Điều gì đang xảy ra với kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ?

THUỲ LINH |

“Chúng ta là hai cường quốc hạt nhân hàng đầu, chiếm tới 90% vũ khí hạt nhân. Đó là điều không tốt”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, diễn ra hôm 16-7 vừa qua tại thủ đô Helsinki (Phần Lan).

Kho vũ khí hạt nhân của hai nước luôn được giảm dần theo các thỏa thuận song phương nhưng Hiệp ước gần đây nhất sẽ kết thúc vào năm 2021. Và thời gian hiệu lực của Hiệp ước này có được kéo dài tiếp hay không cho đến nay vẫn còn là dấu chấm hỏi.

Quy mô và hạn chế

Theo Hãng thông tấn Tass, tại Helsinki, ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra số liệu là 90% nhưng khoảng 20-30 năm trước đây kho vũ khí hạt nhân của hai nước còn cao hơn mức này rất nhiều.

Từ thời điểm Liên Xô tan rã, kho vũ khí hạt nhân của Moscow và Washington đã bị giảm xuống mức tối thiểu là 5 lần. Năm 1990, Liên Xô có hơn 10.200 đầu đạn hạt nhân, còn Mỹ có 10.500 đầu đạn. Trước năm 2018, Nga và Mỹ lần lượt còn 1.444 và 1.350 đầu đạn hạt nhân.

Điều gì đang xảy ra với kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ? - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa di động Topol-M của Nga có tên trong danh mục cắt giảm của Hiệp ước START-3. Nguồn: TASS.

Hiệp ước mới nhất trong số các hiệp ước đã được ký kết giữa Moscow và Washington là Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), đã có hiệu lực vào năm 2011. Thời hạn của Hiệp ước này là 10 năm với khả năng tiếp tục kéo dài thêm 5 năm nếu cả 2 nước đồng thuận.

Theo Hiệp ước START-3, từ tháng 2-2018, Nga và Mỹ không được sở hữu hơn 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 phương tiện triển khai (tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) ​​và máy bay ném bom hạng nặng).

Theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, Moscow và Washington đều không vi phạm các điều khoản trong Hiệp ước START-3.

Các vấn đề quan trọng

Ngay sau cuộc gặp với người đồng cấp Donald Trump ở Helsinki, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ Fox News. Trong cuộc hội thoại, lãnh đạo Nga lưu ý rằng Nga sẵn sàng mở rộng START-3, nhưng để bắt đầu, các bên cần phải thảo luận chi tiết và Washington cần trả lời một số vấn đề.

Một ngày sau tuyên bố của ông chủ Điện Kremlin, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã đưa ra bình luận tương tự tại một cuộc họp báo:

"Sẽ không đúng đắn nếu chúng ta bỏ mặc thế giới trong tình cảnh không có bất kỳ hiệp ước nào liên quan đến vũ khí tấn công chiến lược. Chúng tôi có một loạt câu hỏi nghiêm túc cho những đồng nghiệp Mỹ về cách họ thực hiện các điều khoản của Hiệp ước START-3".

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo sẵn sàng tăng cường các cuộc tiếp xúc với phía Mỹ thông qua Bộ Tổng tham mưu và những kênh thông tin liên lạc có sẵn khác để thảo luận về việc tiếp tục kéo dài thời hạn hiệu lực của START-3.

Đáng chú ý là những nguyện vọng của phía Nga đã được Washington nói đến trước cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ ở Helsinki.

Theo người đại diện có cấp bậc cao của chính quyền Mỹ, Moscow đã có thắc mắc về những vấn đề như: việc máy bay ném bom hạng nặng B-52 của nước này không thả bom hạt nhân nữa mà chuyển sang bom thông thường, cùng việc tái trang bị một số ống phóng trên tàu ngầm chiến lược.

Ngoài ra, quan chức chính quyền Mỹ còn cho biết: "Điểm mấu chốt tiếp theo là thời hạn kết thúc của Hiệp ước START-3 (tháng 2-2021) không còn xa, chúng ta cần phải quyết định liệu có tiếp tục kéo dài thời hạn của Hiệp ước này thêm 5 năm nữa hay không."

Điều gì đang xảy ra với kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ? - Ảnh 2.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Mỹ. Nguồn: AP.

Không chỉ vũ khí tấn công chiến lược

Phía Mỹ đã có những cáo buộc cho rằng Nga vi phạm Hiệp ước về loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Vào năm 2014, Washington cho rằng Moscow đang phát triển một loại tên lửa, được cho là có tầm bắn từ 500-5.500km mà bị cấm bởi Hiệp ước INF.

Trong khi đó, phía Nga tuyên bố rằng tên lửa hành trình đặt trên cơ sở mặt đất số hiệu 9M729 đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Hiệp ước này.

Bên cạnh đó, các quan chức quốc phòng và giới chuyên gia Mỹ ngày càng ủng hộ việc Mỹ rút khỏi INF do những lo ngại về bản chất song phương và hạn chế (không áp dụng với Trung Quốc và Ấn Độ) của Hiệp ước này.

Trong tháng 6 vừa qua, tại một hội nghị bàn tròn trong Hội đồng Liên bang, Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada Sergei Rogov nhận định, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF sẽ không đảm bảo cho việc gia hạn hiệu lực Hiệp ước START-3.

"Tình hình cực kỳ nghiêm trọng, làm dấy lên nguy cơ Hiệp ước INF sẽ chịu chung số phận tương tự như Hiệp ước hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM).

Và điều này có thể xảy ra vào năm tới. Do đó, tất nhiên, tôi không chắc liệu Hiệp ước START-3 có thể tiếp tục và tồn tại hay không", Sergei Rogov kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại