Giai đoạn mới trong cuộc phản công của Ukraine
Đã hai tháng kể từ khi Ukraine tiến hành cuộc phản công Nga trên tiền tuyến trải dài 1.000km và hơn 1 tuần kể từ khi chiến dịch này dường như bước vào giai đoạn hai hoàn toàn khác.
Ukraine khai hỏa pháo ở Bakhmut. Ảnh: Getty
Giai đoạn một trong cuộc phản công của Ukraine đã có một khởi đầu không thuận lợi khi cuộc tấn công đầy tham vọng với các đơn vị cơ giới hóa được trang bị vũ khí hiện đại phương Tây đã gặp khó khăn trong việc xuyên thủng phòng tuyến Nga.
Ngay sau đó, Ukraine sử dụng lợi thế của hỏa lực tầm xa để làm gián đoạn các tuyến tiếp tế và phá hủy các trung tâm hậu cần cũng như chỉ huy của Nga. Mục tiêu của Kiev là làm giảm khả năng của Moscow khi phản ứng với chiến dịch "thăm dò" của Ukraine, được tiến hành nhằm tìm kiếm lỗ hổng và điểm yếu của Nga.
Chiến thuật này tương tự như chiến thuật "cắn và giữ" trong Thế chiến I (bite and hold - đây là chiến thuật mà một bên sẽ chiếm giữa một phần đất nhỏ dễ phòng vệ, buộc đối phương phát động những cuộc phản công đắt giá nhằm vào họ - ND).
Những chiến dịch này gần đây được hỗ trợ bởi các cuộc tấn công UAV quy mô nhỏ nhằm vào Moscow và hàng loạt cuộc tấn công bằng xuồng không người lái của Ukraine nhằm vào các tàu tuần tra Nga trên Biển Đen.
Các cuộc tấn công UAV vào Moscow được cho là giống đòn tấn công tâm lý hơn là đạt được giá trị quân sự. Chúng được tiến hành nhằm gửi đi thông điệp tới người Nga rằng họ sẽ không thể đứng ngoài cuộc xung đột này và Điện Kremlin phải tăng cường đối phó với các mối đe dọa xuyên biên giới.
Các nước phương Tây ủng hộ Ukraine cho rằng, một sự dịch chuyển mang tính quyết định đã diễn ra vào tuần trước với sự tham gia của Quân đoàn 10 ngày 26/7 bao gồm 3 lữ đoàn Ukraine được trang bị vũ khí phương Tây. Mặc dù tiến triển đã được tạo ra dọc 3 trục tấn công chính nhưng tình trạng hiện nay vẫn là cuộc giao tranh kéo dài.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh dẫn các nguồn tin từ Nga cho biết, các lực lượng của Ukraine đang tiếp tục tấn công vào phía Tây Bắc và Tây Nam Bakhmut, cũng như khu vực tiếp giáp giữa phía Tây Donetsk và phía Đông Zaporizhia và ở phía Tây Zaporizhia.
Ngày 31/7, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar thông báo, tuần trước, các lực lượng của Ukraine đã giành được 2 km vuông lãnh thổ quanh Bakhmut và 12,6km vuông lãnh thổ theo hướng Berdiansk và Melitopol. Điều này đã đưa tổng số lãnh thổ nước này giành được lên khoảng 200 km vuông kể từ khi bắt đầu phản công, bà Maliar cho hay.
Điều đó cho thấy Ukraine chưa có sự thay đổi lớn về nhịp độ tấn công và sự tham gia của Quân đoàn 10 trên thực tế sẽ giảm bớt gánh nặng cho Quân đoàn 9 chiến đấu từ đầu chiến dịch chứ không hẳn tạo nên một giai đoạn tấn công hoàn toàn mới.
Câu hỏi về giai đoạn tấn công quyết định của Ukraine
Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Anh - Đô đốc Tony Radakin đã gọi chiến lược của Ukraine là "làm kiệt quệ, kéo căng và tấn công". Giai đoạn làm kiệt quệ (tấn công vào các trung tâm hậu cần) và kéo căng (thăm dò và nghi binh dọc các trục tấn công) đang diễn ra đồng thời.
Ở một thời điểm nào đó, Tướng Valery Zaluzhny, Chỉ huy Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ phải quyết định thời điểm và cách tiến hành giai đoạn tấn công, với sự triển khai của các lữ đoàn mới nhằm vượt qua các bãi mìn theo hướng phòng tuyến chính của Nga trước khi xuyên thủng nó. Giai đoạn này vẫn chưa diễn ra.
Việc giữ kín các thông tin liên quan đến chiến dịch phản công của Ukraine đồng nghĩa rằng khó có thể biết được Tướng Zaluzhny sẽ chọn hướng tấn công nào trong số 3 trục hiện nay. Với những điều từng xảy ra vào năm ngoái khi trọng tâm đột ngột chuyển từ Kherson sang Kharkiv, quyết định của ông Zaluzhny sẽ phải chớp thời cơ và tính toán rủi ro cũng như cái giá phải trả.
Đi về phía Nam từ Zaporizhzhia qua Tokmak xuống Melitopol và Biển Azov, khoảng cách dài 200km này sẽ là phần thưởng chiến lược lớn nhất cho Ukraine.
Nếu giành thắng lợi ở đây, Kiev sẽ chia cắt được các lực lượng của Nga, cắt đứt hành lang trên đất liền nối với Crimea và đặt bán đảo này trong tầm bắn của pháo binh và tên lửa Ukraine. Tuy nhiên, theo hướng tiến công này, Ukraine không chỉ cần phải xuyên thủng lớp phòng tuyến kiên cố đầu tiên của Nga mà còn phải vượt qua khu vực được bảo vệ chặt chẽ nhất trên toàn bộ chiến tuyến.
Hồi đầu tháng 6, các đội hình xe bọc thép của Ukraine đã không thể ẩn nấp khỏi các UAV tuần tra của Nga và dễ tổn thương trước các cuộc tấn công trên không, được yểm trợ bởi các bãi mìn hoặc chướng ngại vật khác. Thành công hạn chế của Ukraine hiện nay chủ yếu là kết quả từ các hoạt động của những đơn vị cấp trung đội và đại đội, sử dụng các hàng cây và những khu nhà nhỏ để ẩn nấp.
Một lựa chọn thay thế là lợi dụng hệ thống phòng thủ yếu hơn của Nga ở phía Đông quanh thị trấn Bakhmut, sau đó di chuyển về phía Nam vào Donbass. Giới quan sát cho rằng, nếu Ukraine giành được chiến thắng, điều đó sẽ là một tổn thất chính trị cho Nga khi Moscow đổ nhiều nguồn lực và nỗ lực vào đây.
Tuy nhiên, khu vực này ít có lợi thế về mặt chiến lược với Ukraine so với việc tiến đến bờ biển. Dù vậy, bằng việc tập trung vào Bakhmut, Ukraine có thể phân tán sự tập trung của Nga khỏi phía Nam, từ đó tạo ra lỗ hổng trong phòng tuyến của Moscow.
Cuộc tấn công của Ukraine có thành công hay không phần lớn còn phụ thuộc vào việc liệu Nga có thể rút khỏi các vị trí dễ tổn thương một cách trật tự để lui về những phòng tuyến được bảo vệ tốt hơn hay không. Điều này sẽ đánh giá tính hiệu quả của chiến lược làm tiêu hao của Ukraine từ giữa tháng 6, cũng như là phép thử cho giới lãnh đạo quân sự Nga.
Điều gì chờ đợi Ukraine khi tấn công chớp nhoáng bất thành?
Chiến lược gia quân sự Lawrence Freedman cảnh báo về việc mong đợi vào sự dịch chuyển đột ngột trong một cuộc giao tranh có tính cơ động cao. Ông cho biết, vào những năm 1980, các lực lượng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, quan tâm đến khả năng kết hợp các phương tiện quân sự tiên tiến đến mức mà việc đánh bại đối thủ bằng những bước tiến công nhanh chóng và táo bạo đã trở thành một lối đánh tiêu chuẩn.
Sau khi đưa chiến thuật trên vào thực tế lần đầu tiên trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh, sự "ám ảnh" của Mỹ với phiên bản nâng cấp của tấn công chớp nhoáng thậm chí còn trở nên sâu sắc hơn. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, trường hợp của Ukraine không giống vậy, bất chấp việc Kiev được trang bị những vũ khí hiện đại của NATO.
Nhà quan sát Lawrence chỉ ra rằng, trong những cuộc chiến trên, Mỹ có lợi thế áp đảo về hỏa lực và không lực, những yếu tố mà Ukraine không hề có. Ngoài ra, Kiev cũng không có nhiều thập kỷ nắm vững việc phối hợp lực lượng trên quy mô lớn. Trong khi đó, Nga có thể dựa vào số lượng lớn UAV để tăng cường khả năng quốc phòng.
Ukraine cần phải đạt được thành công ở một mức độ nào đó trước khi mùa thu bùn lầy có thể cản trở các hướng tấn công. Nhưng liệu thành công của Ukraine sẽ được đo lường như thế nào?
Theo các nhà phân tích Michael Kofman và Franz-Stefan Gady, Ukraine nên được hỗ trợ để "chiến đấu theo cách phù hợp nhất với mình" chứ không phải được khuyến khích áp dụng những chiến thuật tốt nhất của phương Tây. Và điều đó, như chuyên gia Lawrence kết luận, tức là Ukraine phải chấp nhận logic của một cuộc xung đột tiêu hao.