Nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc, cao nguyên Thanh Hải bao phủ 25% diện tích đất đại lục, bao gồm toàn bộ khu tự trị Tây Tạng và tỉnh Thanh Hải, cùng một số khu vực thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Cam Túc và khu tự trị Tân Cương.
Cao nguyên có diện tích khoảng 2,6 triệu km2 và hầu hết nằm ở độ cao hơn 4.000 m so với mực nước biển.
Do ít chịu tác động của con người, chất lượng không khí ít chịu ảnh hưởng của các chất gây ô nhiễm nên khu vực này được coi như là một trong những địa điểm sạch nhất thế giới.
Việc phát triển hệ sinh thái trên cao nguyên này được Bắc Kinh xem là một phần quan trọng của việc xây dựng môi trường sống và làm việc chất lượng cho người dân.
Đồng thời, hành động này cũng góp phần đảm bảo an ninh sinh thái toàn cầu.
Được mệnh danh là "mái nhà của thế giới", "cực thứ ba" và "tháp nước của châu Á", cao nguyên Thanh Hải, Tây Tạng cũng là môi trường sống tự nhiên của nhiều động vật quý hiếm.
Trước mắt, một hệ thống bảo tồn và bảo vệ cao nguyên đang được phát triển từng bước.
Bên cạnh đó, họ còn cải thiện chính sách, quy định để hình thành một hệ thống hoàn thiện nhằm bảo đảm phát triển sinh thái tại đó.
Tính đến hiện nay, cao nguyên có 155 khu bảo tồn tự nhiên với tổng diện tích 822.400 km2.
Con số này tương đương với 31,63 % vùng đất cao nguyên và chiếm 57,56% diện tích khu bảo tồn thiên nhiên của Trung Quốc.
Bắc Kinh cho biết thêm một số dự án sinh thái được tiến hành đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc bảo tồn sinh thái, kiềm chế suy thoái sinh thái và khôi phục đa dạng sinh học tại địa phương.
Việc khôi phục và mở rộng các loài quý hiếm và đang bị đe dọa là bằng chứng rõ ràng về sự thành công trong bảo tồn đa dạng sinh học.
Cụ thể, số linh dương Tây Tạng trên cao nguyên ở vùng tự trị Tây Tạng tăng từ khoảng 60.000 con năm 2000 lên hơn 200.000 con năm 2016.
Số lượng bò Tây Tạng hoang dã tăng từ 6.000 con trước khi nó được đưa vào bảo vệ, lên đến 10.000 con vào năm 2016.