Thông cáo của Tòa Hình sự quốc tế ngày 17/3 nói rằng tòa này đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Putin và Ủy viên quyền trẻ em của Nga Lvova-Belova. Tòa cho rằng hai quan chức này đã phạm tội ác chiến tranh là "di chuyển một cách bất hợp pháp trẻ em" từ Ukraine sang Nga trong cuộc xung đột vũ trang giữa 2 nước.
Trụ sở Tòa Hình sự quốc tế (ICC). Ảnh: Getty.
Trong khi đó, các trát bắt giữ do ICC đưa ra trước đây thường được giữ bí mật. Lần này, ICC tuyên bố rằng họ cho phép công bố cho công chúng biết về các lệnh bắt này, tên của nghi phạm và những tội của nghi phạm liên quan. ICC giải thích họ làm vậy là vì "tội được nêu vẫn đang diễn ra" và "nhận thức của công chúng sẽ góp phần ngăn ngừa tội ác tiếp tục tái diễn".
Tòa Hình sự quốc tế được lập ra theo Quy chế Rome năm 1998. Tòa này không phải là một bộ phận của Liên Hợp Quốc và chỉ chịu trách nhiệm với các nước đã phê chuẩn Quy chế Rome.
Các nước không phải là một bên trong quy chế này gồm có Nga (ký nhưng không phê chuẩn), Mỹ (ký nhưng sau đó thu hồi chữ ký), và Trung Quốc (chưa hề ký).
Tổng thống Nga Putin đã ký một sắc lệnh hành pháp vào năm 2016 tuyên bố Nga sẽ không làm thành viên của ICC.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói rằng Nga không công nhận thẩm quyền của ICC (có trụ sở ở La Hay, Hà Lan). Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng tuyên bố các quyết định của ICC không có hiệu lực ở Nga, còn các lệnh bắt của tòa này là không có giá trị pháp lý.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng tòa ICC không đáp ứng được các kỳ vọng và đã không thể trở thành một tổ chức thực sự độc lập trong vấn đề tư pháp quốc tế.
Mỹ cũng bày tỏ sự không hài lòng với tòa này vào năm 2020 khi các công tố viên của ICC cho biết họ muốn điều tra về tội ác của quân nhân Mỹ ở Afghanistan./.