Điều gì khiến Hải quân Mỹ huấn luyện cá heo, hải cẩu làm "quân nhân biển"?

Hoàng Trang |

Hải quân Mỹ đã huấn luyện cá heo và hải cẩu từ thời Chiến tranh Việt Nam vì công nghệ không thể sánh bằng động vật trong một số sứ mệnh nhất định.

Chú cá voi trắng Biển Đen được phát hiện ở ngoài khơi một thị trấn nhỏ ở Na Uy hồi cuối tháng 4 bị nghi làm nhiệm vụ do thám cho Hải quân Nga vì trên mình gắn một thiết bị kỳ lạ. Tuy nhiên, chú cá voi đó không phải “quân nhân” có vây duy nhất của đại đương.

Theo Guardian, Hải quân Mỹ bắt đầu huấn luyện cá heo và hải cẩu từ thời Chiến tranh Việt Nam vào thập niên 1960, một phần trong chương trình động vật biển của nước này.

Trong khi chưa thể xác định rõ chú cá voi trắng của Nga được đào tạo để làm nhiệm vụ gì thì những con vật của Hải quân Mỹ - khoảng 70 con cá heo mũi dài và 30 con hải cẩu California tại một căn cứ ở San Diego – tìm kiếm vật thể và tuần tra những vùng nước bị giới hạn.

Điều gì khiến Hải quân Mỹ huấn luyện cá heo, hải cẩu làm quân nhân biển? - Ảnh 1.

Chú cá heo mũi dài tên K-Dog của Hải quân Mỹ nhảy khỏi mặt nước trong một cuộc huấn luyện trên Vịnh Ba Tư. Ảnh: U.S. NAVY

Chẳng ngạc nhiên khi các quốc gia như Mỹ và Nga sử dụng động vật để tiến hành những cuộc tìm kiếm trên biển. Cá heo và hải cẩu rất thông minh và dễ huấn luyện. Giác quan tự nhiên của chúng đánh bại mọi thứ máy móc do con người tạo ra.

Năm 2017, Đài truyền hình nhà nước Nga đưa tin nước này đang thử nghiệm sử dụng cá voi Biển Đen, cá heo mũi dài và hải cẩu để canh gác lối vào căn cứ hải quân, hỗ trợ thợ lặn và thậm chí là tiêu diệt người lạ xâm phạm lãnh thổ của chúng. Cá voi Biển Đen sau này đã bị loại khỏi chương trình huấn luyện vì bơi ở vùng nước lạnh giá trong thời gian dài khiến chúng đổ bệnh.

Đối với Hải quân Mỹ, ông Paul Nachtigall, trưởng nhóm nghiên cứu động vật biển tại Đại học Hawaii cho biết: "Cá heo mũi dài dò mìn tốt hơn bất kỳ cỗ máy nào". Cá heo đặc biệt phát huy tính hiệu quả ở vùng nước gần bờ, nơi sóng vỗ dồn dập và tàu thuyền lưu thông thường xuyên với độ ồn lớn.

Máy móc sẽ bị rối loạn bởi những tín hiệu xung đột như vậy, song cá heo thì không. Cùng với khả năng lặn cực sâu, cá heo còn có thể định vị bằng tiếng vang, cho phép chúng phát hiện bom mìn ẩn sâu dưới đáy biển hoặc trôi nổi trong làn nước.

Về phần loài hải cẩu California, chúng không có khả năng định vị sóng âm nhưng lại sở hữu thị lực tuyệt vời. "Chúng rất giỏi tìm kiếm đồ vật thất lạc", ông Nachtigall nói.

Hải quân Mỹ dùng hải cẩu để tìm kiếm và thu hồi vũ khí thử nghiệm không chứa thuốc nổ như mìn diễn tập. Người huấn luyện đưa cho hải cẩu một dụng cụ gắp đặc biệt để nó ngậm vào miệng. Khi con vật tìm thấy mục tiêu, nó kẹp chặt thiết bị lại để người huấn luyện kéo lên mặt nước.

Điều gì khiến Hải quân Mỹ huấn luyện cá heo, hải cẩu làm quân nhân biển? - Ảnh 2.

Cá heo phát hiện mục tiêu. Ảnh: U.S. NAVY

Năm 2011, truyền thông Mỹ đã thuật lại một buổi huấn luyện động vật biển trên Vịnh San Diego. Một cựu đặc nhiệm đã giả làm người thâm nhập vào bến tàu cùng với một quả mìn không chứa thuốc nổ.

Hải quân Mỹ đã triển khai cá heo, hải cẩu đi tuần tra khu vực và đều bắt quả tang thợ lặn trên trong cả 5 lần thâm nhập. Chú hải cẩu thậm chí còn dùng thiết bị kẹp gắp vào chân thợ lặn. Người huấn luyện ngồi trên thuyền đã kéo anh ta lên tựa như một con cá.

Chính phủ Mỹ đã chi gần 28 triệu USD cho chương trình huấn luyện này và các "quân nhân biển" đã “xung trận” nhiều sứ mệnh quan trọng. Chúng đã tham gia chiến dịch dọn dẹp mìn, ngư lôi trên Vịnh Ba Tư thời Chiến tranh Vùng Vịnh và sau khi Mỹ đem quân tham chiến Iraq năm 2003.

Thậm chí với những thành tựu công nghệ quân sự lớn đạt được trong vài năm trở lại đây, bản năng của động vật biển vẫn đánh bại bất kỳ con robot nào trong sứ mệnh dò tìm dưới nước.

Năm 2012, Hải quân Mỹ từng tuyên bố sẽ xóa bỏ chương trình động vật biển và thay thế động vật bằng robot. Hơn 90 triệu USD đã được rót vào chương trình nghiên cứu mới và robot được cho là đi vào hoạt động từ năm 2017. Nhưng cho đến nay, điều này vẫn chưa xảy ra.

Trang web của lực lượng này viết: “Một ngày nào đó những nhiệm vụ này sẽ được hoàn thành bởi tàu không người lái dưới nước, song hiện tại công nghệ không thể sánh với động vật”.

Tuy vậy, chương trình huấn luyện động vật vẫn gây ra tranh cãi do các nhà bảo vệ động vật cho rằng thật vô nhân tính khi nuôi nhốt chúng như vậy. Hải quân Mỹ khẳng định cá heo và hải cẩu của họ đều nhận được “sự chăm sóc chuẩn mực nhất”.

Chương trình này cũng là tâm điểm của nhiều đồn đoán, trong đó có thông tin cho rằng hồi đầu thập niên 1990, Hải quân Mỹ từng đào tạo cá heo để chiến đấu, dạy chúng tấn công thợ lặn của quân địch. Lực lượng này đã bác bỏ cáo buộc trên.

https://baotintuc.vn/quan-su/dieu-gi-khienhai-quan-my-huan-luyen-ca-heo-hai-cau-lam-quan-nhan-bien-20190508095409883.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại