Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca, thuộc huyện đảo Trường Sa, vừa được khánh thành để tưởng nhớ, tri ân vị tướng huyền thoại của dân tộc, người Anh cả của Quân đội nhân dân VN, người đã có công lớn trong việc ra quyết định giải phóng quần đảo Trường Sa.
Khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, đảo trưởng Sơn Ca khi đó là ông Đỗ Thế Tuyến đã cho lập một ban thờ để quân dân đảo Sơn Ca và ngư dân đánh bắt gần đảo đến thắp hương tưởng niệm.
Sau đó, đảo trưởng Sơn Ca đã cùng chiến sĩ cải tạo hệ thống bãi san hô phía trước đảo, xây dựng thành khuôn viên vườn hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rộng gần 100m2.
Vườn hoa tưởng niệm từ khi khởi công đến khi hoàn thành mất tròn 103 ngày (đúng bằng tuổi thọ của ông).
Tháng 5/2014, họa sĩ Nguyễn Thu Thuỷ đến thăm đảo Sơn Ca, chị nghĩ ngay đến việc cần tạc một bức tượng chân dung tôn vinh vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc tại đây.
Bộ Tư lệnh Hải quân đã ủng hộ ý tưởng của họa sĩ, quy hoạch một khu đất mới rộng 400m² để xây dựng công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trung tâm công viên là bức tượng chân dung Đại tướng cao 1m76, ngang 1m76 do nhà điêu khắc Lê Đình Bảo tạc từ đá sa thạch xanh xám nguyên khối.
Phía sau tượng là bức tường hình vòng cung dài 24m, cao 2,5m, gắn gần 300 hình ảnh tư liệu lịch sử in trên gốm.
Chắt chiu nước ngọt trộn bê tông
Anh Võ Hồng Nam, con trai của Tướng Giáp cho hay, thực sự rất may mắn khi tìm ra được khối đá sa thạch xanh xám ở gần Mỹ Sơn, Quảng Ngãi. Khối đá như hình quả trứng khổng lồ, nặng tới gần 20 tấn.
"Vận chuyển về Đà Nẵng cắt gọt bớt đi còn khoảng 12 tấn, đá đưa về Hà Nội để tạc nên bức tượng ông gần 3 tấn. Việc tạc tượng đã rất thành công, thể hiện rõ ràng thần thái uy nghi, nhất là ánh mắt quyết đoán của ông", anh Nam nói.
Thời tiết trên đảo Sơn Ca rất khắc nghiệt, cả nửa năm không mưa, nước ngọt vô cùng quý giá.
Bình thường trộn bê tông xây dựng trên đảo thường dùng nước biển, nhưng riêng với công trình này, cả đảo quyết tâm tiết kiệm nước ngọt để làm.
Có những trận mưa vội vàng và hiếm hoi, mọi người phải huy động ca, cốc để chắt chiu từng giọt nước mưa đọng lại trên tấm bạt che nguyên vật liệu xây dựng công trình.
Không hề có chọn lựa từ trước, nhưng đúng vào ngày 25/4, ngày đưa tượng Đại tướng ra đảo cũng là ngày giải phóng đảo Sơn Ca (25/4/1975).
Còn ngày 7/5 - ngày đưa tượng ông lên bệ cũng là ngày chiến thắng Điện Biên Phủ và ngày truyền thống của Hải quân VN.
Tượng Đại tướng nặng gần 3 tấn, được đưa lên bệ cao chủ yếu dựa vào sức người và ba lăng xích thô sơ. Các bức ảnh in trên gốm nung 1.200 độ cũng rất nặng.
Tổng cộng 700 tấn khối lượng nguyên vật liệu được tàu chở ra Sơn Ca, rồi dùng xuồng lần lượt chuyển tải vào đảo. Mất 3 ngày mới chuyển hết vật liệu thô vào đảo để thi công.
Liên tục làm việc ngày đêm trong vòng gần 2 tháng, công viên hoàn tất với sự tham gia của 10 nghệ sĩ công ty nghệ thuật Tân Hà Nội và lữ đoàn công binh 131.
Mọi dụng cụ xây dựng đều phải mang theo từ đất liền, từ ốc vít tới dây tời.
Thép xây dựng công trình mua xong tập kết ở Vũng Tàu để công binh mạ kẽm, chống sự ăn mòn của nước biển. Xi măng sử dụng cũng phải chống được mặn.
Nhóm công binh đã công tác ở đảo 20 tháng liên tục, thời gian thậm chí còn dài hơn các chiến sĩ đi nghĩa vụ trên đảo. Họ từng rất mong muốn được về nhà, khi cần ở lại xây dựng công viên, họ đã vui vẻ và sẵn sàng ở lại làm.
Hôm đưa tượng Đại tướng lên đảo, toàn bộ chiến sĩ ở Sơn Ca từ sáng sớm đã mặc quân phục chỉnh tề, xếp thành hai hàng từ bờ biển tới khuôn viên công viên, trang nghiêm chào đón...
Giữa biển khơi, bức tượng Đại tướng như điểm tựa, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho cán bộ, chiến sĩ và các thế hệ người dân trên đảo bảo vệ và giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.