Ngày 31/3/1954, Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov đã khiến những người đồng cấp Mỹ, Pháp và Anh bất ngờ với công hàm ngoại giao bày tỏ Moscow sẵn sàng gia nhập NATO.
Công hàm nói rằng: “Nếu Liên Xô gia nhập, NATO sẽ không chỉ còn là một nhóm quân sự khép kín với các quốc gia phương Tây” mà mở cửa cho các cường quốc châu Âu khác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra “một hệ thống an ninh tập thể hiệu quả ở châu Âu, đó sẽ là điều vô cùng quan trọng để củng cố hòa bình thế giới”.
Nghiền ngẫm đề xuất của Liên Xô trong hơn 1 tháng, cuối cùng Washington đã phản hồi và gửi cho Moscow một công hàm vào ngày 7/5/1954 với lý do “một đề xuất như vậy về bản chất là phi thực tế” và nhấn mạnh rằng “nó mâu thuẫn với chính những nguyên tắc mà hệ thống phòng thủ và an ninh của các nước phương Tây phụ thuộc vào đó để hoạt động”.
Được thành lập vào tháng 4/1949, các mục tiêu chính thức của NATO tập trung vào việc “ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô” thông qua phòng thủ tập thể cho các thành viên, ban đầu bao gồm 12 quốc gia.
Đằng sau hậu trường, cấu trúc an ninh thời hậu chiến do Mỹ tạo ra có các mục tiêu khác, bao gồm cả việc kiểm soát các vấn đề nội bộ của các nước châu Âu. Như Tổng thư ký đầu tiên của NATO, Lord Hastings Ismay, từng có câu nói nổi tiếng: Mục đích của NATO là “để Liên Xô ở ngoài, Mỹ ở trong và Đức bị tiêu diệt”.
Trước khi gửi công hàm vào tháng 3/1954, các nhà ngoại giao Liên Xô đã thực hiện một số nỗ lực khác nhằm truyền đạt tới Washington mối quan tâm của Moscow trong việc gia nhập NATO như một cơ chế đảm bảo an ninh tập thể châu Âu.
Nhà ngoại giao kỳ cựu của Liên Xô Andrei Gromyko từng bình luận vào năm 1951 rằng, “nếu hiệp ước này nhằm mục đích chống lại việc khôi phục sự xâm lược của Đức thì Liên Xô sẽ gia nhập NATO”.
Năm 1952, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin được cho là đã nói với Đại sứ Pháp Louis Joxe, nếu NATO là một tổ chức hòa bình, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc như Tổng thống Charles De Gaulle đã mô tả, Liên Xô có thể xem xét trở thành thành viên.
Cùng năm đó, Stalin gửi cho các cường quốc phương Tây một loạt điện tín ngoại giao đề xuất thống nhất nước Đức với tư cách là một cường quốc trung lập ở trung tâm châu Âu, ngăn cách hai khối Đông và Tây. Áo đã trở thành một quốc gia như vậy vào năm 1955, khi Liên Xô rút quân để đổi lấy cam kết trung lập từ Vienna (điều này này vẫn được duy trì cho đến ngày nay).
Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, cả đầu những năm 1990 và đầu những năm 2000, nước Nga thời hậu Xô viết một lần nữa lại bày tỏ quan tâm đến việc trở thành thành viên hoặc ít nhất là hợp tác với liên minh phương Tây vì những lợi ích bao trùm về hoà bình và an ninh ở châu Âu.
Tổng thống Boris Yeltsin và Ngoại trưởng Nga Andrei Kozyrev, đã tổ chức các cuộc đàm phán căng thẳng với chính quyền Tổng thống Mỹ Bill Clinton từ đầu đến giữa những năm 1990 về triển vọng Nga trở thành thành viên trong liên minh phương Tây.
Tổng thống Clinton đã thành công trong việc che mắt Yeltsin. Nhà lãnh đạo Nga chấp nhận đảm bảo của Mỹ rằng Nga sẽ được đối xử như một “đối tác bình đẳng”, ông cũng miễn cưỡng chấp nhận vòng mở rộng đầu tiên của NATO về phía Đông tới Ba Lan, Hungary và nước Cộng hòa Séc.
Sau khi trở thành Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin cũng thăm dò ý định của Mỹ đối với Nga vào những năm đầu thế kỷ 21. Ông đã nhắc đến điều này khi trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Tucker Carlson gần đây.
“Tôi trở thành tổng thống vào năm 2000. Tôi nghĩ rằng, vấn đề Nam Tư đã kết thúc, nhưng chúng ta nên cố gắng khôi phục quan hệ. Hãy mở lại cánh cửa mà Nga đã cố gắng đi qua… Tại cuộc gặp ở Điện Kremlin với Tổng thống sắp mãn nhiệm Bill Clinton, tôi đã hỏi ông ấy: ‘Bill, nếu Nga đề nghị gia nhập NATO, ông có nghĩ điều đó sẽ xảy ra không?’ Ông ấy nói với tôi: ‘Ông biết đấy, điều đó thật thú vị, tôi nghĩ vậy’”, Tổng thống Putin kể lại.
“Nhưng vào buổi tối, khi chúng tôi ăn tối, ông ấy lại nói: ‘Tôi đã nói chuyện với nhóm của tôi. Không, bây giờ điều đó là không thể’. Nếu ông ấy nói đồng ý, quá trình xích lại gần nhau sẽ bắt đầu và cuối cùng điều đó có thể xảy ra nếu chúng tôi nhìn thấy mong muốn chân thành nào đó từ phía các đối tác của mình. Nhưng nó đã không xảy ra. Được thôi, không có nghĩa là không”, ông Putin nói.
Hệ tư tưởng, quyền lực ngầm hay những vấn đề từ lâu đời?
Michael Maloof, cựu nhà phân tích chính sách an ninh cấp cao của Lầu Năm Góc, cho biết NATO không thể chấp nhận Liên Xô gia nhập liên minh vào những năm 1950 “vì tâm lý Chiến tranh Lạnh” phổ biến ở phương Tây vào thời điểm đó.
Sau khi Liên Xô tan rã, có một động lực khác để Nga trở thành thành viên. Yeltsin đã muốn làm điều đó từ rất sớm. Ông Putin ban đầu cũng có mối quan tâm tương tự. Nhưng mỗi lần NATO đều viện lý do là hệ tư tưởng không tương thích để từ chối Moscow, từ những lo ngại về sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản trong Chiến tranh Lạnh, đến việc hệ thống chính trị của nước Nga hậu Xô viết không tương thích với hệ thống chính trị của phương Tây.
“Mọi người đều có cách hiểu riêng về ‘dân chủ’. Họ điều hành NATO, đặt ra các quy tắc riêng của mình và Nga đã không đáp ứng các quy tắc đó. Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua quá trình đó khá lâu để gia nhập NATO và họ vẫn đang trải qua điều đó cho đến ngày nay trong nỗ lực gia nhập EU”, ông Maloof nói.
Theo ông, nghiêm trọng hơn là yếu tố “quyền lực ngầm” thường trực ở Washington, cụ thể là “phong trào tân bảo thủ chống lại Nga, trước đây là Liên Xô”, thể hiện ở những người như cựu thứ trưởng ngoại giao Victoria Nuland. Tham vọng của những người này đã và đang tiếp tục là “kiềm chế, nếu không muốn nói là băm nát nước Nga”.
Ông Maloof cho rằng, không có “công tắc bật-tắt” đối với kiểu thù địch này.
“Thật khó để mọi người chuyển sang tư duy khác, đặc biệt là trong cộng đồng tình báo”, ông nói.
“Chúng tôi đã có 50 năm hoạt động ở Liên Xô. Có rất nhiều quan chức trong cộng đồng tình báo coi việc chống đối Nga là ‘điểm ngọt ngào’ của họ, để họ cảm thấy thoải mái trong công việc. Sự thay đổi sau năm 1991 hoàn toàn xa lạ với họ. Ngay cả ông Putin lúc đầu cũng muốn gia nhập NATO nhưng ông bắt đầu nhận thấy phản ứng ngày càng thù địch từ phương Tây. Vì vậy, ông ấy bắt đầu hướng tới một phong trào Á-Âu nhiều hơn, đặc biệt là sau cuộc nổi dậy ở Ukraine năm 2014”, ông Maloof nói.
Ông Maloof tin rằng một phần của sự thù địch thậm chí còn bắt nguồn từ “những mối thâm thù”.
“Lấy ví dụ như Victoria Nuland. Trước khi rời bỏ công việc ở Bộ Ngoại giao, bà đã dẫn đầu toàn bộ ‘nỗ lực của Ukraine’. Tại sao ư? Hóa ra gia đình bà đến từ miền Tây Ukraine. Bà ấy chỉ muốn lấy lại tài sản của mình, lấy lại đất của mình. Lý do Ba Lan rất quan tâm đến Ukraine cũng tương tự”, ông Maloof nói, đồng thời chỉ ra rằng từ thế kỷ 14, Warsaw đã chinh phục phần lớn các vùng đất là Ukraine ngày nay. Những vấn đề như vậy giống như một căn bệnh ung thư chưa phát tác, mà khi phát tác nó sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng.
Theo ông Maloof, một lý do khác khiến Nga không bao giờ có thể gia nhập liên minh xoay quanh việc Moscow luôn coi mình là một cường quốc, một quốc gia xứng đáng được coi là “đối tác bình đẳng”.
“Chúng tôi nhận thấy điều này, đặc biệt là trong các cuộc đàm phán dẫn đến yêu cầu của ông Putin vào tháng 12/2021 khi ông ấy nói ‘cần phải ngăn chặn sự mở rộng của NATO, bao gồm cả ở Ukraine’ và rằng ‘đây là ranh giới đỏ’ đối với họ. Phản ứng từ phương Tây là ‘Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn’. Họ không coi trọng lời nói của ông Putin và người Nga cảm thấy rằng Mỹ đang coi thường Nga”, ông Maloof nói.
“Đáng lẽ NATO nên tan biến”
Ông Maloof nhấn mạnh, sẽ thật “tuyệt vời” khi thấy “sự hợp tác tổng thể” giữa phương Tây và Nga, không chỉ vì lý do an ninh mà còn vì lý do kinh tế, đặc biệt là đối với châu Âu.
Tốt hơn hết là NATO nên theo gương Hiệp ước Warsaw và tan biến vào quên lãng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. “Hiệp ước Warsaw đã biến mất. NATO đáng lẽ cũng nên tan biến”.
Thực tế là có những người trong cơ quan an ninh phương Tây coi liên minh này công cụ để thúc đẩy chương trình nghị sự của phương Tây không chỉ ở châu Âu mà còn ở châu Á, Bắc Cực và thậm chí cả ngoài không gian.
Dù vào năm 1954, đầu những năm 1990 hay đầu những năm 2000, Moscow chưa bao giờ có cơ hội gia nhập liên minh phương Tây. Nếu Liên Xô và/hoặc Nga gia nhập, điều đó có thể mang lại cơ hội tạo ra “một hệ thống an ninh tập thể hiệu quả ở châu Âu”, như Ngoại trưởng Molotov đã nhận định vào năm 1954.
Mặt khác, với sự can dự của liên minh trên toàn cầu, từ Balkan và Trung Đông đến Tây Á và Bắc Phi, có vẻ như điều tốt nhất là Nga không bao giờ nên trở thành thành viên của liên minh quân sự phương Tây.