Ảnh: Nature
Trong thế giới tự nhiên, các loài động vật và thực vật đều tồn tại trong một mối quan hệ chặt chẽ với nhau và tuân thủ các quy luật tự nhiên để tạo nên một quần xã sinh vật đặc trưng cho từng khu vực.
Quần xã sinh vật này lại có một mối quan hệ dinh dưỡng để tạo nên một lưới thức ăn do nhiều chuỗi thức ăn tạo nên và thường thì chỉ có một loài ăn thịt đầu bảng trong lưới thức ăn này, chúng có vai trò vô cùng quan trọng.
Đây là loài (hầu như) không bị loài nào săn bắt và ăn thịt, ví dụ: Hổ là động vật ăn thịt đầu bảng ở châu Á, sư tử là động vật đầu bảng ở châu Phi, rồng Komodo là bá chủ ở đảo Komodo, chim ưng Galapagos là loài ăn thịt đầu bảng trên quần đảo Galapagos.
Lưới thức ăn. Ảnh: Wiki Index
Tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra khi loài ăn thịt đầu bảng này biến mất khỏi lưới thức ăn hoặc bị suy yếu?
Đây là một câu hỏi vô cùng thú vị! Thực tế giả thuyết này đã nhiều lần xảy ra và hậu quả nặng nề của nó là sự ảnh hưởng tới toàn bộ hệ sinh thái.
Đầu tiên hãy tìm hiểu về vai trò của loài ăn thịt đầu bảng, chúng là những loài có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái thông qua việc kiểm soát, chế ngự, điều hòa số lượng của các loài khác (từ các loài ăn thịt săn mồi khác đến các động vật bậc trung và cả các loài thực vật dưới cùng của lưới thức ăn).
Động vật đầu bảng sẽ giúp duy trì sự cân bằng sinh thái. Ảnh: Mỹ Thuật Trần Vương
Loài đầu bảng sẽ chế ngự các loài săn mồi khác thông qua việc... săn bắt cả hai bên, các loài săn mồi này lại đóng vai trò khống chế số lượng của các loài dưới chuỗi thức ăn của nó, gián tiếp giúp cho nhiều loài khác và cả quần thể thực vật được bảo vệ.
Sự bảo vệ này không chỉ diễn ra trong phạm vi quần xã mà chúng còn giúp kiềm chế và đẩy lùi các loài du nhập hay loài xâm lấn ngoài lưới thức ăn.
Các loài ăn thịt đầu bảng cũng có một quy luật bất thành văn là chúng chỉ săn mồi khi đói chứ không lạm dụng sức mạnh hay khả năng của mình để tàn sát các loài sinh vật nhỏ bé, yếu thế hơn.
Kết quả cuối cùng là tạo nên sự cân bằng sinh thái cho tổng thể quần xã sinh vật, do đó khi loài ăn thịt đứng đầu bảng bị biến mất khỏi quần xã thì quần xã sẽ rơi vào trạng thái bị xáo trộn và mất cân bằng.
Khi loài đứng đầu bảng không còn nữa
Có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến cho loài đứng đầu bảng bị loại khỏi lưới thức ăn hay mất đi vị trí đầu bảng, một trong các lý do chính là do sự săn bắn quá mức của con người hay sự xâm lấn của 1 sinh vật ngoại lai áp đảo hơn.
Hệ sinh thái Everglades, bang Florida từng bị mất cân bằng do loài ăn thịt đầu bảng là cá sấu mõm ngắn Mỹ (Alligator mississippiensis) bị trăn Miến Điện (Python molurus bivittatus) ngoại lai chiếm mất vị thế.
Cá sấu bị trăn Miến Điện ăn thịt. Ảnh: KPBS
Hệ động thực vật ở đây đã bị loài trăn này tàn phá nặng nề, ngược lại số lượng trăn Miến Điện lại tăng theo cấp số nhân (ước tính từ 30.000 đến hơn 300.000 cá thể) khiến việc nhập khẩu loài trăn này bị Bộ Nội vụ Mỹ cấm vào tháng 1 năm 2012.
Còn ờ vườn quốc gia Yellowstone, bắt đầu từ năm 1914, những con chó sói đã bị tiêu diệt hàng loạt trong một nỗ lực của Quốc hội Mỹ nhằm bảo vệ quần thể nai sừng tấm cũng như nông nghiệp và gia súc nơi đây. Kết quả cũng chẳng có gì tốt đẹp!
Chó sói đứng đầu lưới thức ăn ở Yellowstone. Ảnh: Untamed Science
Sau khi loài ăn thịt đầu bảng bị tiêu diệt, chó sói đồng cỏ nghiễm nhiên trở thành loài ăn thịt đầu bảng mới, tuy nhiên vấn đề phát sinh là sói đồng cỏ có kích thước nhỏ bé lại không thể hạ được các con mồi ăn cỏ lớn như nai sừng tấm.
Hậu quả là quần thể nai sừng tấm trở nên què quặt sau những cuộc tấn công, đồng thời chó sói đồng cỏ ngày càng trở nên táo bạo và ngày càng đông đảo nên đã tàn sát các loài động vật nhỏ hơn, cuối cùng người ta phải khôi phục lại số lượng sói xám để duy trì sự cân bằng sinh thái.
Một trường hợp khác diễn ra ở Úc. Tại đây, chó hoang Dingo là loài săn mồi ở nấc thang trên cùng nhưng lại bị giảm số lượng nghiêm trọng do thường xuyên bị lai tạo với những con chó nhà (chúng đã được liệt vào danh sách loài dễ bị tổn thương trong sách đỏ IUCN).
Chó hoang Dingo. Ảnh: New Mails
Sự suy giảm sức mạnh của loài đứng đầu lưới thức ăn đã khiến hai loài thú săn mồi xâm hại là loài cáo đỏ và mèo hoang tự tung tự tác tiêu diệt các loài gặm nhấm và động vật có túi, chim đến tuyệt chủng (20 trong 30 loài tuyệt chủng ở Úc là do sự săn mồi của cáo đỏ và mèo hoang).
Trên đây chỉ là một sô ví dụ trong vô vàn các trường hợp khác từng xảy ra trong quá khứ tới nay, qua đó chúng ta có thể thấy được vai trò không thể thiếu của loài động vật ăn thịt đầu bảng và có ý thức hơn trong việc bảo vệ các loài động vật này.