Điều gì sẽ xảy ra nếu IS và Al-Qaeda hợp nhất?

Nhất Tuệ |

Một quan chức thuộc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) mới đây cảnh báo, hai nhóm khủng bố khét tiếng trên thế giới hiện nay là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al-Qaeda có thể sắp "về chung một nhà". Chưa biết thương vụ này sẽ đi về đâu, nhưng nếu nó trở thành hiện thực thì đây sẽ là hiểm họa vô cùng khôn lường cho hòa bình và an ninh quốc tế.

Hai tổ chức khủng bố IS và Al-Qaeda

Từ ba, bốn thế kỷ nay, ngay cả người thờ ơ nhất với thời cuộc chắc hẳn cũng từng nghe, và biết về Al-Qaeda, một tổ chức khủng bố cực kỳ táo tợn, liều lĩnh và cực đoan. Vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan theo đề nghị của chính phủ hợp pháp lúc bấy giờ của quốc gia này để ngăn chặn một cuộc nội chiến, Mỹ đã "nhào nặn" ra Al-Qaeda, trang bị tận răng cho nó, với mục tiêu là chống Liên Xô và "bảo vệ thế giới Hồi giáo".

Nhưng chẳng bao lâu sau, ngay cả những người tạo ra tổ chức này cũng không thể tin được rằng nó đã quay ra "chống tất cả", từ những người đã nâng đỡ mình, đến các nước Hồi giáo, và rộng ra là nền hòa bình, an ninh toàn cầu (ngay từ năm 1996, Al-Qaeda đã cài cắm các lính chiến ở 45 quốc gia trên thế giới).

Điều gì sẽ xảy ra nếu IS và Al-Qaeda hợp nhất? - Ảnh 1.

Các thành viên của tổ chức Al-Qaeda tại một trại huấn luyện ở Somali (Nguồn: Dawn)

Sau khi thấy ở Afghanistan khó hoạt động, lợi dụng lúc Iraq có biến vào năm 2003, Al-Qaeda đã chuyển địa bàn hoạt động sang quốc gia này dưới cái cớ tấn công những kẻ ngoại đạo (Mỹ và liên quân) để bảo vệ dòng Sunny của đạo Hồi.

Để rồi, ngay sau đó, một loạt các tổ chức khủng bố liên quan đến Al-Qaeda ra đời như Al-Qaeda Arab (AQAP), Al-Qaeda Bắc Phi (AQIM)... nhưng tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq Syria tự xưng (ISIS), tiền thân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hiện nay, mới là đáng sợ nhất.

ISIS được thành lập sau khi Mỹ "viện cớ" Bagdad sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học); có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda để đưa quân vào đánh Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein năm 2003.

Ban đầu, ISIS chỉ là chi nhánh tự phát của Al-Qaeda ở Iraq, còn gọi là Al-Qaeda Arab, lập ra để chống lại sự can thiệp của liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công vào Iraq. Nhưng sau đó, vào tháng 5-2011, khi thủ lĩnh của Al-Qaeda là Osama Bin Laden bị Mỹ tiêu diệt ở Pakistan, ISIS công khai bất phục người kế nhiệm mới là Ayman al-Zawahiri.

Cùng với những khác biệt về mục tiêu và phương thức "hành nghề", ISIS tách hẳn ra khỏi Al-Qaeda rồi tuyên bố thành lập tổ chức mới với tên gọi "Nhà nước Hồi giáo" (IS) vào ngày 29-6-2014. Trước đó, ISIS đã cắm rễ khá sâu ở Syria, nơi có biên giới chung với Iraq, và lại đang xảy ra cuộc nội chiến đẫm máu (từ tháng 3-2011) do hậu quả của phong trào "Mùa xuân Arab" năm 2011.

Điều gì sẽ xảy ra nếu IS và Al-Qaeda hợp nhất? - Ảnh 2.

Các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng (Nguồn: Reuters)

Lợi dụng thời điểm quân đội Syria đang suy yếu, nhóm khủng bố này đưa quân sang đánh chiếm các thành phố ở quốc gia Trung Đông, lập đại bản doanh, phát triển và bắt đầu mở rộng vùng ảnh hưởng ở Syria, đặc biệt khu vực biên giới với Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ kể cả là Aleppo.

Với một nền tảng vững chắc, IS bắt đầu "vươn vòi" ra nhiều khu vực và trở thành nỗi khiếp sợ đối với toàn thế giới. Đặc biệt là vào tháng 6-2014, khi nội bộ Iraq có vấn đề, hàng loạt tướng lĩnh, binh sỹ Iraq đã đào ngũ chạy sang tổ chức này cùng với nhiều binh sỹ từ Mỹ, phương Tây, Australia, Nga... cũng đồng loạt gia nhập vào hàng ngũ IS.

Theo thống kê, vào thời điểm đó, mỗi tháng có khoảng từ 1.000 đến 1.500 binh sỹ nước ngoài đổ về Iraq chiến đấu dưới lá cờ "Nhà nước Hồi giáo IS". Sau đó, IS giành được nhiều chiến thắng mà chính người Mỹ/phương Tây cũng phải thừa nhận là lẫy lừng và không thể ngờ đến, đặc biệt là khi chúng chiếm đóng Mosul (thành phố quan trọng bậc nhất của Iraq).

Điều trớ trêu nhất nằm ở chỗ, tuy IS căm ghét Mỹ, nhưng ở Syria, nó lại được Washington tài trợ tiền và vũ khí chỉ để tổ chức này chống lại chính quyền Damascus, lật đổ Tổng thống hợp hiến Bashar al-Assad (thân Nga).

Tuy tiền nhiều, vũ khí sẵn, nhưng dường như Syria không phải là "đất lành" của IS. Tổ chức này vài lần phải rút khỏi Syria chuyển về Iraq, rồi lại quay trở lại. Cứ mỗi lần rút đi, trở lại như vậy, IS lại mạnh hẳn lên, tàn bạo hơn để rồi mở rộng địa bàn ở cả Syria và Iraq, thậm chí lan rộng sang các khu vực khác như Tây Bắc Phi, Đông Nam Á.

Cơn ác mộng cho toàn nhân loại

Dù đã từng "chia tay" do có quá nhiều khác biệt về mục tiêu, cương lĩnh và các thức khủng bố, nhưng như trên đã nói, những ngày qua, báo chí vùng Trung Đông lại rộ lên thông tin, cảnh báo rằng Al-Qaeda và IS sắp hợp nhất, có thể xuất phát từ bối cảnh: cả hai đang bị các lực lượng chống khủng bố "liên kết" tìm cách tiêu diệt, đặc biệt giành được nhiều thắng lợi trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, đi kèm với những cảnh báo, báo chí Trung Đông cũng phân tích về những khác biệt khó đi đến "tiếng nói chung" giữa hai tổ chức này như: (1) Al-Qaeda dù là tổ chức khủng bố cực đoan nhưng vẫn "không chịu được" mức độ tàn bạo, man rợ của IS. (2) Al-Qaeda cũng chỉ hướng đến mục tiêu "ăn xổi ở thì", tức là tấn công nhỏ lẻ vào Mỹ và phương Tây, chứ không xây dựng cho mình một chiến lược dài hơi, bài bản như thành lập hẳn một Nhà nước Hồi giáo chung, xóa bỏ các đường biên giới hiện hành giữa các nước Hồi giáo, mà IS đã vạch ra và đang theo đuổi...

Khó mà đoán chắc được kết cục của "thương vụ sáp nhập" này nhưng các quốc gia Trung Đông nói riêng và toàn thế giới nói chung cần ráo riết có những chuẩn bị đối phó, vì ai cũng hiểu nếu chúng hợp nhất, hiểm họa cho nền hòa bình, an ninh quốc tế sẽ nhân gấp bội, thậm chí có tính chất hủy diệt toàn cầu.

Nếu "về chung một nhà", cả hai sẽ bổ sung những thế mạnh cho nhau: tổ chức khủng bố chung này sẽ mạnh lên rất nhiều nhờ tài làm kinh tế và mị dân của IS, cách mộ quân của Al-Qaeda... và đương nhiên khi ấy các đại bản doanh của chúng không chỉ cắm ở Trung Đông, Tây Bắc Phi, Nam và Đông Nam Á như bây giờ, mà biết đâu sẽ tồn tại ngay trong lòng nước Mỹ, hoặc giữa châu Âu tráng lệ.

Muộn nhưng vẫn còn kịp để Mỹ và nhưng quốc gia trong "Liên minh quốc tế chống khủng bố" thay đổi cơ bản về cách tiếp cận với chủ nghĩa khủng bố, xuất phát từ nguyên nhân của thứ chủ nghĩa quái dị này.

Chỉ khi nào thế giới không còn bất công, bất bình đẳng giữa các tôn giáo, dân tộc, sắc tộc thì những cái tên như al-Quaeda, IS,... sẽ tự nhiên biến mất, và nỗi lo bị khủng bố không còn "treo lơ lửng" trên đầu nhân loại như bấy lâu nay nữa.

Link gốc bài viết tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại