Vàng được các nhà đầu tư coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ hỗn loạn và là hàng rào chống lại sự mất giá của tiền tệ. Do đó, các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine đã đẩy giá tăng mạnh gần đây, trong bối cảnh lạm phát tăng vọt sau Covid.
Giá vàng trong tuần qua đã lần đầu tiên phá vỡ mức 2.300 USD do các vấn đề địa chính trị, kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất và Trung Quốc tiếp tục tích lũy kim loại quý. Tất cả những yếu tố đó đã thúc đẩy các nhà đầu cơ quan tâm tới vàng.
Về yếu tố Trung Quốc, Ngân hàng trung ương nước này (PBoC) đã 17 tháng liên tiếp tiến hành mua vàng. Mới đây nhất, tháng 3/2024, PBoC đã bổ sung 160.000 troy ounce vàng vào kho dự trữ của mình, bất chấp giá vàng giao ngay tăng 9,3% trong tháng 3/2024, mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020. Đáng chú ý, đà tăng giá đó vẫn chưa kết thúc, mặc dù USD mạnh và lãi suất thực của Mỹ đang ở mức rất cao.
Dữ liệu chính thức công bố hôm Chủ Nhật (7/4) cho thấy Trung Quốc nắm giữ 72,74 triệu ounce ( 2.257 tấn) vàng tính tới cuối tháng 3/2024, tăng so với 72,58 triệu ounce một tháng trước đó. Giá trị dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng lên 161,07 tỷ USD từ mức 148,64 tỷ USD.
Động thái của ngân hàng trung ương Trung Quốc, cũng được phản ánh bởi hầu hết các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi khác, những tổ chức đều muốn tăng lượng nắm giữ vàng của mình.
Sau cuộc khủng hoảng tài sản, người tiêu dùng Trung Quốc lại choáng váng trước sức hấp dẫn của vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị.Chính xác thì Trung Quốc đã và đang làm gì?
Theo WGC, 2023 là năm Trung Quốc bổ sung lượng vàng cao nhất kể từ ít nhất là năm 1977. Theo đó, PBoC đã mua nhiều vàng hơn tất cả các ngân hàng trung ương nào khác, với lượng mua ròng là 7,23 triệu ounce, tương đương 224,9 tấn, gần bằng 1/4 trong số 1.037 tấn mà tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua.
Cũng như PBOC, người tiêu dùng Trung Quốc đã mua tiền vàng, thỏi và đồ trang sức sau khi đầu tư vào bất động sản, đồng nhân dân tệ và thị trường chứng khoán nước này giảm giá trị do những khó khăn kinh tế gần đây ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
John Reade, chiến lược gia trưởng phụ trách thị trường của WGC cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã chứng kiến lượng mua bán lẻ vàng khổng lồ ở Trung Quốc… số lượng mua kỷ lục trên Sàn giao dịch vàng Thượng Hải của nước này”.
Vàng bày bán tại cửa hàng trang sức Luk Fook Holdings International Ltd. ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ngay cả giới trẻ Trung Quốc cũng tích trữ vàng trong thời kỳ kinh tế bất ổn, từ những mảnh vàng bé như những hạt đậu cho đến các dạng trang sức vàng khác nhau.Tại sao Trung Quốc mua nhiều vàng như vậy?
Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào đồng đô la Mỹ để giao dịch với phần còn lại của thế giới. Là đồng tiền dự trữ của thế giới, hầu hết hàng hóa đều được định giá bằng đô la và hơn một nửa giao dịch trên thế giới được thực hiện bằng đồng bạc xanh.
Trong khi phát triển 30 năm qua để thách thức vị trí nền kinh tế số 1 thế giới của Mỹ, Trung Quốc đã xây dựng được nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ, chủ yếu bằng đô la.
Nhưng Bắc Kinh lo ngại họ đã trở nên quá phụ thuộc vào đồng bạc xanh và muốn đa dạng hóa nguồn dự trữ của PBoC.
Theo dữ liệu của Mỹ, Trung Quốc đang dần giảm lượng nắm giữ USD, vốn đã giảm dần 1/3 kể từ năm 2011 xuống còn khoảng 800 tỷ USD. Sự sụt giảm đã tăng tốc kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Mục tiêu đa dạng hóa ngoại hối phù hợp với mục tiêu của các quốc gia khác trong nhóm sáng lập BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), những quốc gia có nền kinh tế dự kiến sẽ lớn hàng đầu thế giới vào năm 2050.
BRICS thậm chí còn đưa ra ý tưởng về một loại tiền tệ chung trong tương lai, điều này có khả năng thách thức đồng đô la với tư cách là tiền tệ dự trữ của thế giới.
Tại sao Trung Quốc muốn đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ khỏi đồng USD?
Các quốc gia BRICS, bao gồm cả Trung Quốc, lo ngại rằng Washington đã và đang vũ khí hóa đồng đô la để duy trì vị thế kinh tế và địa chính trị toàn cầu của mình.
Vị thế của đồng đô la cho phép Mỹ vay tiền với chi phí thấp hơn nhiều. Washington cũng có thể sử dụng đồng tiền này như một công cụ ngoại giao, chẳng hạn như khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên.
Sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt một số đợt trừng phạt đối với Moscow, bao gồm cả việc đóng băng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga.
Dưới áp lực của Mỹ, hầu hết các ngân hàng Nga cũng bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, hệ thống tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền quốc tế.
Nhà phân tích John Reade của WGC mới đây cho biết: “Tôi nghĩ [các lệnh trừng phạt] đã khiến nhiều ngân hàng trung ương suy nghĩ cẩn thận về lượng dự trữ USD mà họ nắm giữ”.
Trung Quốc lo ngại rằng nước này có thể phải đối mặt với những biện pháp kiềm chế tương tự như Mỹ đã áp dụng với một số nước khác, nếu nước này quyết định phô trương sức mạnh quân sự hơn nữa hoặc nếu cuộc xung đột thương mại với Washington trở nên tồi tệ hơn.
Nhà phân tích John Reade dự đoán Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng trong vài năm nữa, một tín hiệu cho thấy sự đa dạng hóa còn lâu mới kết thúc.
Ngay cả sau gần 18 tháng mua vào, dự trữ vàng của Trung Quốc vẫn chỉ chiếm khoảng 4% tổng dự trữ của PBoC. Con số đó thấp hơn nhiều so với ngưỡng dự trữ của ngân hàng trung ương các nước phát triển.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vàng cho rằng giá đã bị các nhà đầu cơ thổi phồng quá mức và nhu cầu tiếp tục của các ngân hàng trung ương như Trung Quốc có thể không thúc đẩy giá tăng cao hơn nhiều.
Mặc dù vậy, không giống như tiền giấy, vàng có giá trị nội tại vì đây là mặt hàng hiếm, khó khai thác. Vàng cũng có nhiều ứng dụng kinh tế, trong điện tử, nha khoa, công cụ y tế và các lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ và ô tô.