Điều binh như thần, nghi binh như ảo thuật: Tháng 3/1975, Buôn Ma Thuột như "cá nằm trên thớt"

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Cái hay nhất của quá trình điều binh, tạo thế là phía VNCH, trực tiếp là Bộ Tư lệnh QK 2, QĐ 2 vẫn không hề hay biết.

LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, Bộ Thống soái tối cao đã lựa chọn Buôn Ma Thuột là trận then chốt quyết định bởi nếu chiếm được thị xã này sẽ làm rung chuyển cả Tây Nguyên và miền Nam.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975) về trận đánh lịch sử đó.

Thị xã Buôn Ma Thuột (BMT) nằm ở giữa ngã ba của hai con đường chiến lược 14 và 21, là đầu mối giao thông của Nam Tây Nguyên. Từ BMT dễ dàng đi lên các tỉnh phía Bắc và đi xuống Đông Nam Bộ - Sài Gòn bằng cả đường không và đường bộ.

Chính vì tầm quan trọng đó nên BMT có các căn cứ, sân bay, kho đạn hậu phương của các đơn vị chủ lực của Quân khu 2; Quân đoàn 2 Việt Nam cộng hòa (VNCH).

Thị xã được bảo vệ bởi các đơn vị khá tinh nhuệ gồm 1 Trung đoàn bộ binh, Trung đoàn 232 pháo binh và 2 Tiểu đoàn pháo binh, Trung đoàn 8 thiết giáp, cùng với lực lượng bảo an, cảnh sát, mật vụ… với tổng quân số hơn 8.000 lính.

Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, Bộ Thống soái tối cao đã lựa chọn BMT là trận then chốt quyết định bởi nếu chiếm được thị xã này sẽ làm rung chuyển cả Tây Nguyên và đe dọa cả miền Nam.

Điều binh như thần, nghi binh như ảo thuật: Tháng 3/1975, Buôn Ma Thuột như cá nằm trên thớt - Ảnh 1.

Buôn Ma Thuột - Trận nghi binh mở màn Chiến dịch Tây Nguyên.

Tuy nhiên, để tiến công vào một thị xã lớn với lực lượng quân sự khá mạnh và giành thắng lợi trong trận đánh đó là điều không hề dễ dàng. Trong hồi ký "Chiến đấu ở Tây Nguyên", Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã đúc kết ngắn gọn về trận đánh này như sau:

NGUYÊN TƯ LỆNH MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN - VIỆN CHIẾN LƯỢC QS BQP
THƯỢNG TƯỚNG - GS . NGND HOÀNG MINH THẢO
“Mưu cao nhất là mưu lừa địch - Kế hay nhất là kế điều địch - Mưu sinh ra kế - Kế đẻ ra thời - Đánh bằng mưu kế - Thắng bằng thế thời” (Trích: Chiến đấu ở Tây Nguyên- Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, NXB QĐND, tr. 191)

Trong thực tế, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã làm được như trên và đã giành thắng lợi trong trận đánh then chốt, quyết định này.

Điều binh tạo thế như thần!

Là thủ phủ của Nam Tây Nguyên, là nơi đóng đại bản doanh của Sư đoàn BB 23 có thể nói thị xã BMT năm 1975 là một thị xã quân sự. Các căn cứ quân sự, kho tàng ... của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ở đây chiếm phần lớn diện tích của thị xã và được xây dựng một cách cơ bản, vững chắc, nhiều tầng nhiều lớp.

Để tiến công thắng lợi thị xã này cần phải có một thế trận vượt trội về mọi mặt.

Trước hết, đó là phải tạo được sự vượt trội về mặt binh hỏa lực. Vào thời điểm đầu năm 1975, nếu so sánh về lực lượng giữa hai bên trên địa bàn Quân khu 2 nói chung và Tây Nguyên nói riêng thì cán cân nghiêng về phía VNCH.

Ưu thế đó càng nổi rõ khi so sánh về các trang bị nặng như xe tăng, thiết giáp và pháo binh, đặc biệt là không quân.

Trong tình hình đó, nếu cứ rải mành mành ra mà đánh thì phần thất bại gần như chắc chắn sẽ thuộc về bên tiến công. Còn nếu muốn thắng lợi thì phải tạo được thế vượt trội. Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã làm được điều đó tại "quyết chiến điểm" BMT bằng các hoạt động điều binh tạo thế.

Trước hết, để có đủ lực lượng tập trung đánh trận then chốt quyết định này, phía Quân giải phóng (QGP) đã phải điều động 2 sư đoàn bộ binh (Sư 10 và Sư 316 mới tăng cường từ miền Bắc vào), một số trung đoàn bộ binh độc lập cùng các trung đoàn xe tăng, pháo binh, cao xạ... từ Bắc Tây Nguyên xuống Nam Tây Nguyên.

Các hoạt động điều binh này được thực hiện hết sức bí mật nhằm tạo thế bất ngờ khiến đối phương trở tay không kịp.

Không chỉ điều động lực lượng của mình, phía QGP còn gián tiếp "điều động" cả lực lượng của đối phương nữa. Bằng nhiều hoạt động khác nhau, họ đã làm cho phía VNCH phải phân tán lực lượng ra đối phó ở nhiều điểm khác và do vậy, thị xã BMT gần như không được tăng cường binh hỏa lực vào thời điểm chuẩn bị diễn ra trận đánh.

Điều binh như thần, nghi binh như ảo thuật: Tháng 3/1975, Buôn Ma Thuột như cá nằm trên thớt - Ảnh 3.

Quân VNCH tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Ảnh tư liệu

Song song với hoạt động điều binh, phía QGP còn tạo dựng được trong không gian chiến dịch một thế trận chia cắt, vây hãm, "trói địch lại mà diệt" (Sách đã dẫn, tr. 174). Cụ thể, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã điều động một số đơn vị đánh cắt đường 19, 21 nối giữa cao nguyên với đồng bằng ven biển, chặn cắt đường 14 nối liến Nam - Bắc Tây Nguyên.

Ngoài ra còn dùng hỏa lực tập kích vào các sân bay... Những hoạt động này nhằm cô lập hoàn toàn thị xã BMT. Nếu thị xã này bị tiến công, phía VNCH khó bề cứu viện.

Chính vì vậy, trong khi so sánh lực lượng trên địa bàn toàn quân khu phía VNCH nhỉnh hơn song tại "quyết chiến điểm" BMT thì ưu thế về binh hỏa lực lại nghiêng hẳn về phía QGP. Cụ thể: bộ binh 5/1, tăng thiết giáp 2/1, pháo lớn 2/1.

Ưu thế này bảo đảm cho QGP khả năng giành thắng lợi nhanh chóng do đối phương khó có khả năng cầm cự lâu dài chờ quân phản kích ứng cứu.

Điều binh tạo thế như vậy, cho đến trước ngày 10.3.1975, BMT đã như "cá nằm trên thớt"!

Nghi binh lừa địch như ảo thuật!

Cái hay nhất của quá trình điều binh, tạo thế như nói trên là phía Việt Nam cộng hòa, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Quân đoàn 2 vẫn không hề hay biết, vẫn cứ chắc như đinh đóng cột mục tiêu chủ yếu của chiến cuộc Xuân Hè 1975 tại Cao Nguyên là Kon Tum, Plây-cu ở Bắc Tây Nguyên! Sở dĩ có tình trạng trên là nhờ mưu kế nghi binh, lừa địch rất cao tay của QGP.

Đã có rất nhiều hoạt động nghi binh lừa địch được sử dụng trong quá trình chuẩn bị cho trận then chốt quyết định này cả ở tầm chiến lược và chiến dịch.

Ở tầm chiến lược, Bộ Thống soái tối cao đã chỉ thị cho mặt trận Trị Thiên và Đông Nam Bộ tăng cường hoạt động.

Vì vậy, những lực lượng trù bị mạnh nhất của VNCH đều bị trói chân ở các địa bàn này: Sư Dù phải tập trung bảo vệ Sài Gòn, Sư Thủy quân lục chiến thì không thể rời Quân khu 1... Không chỉ vậy, Binh đoàn Quyết Thắng cũng được lệnh cơ động áp sát sông Bến Hải cũng tạo một áp lực không nhỏ lên giới lãnh đạo chóp bu Sài Gòn.

Trong khi đó, ở tầm chiến dịch rất nhiều hoạt động nghi binh lừa địch đã được tiến hành. Để giữ bí mật cho quá trình điều binh về phía nam Tây Nguyên, các đài trạm vô tuyến điện của các sư đoàn bộ binh vẫn được giữ nguyên vị trí và lên sóng thường xuyên như bình thường, thậm chí đôi khi còn "nhỏ giọt" lộ ra một chút tin tức liên quan đến Bắc Tây Nguyên.

Cộng với việc chấp hành nghiêm kỷ luật phòng gian giữ bí mật của bộ đội nên trước giờ nổ súng, phía VNCH vẫn tưởng các đơn vị này ở nguyên vị trí cũ.

Không chỉ chơi "trò chơi điện tử", Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên còn sử dụng cả các hành động quân sự thực tế để tăng sức nặng cho quá trình nghi binh lừa địch của mình như mở đường, tập kích hỏa lực, thậm chí tổ chức tiến công... dường như đang "bóc vỏ" để nhắm tới Kon Tum, Plây-cu.

Bộ Tư lệnh chiến dịch đã dành hẳn một Sư đoàn bộ binh chuyên thực hiện nhiệm vụ này. Đó là Sư đoàn BB 968. Vốn hoạt động bên Lào, cuối năm 1974, Sư đoàn 968 được Bộ điều về tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên. Bước vào chiến dịch, Sư đoàn 968 nhận nhiệm vụ "vừa đánh, vừa la" làm cho phía VNCH rối như mớ bòng bong, không biết đâu mà lần.

Mở đầu cho chuỗi trận đánh nghi binh, lừa địch là trận tiến công Đồn Tầm, Chốt Mỹ ngày 01.3.1975. Tiếp đó là một loạt các hành động khác như: vây diệt điểm cao 605, uy hiếp quận lỵ Thanh An; Tập kích hỏa lực vào Chư Kara; Đưa lực lượng chiếm giữ Chư Gôi; Tiếp tục đánh địch trên đường 5A, 5B...

Điều binh như thần, nghi binh như ảo thuật: Tháng 3/1975, Buôn Ma Thuột như cá nằm trên thớt - Ảnh 5.

Tượng đài Chiến thắng Muôn Mê Thuột. Ảnh: Saigon Tourist.

Tất cả các hoạt động trên đã làm cho phía VNCH bị lạc hướng hoàn toàn. Họ đinh ninh rằng các hoạt động quân sự của QGP trong chiến cuộc Xuân Hè 1975 sẽ chỉ diễn ra ở Bắc Tây Nguyên mà trọng điểm là Kon Tum, Plây-cu.

Chính từ nhận định đó, lực lượng phía VNCH đã tập trung phòng ngự ở Bắc Tây Nguyên và thả nổi Nam Tây Nguyên, trong đó có BMT.

Không được tăng cường lực lượng phòng thủ, bị chia cắt cô lập cả về đường bộ, đường không, lại bị bao vây áp sát bởi một lực lượng vượt trội... Buôn Ma Thuột không thất thủ mới là sự lạ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại