1. Sự sa sút của Sanchez đã không diễn ra một cách chậm rãi. Chỉ ít tháng trước đó, anh đã được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất năm của Arsenal, nhưng khi gia nhập Man United, anh đã ngay lập tức thi đấu rất chật vật.
Làm thế nào mà một trong những cầu thủ xuất sắc nhất Premier League lại trở thành cái bóng vật vờ của chính mình chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đến vậy?
Có rất nhiều yếu tố dẫn đến việc này, ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Tuy nhiên, khi nói đến những sự kiện diễn ra trên sân cỏ, có tồn tại một vấn đề mang tính thời sự nhất và cũng là lớn nhất: Vai trò của Sanchez tại Man United chưa bao giờ được hiểu đúng và sử dụng đúng cách.
Sanchez thật sự là một cầu thủ rất đa năng. Anh đã bắt đầu cuộc phiêu lưu nơi trời Âu của mình ở cánh phải của Udinese và thường xuyên được sử dụng ở vị trí đó tại Barcelona trước khi chuyển sang đá ở cánh trái trong màu áo Arsenal.
Anh đã cho thấy mình hoàn toàn có thể chơi như một số 10, có thể đóng góp rất lớn cho những pha phản công, và cuối cùng là hoạt động như một trung phong để đạt đến một sự hiệu quả tuyệt vời ở London.
Nhưng điều đã không thay đổi trong suốt sự nghiệp của Sanchez trước khi đến Man United là dù có chơi ở bất kì vị trí nào, anh cũng đều thể hiện hình ảnh của một cây săn bàn hơn là một cầu thủ sáng tạo. Mặc dù vị trí của Sanchez tại Arsenal có vẻ giống với vai trò mà anh được giao ở Old Trafford, nhưng lại hoàn toàn khác nhau về bản chất.
Ngay cả khi được triển khai đá cánh ở Arsenal, Sanchez vẫn thường có Olivier Giroud ở phía trước anh và một Mesut Ozil đóng vai trò playmaker (nhạc trưởng).
Anh sẽ khó có thể tìm ra được đến hai người đồng đội chịu hy sinh để nhường đất diễn cho mình tỏa sáng như vậy ở các đội bóng khác.
Tại Man United, chỉ có Juan Mata là sở hữu phẩm chất và tinh thần đó. Với Romelu Lukaku là tiền đạo trung tâm, Sanchez đã được Man United kì vọng là người sẽ tăng thêm sự sáng tạo cho đội hình, dù cho anh chỉ là một cầu thủ luôn hưởng lợi từ phẩm chất đó của những người khác.
Ví dụ, tại Manchester City, câu lạc bộ đã từng rất muốn có được chữ ký của anh, Pep Guardiola chắc chắn sẽ sử dụng Sanchez theo cách khác.
Với việc nhà cầm quân người Tây Ban Nha đã từng ca ngợi Arsene Wenger vì đã tìm ra được một vai trò phù hợp cho Sanchez, điều mà ông đã không làm được tại Barcelona, rất có thể anh sẽ đóng vai trò là một “chân dứt điểm cơ động” đội chủ sân Etihad, một đối thủ cạnh tranh của Sergio Aguero cho vai trò người lĩnh xướng hàng công.
Trung bình số cú sút/90 phút của Sanchez qua từng mùa giải thi đấu tại Premier League
Trong vai trò của một trung phong, Sanchez đã ghi được rất nhiều bàn thắng trong tổng số 22 bàn mà anh đã ghi trong mùa giải cuối cùng khoát áo Arsenal – một mùa giải mà chỉ có Aguero là tiền đạo duy nhất có số cú sút/ trận nhiều hơn anh.
Sự sụt giảm mạnh về số cú sút/ trận kể từ khi chuyển đến Man United chính là lời giải thích đơn giản nhất cho cơn “khô hạn bàn thắng” của Sanchez.
Sự xuất sắc tại Arsenal đã không được Sanchez tái hiện lại ở Man United. Anh đã có trung bình ít nhất 3,6 cút sút/ 90 phút trong 4 mùa giải thi đấu ở London.
Ngay sau khi gia nhập Man United, điều đó đã thay đổi. Sanchez thậm chí còn không đạt được một nửa con số trên trong mùa giải đầu tiên hoặc thứ hai tại sân Old Trafford. Ngôi sao người Chile đã thay đổi một cách chóng mặt bởi vì anh là một cầu thủ hoàn toàn không phù hợp với hệ thống của Man United.
“Cậu ấy đã gia nhập một đội bóng chơi quá thiên về phòng ngự,” Robin Van Persie bình luận gần đây.
Cựu cầu thủ người Hà Lan cũng đã có một cuộc hành trình tương tự như Sanchez trên đất Anh, nhưng Man United mà anh đã gia nhập là Man United của Sir Alex Ferguson.
Mối quan tâm quá mức của Jose Mourinho đối với công tác phòng ngự đã dẫn đến hệ quả là hiếm khi có một hậu vệ biên nào dâng cao chồng cánh để tạo ra khoảng trống cho Sanchez và anh cũng không có được sự tự do như thời thi đấu cho Arsenal.
Sanchez chỉ ghi được vỏn vẹn 3 bàn thắng kể từ khi chuyển đến Man United vào tháng 1 năm 2018.
2. Đương nhiên, Sanchez cũng phải có trách nhiệm tự tạo ra các cơ hội cho mình, nhưng anh lại không có quá nhiều khoảng trống để làm điều đó.
Số lần chạm bóng của anh trong vòng cấm đối phương đã trở nên ít hơn và anh đã thực hiện nhiều pha rê bóng hơn bao giờ hết để có thể đến đó – để rồi phải gánh chịu vô số lời chỉ trích khi mà anh đã làm mất bóng đến 36 lần chỉ trong hai trận đấu với Huddersfield và Newcastle.
Trên thực tế, dù cho Sanchez có bất cẩn trong việc duy trì quyền kiểm soát bóng, thì đó cũng chưa bao giờ là một vấn đề đáng lo ngại. Giống như nhiều cầu thủ hàng đầu khác, Sanchez cũng được quyền thi đấu với tư tưởng như vậy ở Arsenal.
Anh có quyền tự do thử nghiệm tất cả các phương án, ý tưởng mà mình muốn, bởi vì anh chính là người được giao trọng trách lĩnh xướng toàn bộ hàng công, tạo ra sự khác biệt và xoay chuyển tình thế. Thật không may, Sanchez đã không còn thể hiện hình ảnh đó tại Man United được nữa.
Có một sự thật rất thú vị, đó là việc khả năng sáng tạo của Sanchez vẫn luôn được thể hiện khá ổn định trong suốt sự nghiệp của anh tại Premier League. Hãy nhớ về cái lần mà Sanchez đã góp công vào hai bàn thắng trong chiến thắng 3-2 của Man United trước Man City ngay tại Etihad.
Trung bình số lần tạo cơ hội cho đồng đội/ 90 phút từ bóng sống của Sanchez tại Premier League qua các mùa giải
Trong mỗi mùa giải tại Arsenal, Sanchez luôn có số bàn thắng nhiều hơn số pha kiến tạo, nhưng tại Man United, thống kê đó đã hoàn toàn bị đảo ngược trong cả hai mùa giải.
Khi còn chơi cho Arsenal, anh thường xuyên dứt điểm hơn là tạo ra cơ hội cho đồng đội. Còn tại Man United, anh lại thường xuyên tạo ra cơ hội cho đồng đội hơn là dứt điểm. Sự đảo ngược này đã hoàn toàn hủy hoại những gì đã biến anh thành một cầu thủ xuất sắc.
Ở mùa giải trước, Sanchez đã có số lần làm mất bóng ít hơn hẳn trước đây. Nhưng đó lại không phải là một tín hiệu đáng mừng, bởi vì nó đã phản ánh một thực tế, anh đã không còn rê bóng nhiều như trước nữa.
Người đàn ông từng mang trọng trách gánh vác cả hàng công của một đội bóng, luôn can đảm thử nghiệm và biến các phương án, ý tưởng tấn công trở thành kết quả thực tế, giờ đây đã buông bỏ nhiệm vụ đó.
Wenger, vị huấn luyện viên đã từng tin tưởng Sanchez hơn bất cứ ai, đã khẳng định rằng chính sự thiếu tự tin đã khiến anh không còn có thể thường xuyên đưa ra những quyết định can đảm nữa.
“Cậu ấy đã đánh mất đi sự tự tin,” Wenger nói. “Điểm mạnh của Sanchez đã từng là sự chủ động mà cậu ấy luôn thể hiện, để sẵn sàng rê bóng, sẵn sàng vượt qua bất cứ ai.
Những cầu thủ kiểu này dễ bị tổn thương và sa sút nhất là khi họ không còn tự tin nữa, vì họ thi đấu hoàn toàn là dựa trên cái cảm giác là mình được tự do để chủ động làm mọi thứ. Cậu ấy đã từng có một nguồn năng lượng đầy mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng giờ đây, cậu ấy đã đánh mất nó.”
Tại Manchester United, sự ra đi của Sanchez sẽ không được các cổ động viên tiếc nuối hay quyến luyến gì. Anh sẽ chỉ rời khỏi Old Trafford như một bảng hợp đồng thất bại khác – mặc dù đã đến như một quả bom tấn.
Một ví dụ khác phản ánh sự bất ổn đang từ từ giết chết đội bóng này. Có rất nhiều lý do để giải thích cho sự sa sút của Sanchez tại Man United và cũng có rất nhiều hướng đi khác đáng lẽ ra đã có thể giúp mọi chuyện trở nên sáng sủa hơn. Nhưng vấn đề là không ai có thể lường trước rằng, mối duyên của Sanchez và Man United lại trở nên tồi tệ đến vậy chỉ trong một thời gian ngắn.