Hàng chục người thiệt mạng trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh khi những cơn bão mùa đông và các đợt lạnh dữ dội quét qua phần lớn nước Mỹ, Canada và Nhật Bản, gây ra tình trạng mất điện và giao thông hỗn loạn.
Mặc dù các trận bão tuyết không phải là điều bất thường, nhưng mức độ dữ dội và lượng tuyết rơi dày kỷ lục do những cơn bão này gây ra đã khiến các nhà khí tượng học phải đưa ra lời cảnh báo, đặc biệt là ở Mỹ, nơi xảy ra trận bão tuyết được gọi là “bom lốc xoáy”.
Đợt bão tuyết kéo dài nhiều ngày, bắt đầu từ hôm 23/12, đã khiến ít nhất 57 người thiệt mạng ở Mỹ. Ảnh: EPA-EFE.
Điều gì đã xảy ra ở Mỹ và Canada?
Khởi nguồn của “bom lốc xoáy” là không khí lạnh, khô tích tụ trên các thềm băng ở Bắc Cực. Sự vận động của các luồng không khí tại tầng bình lưu và cao hơn khiến khí lạnh từ Bắc Cực bị đẩy xuống phía Nam, tới Canada và Mỹ.
Khi dòng khí khô, lạnh đi xuống phía Nam vào khu vực ấm và ẩm hơn, sự tương tác giữa hai khối khí này tạo ra hình thái thời tiết cực đoan là “bom lốc xoáy”, một loại bão mạnh lên rất nhanh, có áp suất khí quyển giảm đột ngột trong vòng 24 giờ.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết các điều kiện môi trường tạo nên “bom lốc xoáy” tồn tại ở khu vực Ngũ Hồ, nằm tại biên giới Mỹ và Canada. Đây là nơi không khí khô lạnh từ Bắc Cực tiếp xúc với không khí nóng ẩm từ mặt nước.
Đợt bão tuyết kéo dài nhiều ngày, bắt đầu từ hôm 23/12, đã khiến ít nhất 57 người thiệt mạng ở Mỹ. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng vì nhiều người bị mắc kẹt trong nhà khi tình trạng mất điện diễn ra trên diện rộng.
Mối liên hệ với biến đổi khí hậu?
Các nhà khoa học vẫn đang tranh luận về các giả thuyết khác nhau. Tuy nhiên, có một giả thuyết đang được nhiều nhà khoa học ủng hộ là việc Bắc Cực nóng lên nhanh chóng đã phá vỡ các hình thái thời tiết.
Khu vực Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn khoảng 4 lần so với hầu hết các khu vực khác trên thế giới, do đó sự chênh lệch nhiệt độ giữa Bắc Cực và vùng nhiệt đới nhỏ hơn trước.
Một số nhà khoa học cho biết hiện tượng ấm lên này đang gây ra sự gián đoạn trong xoáy cực, thông qua những thay đổi trong các luồng khí. Theo một số nhà khoa học khác, mô hình máy tính cho thấy các yếu tố biến đổi tự nhiên đang dẫn đến sự gián đoạn xoáy cực.
Các nhà khoa học cho biết họ cần thêm dữ liệu để đưa ra kết luận về sự gián đoạn xoáy cực. Tuy nhiên, họ có nhiều cơ sở để chắc chắn về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu với cường độ mưa và tuyết rơi. Đó là bởi vì bầu không khí ấm hơn thường có độ ẩm cao hơn và mặc dù vẫn xảy ra những trận bão tuyết dữ dội, nhưng nhìn chung, dữ liệu cho thấy nhiệt độ mùa đông đang trở nên ôn hòa hơn trên toàn cầu.
Nói tóm lại, biến đổi khí hậu đã làm cho các đợt lạnh cực đoan trở nên ấm hơn và ngắn hơn, Tiến sĩ Patrick Brown của Viện Đột phá - một viện nghiên cứu chính sách ở California, nhận định với tạp chí New Scientist.
Nguyên nhân dẫn tới đợt lạnh cực đoan ở Nhật Bản
Ngày 26/12, các quan chức quản lý thiên tai thông báo đợt tuyết rơi dày ở Nhật Bản từ hôm 17/12 đã khiến 17 người thiệt mạng, 93 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị mất điện.
Nhật Bản đã đón 2 đợt lạnh cực đoan. Đợt lạnh đầu tiên là từ ngày 17-20/12. Đợt thứ 2 trong khoảng ngày 22-26/12. Cả 2 đợt lạnh đều có những trận bão tuyết lớn, khiến giới chức các khu vực như Niigata, Ishikawa và Fukushima phải phát cảnh báo nguy hiểm.
Bão tuyết ở Niigata, Nhật Bản, hôm 19/12. Ảnh: AFP
Một số nơi đã ghi nhận kỷ lục mới về lượng tuyết rơi trong vòng 24 giờ, ví dụ như thị trấn Oguni ở Yamagata, lượng tuyết rơi dày tới 97cm trong vòng 24 giờ tính đến 4h sáng ngày 24/12.
Các trận bão tuyết lớn cũng xảy ra ở những nơi không thường gặp hiện tượng này như Fukuoka và Kumamoto ở Kyushu, và Hiroshima ở Tây Nhật Bản, khiến giao thông hỗn loạn, nhiều chuyến bay bị hủy, dịch vụ đường sắt bị gián đoạn, hàng chục nghìn hộ gia đình phải sống trong cảnh mất điện.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho rằng thời tiết xấu là do “mô hình áp suất khí quyển mùa đông mạnh và di chuyển chậm”, nhưng không đề cập đến việc liệu nó có phải là hiện tượng bất thường hay không.
Điều gì sẽ xảy ra trong tương lai?
Nhiệt độ trung bình toàn cầu đang tiếp tục tăng, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không còn các trận bão tuyết nữa.
Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến xoáy cực như thế nào vẫn là một chủ đề cần được nghiên cứu thêm, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều vụ hiện tượng “bom lốc xoáy” ảnh hưởng đến Bắc Mỹ, châu Âu và một số khu vực của châu Á.
“Chúng ta đang chứng kiến sự ấm lên toàn cầu vào mùa đông. Nhưng chúng ta cũng đang chứng kiến những đợt lạnh cực đoan xảy ra thường xuyên hơn. Cường độ mưa và tuyết rơi sẽ tăng lên. Ngay cả khi các trận bão tuyết không quá lạnh, lượng tuyết rơi vẫn có thể dày kỷ lục”, Tiến sĩ Jennifer Francis tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell (Mỹ) nói với New Scientist.