Nông dân trồng đậu tương tại bang Ohio, ông Christopher Gibbs, đã từng bỏ phiếu cho Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2016 với rất nhiều hy vọng về khả năng sẽ có chính sách tốt hơn. Thế nhưng giờ đây, ông và nhiều nông dân Mỹ khác cho biết họ đang thất vọng, theo bài đăng mới đây của báo Nikkei.
Ông Gibbs nói với báo Nikkei: “Tổng thống Mỹ hứa về thỏa thuận thương mại tốt hơn, thế nhưng cuối cùng mọi chuyện chẳng có gì. Cái mà chúng tôi không thể ngờ được chính là Tổng thống Mỹ đã phá hủy tất cả các mối quan hệ thương mại mà nông dân Mỹ đã xây dựng được trong suốt 3 thập kỷ qua, đặc biệt quan hệ với Trung Quốc”.
Năm 2016, với tỷ lệ ủng hộ cao của nhóm cử tri nông dân, Tổng thống Mỹ đã có thể vào được Nhà Trắng.
Tuy nhiên khi mà cuộc chiến tranh thương mại do ông phát động cũng như quan điểm chống Trung Quốc của ông phá hủy hoạt động kinh doanh của những người nông dân Mỹ, cách phản ứng với đại dịch của ông khiến cho nhiều cộng đồng người dân vùng nông thôn khó khăn, người ta không khỏi đặt câu hỏi sự ủng hộ dành cho ông sẽ được duy trì như thế nào trong tháng 11/2020 này.
Trong tuần trước, 38 người đứng đầu của các nhóm nông dân tại 6 bang chiến lược bao gồm Iowa, Minnesota, Wisconsin, Michigan, Ohio và Pennsylvania đã phát động chiến dịch Rural America 2020.
Tổ chức phi lợi nhuận này có kế hoạch nói thật nhiều về thất bại của chính quyền Tổng thống Trump trong các chính sách liên quan đến nông nghiệp, đồng thời tìm kiếm giải pháp chính sách cho khu vực nông thôn Mỹ đỡ khó khăn hơn. Chiến dịch Rural America 2020 cũng khuyến khích nông dân khắp nước Mỹ nói lên câu chuyện của riêng họ cũng như những điều không hài lòng với chính quyền hiện tại.
Sự thất vọng của nông dân Mỹ trong thời gian gần đây có nguyên nhân trực tiếp từ thỏa thuận thương mại ký kết hồi tháng 1/2020, theo đó, Bắc Kinh cam kết tăng cường mua nông sản Mỹ.
Cũng theo ông Gibbs, ngành nông nghiệp đang rất kỳ vọng vào khả năng sẽ khôi phục lại quan hệ thương mại với Trung Quốc đã xấu đi rất nhiều trong 2 năm qua.
Xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc sau khi gần chạm mức 1,8 triệu tấn trong tháng 1/2020 đã giảm thê thảm trong những tháng tiếp theo đó. Vào tháng 6/2020, đã có lúc Mỹ chỉ xuất được sang Trung Quốc 160.000 tấn đậu tương, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Đây là một con số quá nhỏ nếu so với con số 1 triệu tấn/tháng cùng kỳ năm trước.
Nhiều nông dân Mỹ đang chờ đợi đến mùa thu, mùa mua hàng sôi động của Trung Quốc.
Một nông dân trồng đậu tương tại Minnesota, ông Joel Schreurs, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng chờ đến mùa thu, thông thường, Trung Quốc là bên mua lớn nhất các sản phẩm đậu tương sau mùa thu hoạch hoặc trong mùa thu hoạch. Thực sự đáng lo lắng, tuy nhiên tôi tin rằng tất cả những người đang chịu trách nhiệm luôn quan tâm nhiều nhất đến quyền lợi của nước Mỹ”.
Chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Quan hệ nước ngoài, ông Edward Alden, nhận xét: “Các con số mới công bố cho thấy Trung Quốc vẫn đang cố gắng thực hiện cam kết, tuy nhiên nó không thực tế trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Những mục tiêu này quá tham vọng kể cả nếu không có tác động từ đại dịch. Các mục tiêu đó đơn giản không thể thực hiện được”.
Mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi mà đại dịch Covid-19 tàn phá ngành dịch vụ Mỹ, nó làm cho nhu cầu tiêu thụ thực phẩm đi xuống trong khi ngành này là khách hàng lớn của nông dân Mỹ.
Trong khoảng thời gian 1 năm tính đến tháng 3/2020, 627 hộ nông nghiệp tại Mỹ nộp đơn xin phá sản, con số tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Mỹ. Bang Wisconsin, bang nổi tiếng với các sản phẩm sữa và nhân sâm, có số lượng các hộ gia đình phá sản lớn nhất.
Sản xuất quá nhiều trong khi điều kiện tiếp cận thị trường hạn chế đã khiến cho giá sữa rớt xuống dưới mức có lãi của các nhà chăn nuôi.
Nông dân chăn nuôi bò sữa thế hệ thứ 3 tại Westby – bang Wisconsin, ông Darin Von Ruden, chỉ ra: “Nếu bạn nhìn vào 3 năm qua, chúng ta đã mất hơn 2.000 nông trại tại Westby, khu vực Tây Wisconson. Chính quyền Tổng thống Trump đã khiến cho vấn đề đã xấu lại càng xấu hơn. Chúng ta đang không thể bán được hàng ở cái giá mà chúng ta cần để có thể duy trì được nông trại”.
Tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đang ngày một lớn dần hơn khi mà sản lượng sữa tại Mỹ hiện đã cao hơn nhu cầu sử dụng trong nước, theo phân tích của chủ tịch kiêm CEO của Cooperative Networks, ông Dan Smith.
Wisconsin là nơi trồng nhân sâm nhiều nhất tại Mỹ, Wisconsin sản xuất hơn 450.000 ko nhân sâm mỗi năm. Gia đình của Hsu đã trồng nhân sâm từ năm 1978. Khoảng hơn 150 nông trại nhân sâm tại bang phụ thuộc rất nhiều vào việc bán nhân sâm vào tiêu thụ tại các sân bay và bán sang Trung Quốc. Xuất khẩu nhân sâm từ Mỹ sang Trung Quốc đã giảm một nửa và nhiều nông dân cho biết họ sẽ bỏ không trồng nữa.