích rừng còn lại có thể sẽ bị thiêu rụi vào năm 2050.
Các kỹ thuật bền vững
UNCCD kêu gọi các kỹ thuật quản lý nông nghiệp bền vững và hiệu quả nhằm sản xuất thêm nhiều lương thực với ít đất và nước hơn. UNCCD cũng kêu gọi thay đổi mạnh mẽ mối quan hệ của con người với thực phẩm, thức ăn gia súc và chất xơ, hướng tới chế độ ăn dựa trên thực vật và giảm hoặc ngừng tiêu thụ động vật.
UNCCD thúc đẩy xây dựng và thực hiện các kế hoạch phối hợp ứng phó với hạn hán, thiết lập hiệu quả các hệ thống cảnh báo sớm hoạt động xuyên biên giới, đầu tư vào chất lượng đất đai và huy động nông dân, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà đầu tư, doanh nhân và trên hết là thanh niên.
Giá trị sản xuất lên tới 1,4 nghìn tỷ USD có thể được tạo ra trên toàn cầu bằng cách áp dụng thực hành quản lý bền vững đất và nguồn nước.
Báo cáo cũng ghi nhận một số tin tích cực: Khoảng 4 triệu ha đất bạc màu trong “các khu vực bị xâm lấn nghiêm trọng” đã được khôi phục trong khuôn khổ các sáng kiến phục hồi do Liên minh Châu Phi (AU) đứng đầu, được gọi là The Great Green Wall.
Sáng kiến này đã đạt được 4% mục tiêu trong tổng số 100 triệu ha đất cần khôi phục, giúp giảm các mối đe dọa tiềm tàng của sa mạc hóa và hạn hán.