Yuto Aoki sinh ra ở Fukushima và đã trở lại Fukushima để làm việc. (Ảnh: ST)
Tương lai đó gần như đã nằm trong tầm tay, khi Fukushima đang nỗ lực hồi sinh sau thảm họa động đất, sóng thần gây sự cố phóng xạ nghiêm trọng cách đây 12 năm.
Một số người gọi khu vực này là “Thung lũng Fukushima”, dựa trên cái tên Thung lũng Silicon ở Mỹ, khi nhiều doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp đang hoạt động tích cực dọc con đường Hamadori ven biển.
Ô tô bay sẽ được bay thử nghiệm trong mấy tháng tới. Fukushima nay trở thành bãi thử thiết bị bay không người lái lớn nhất của Nhật Bản, và cũng là cơ sở sản xuất “hydro xanh” lớn nhất thế giới, nghĩa là sản xuất hydro không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ngành công nghiệp hạt nhân từng sử dụng nhiều lao động nhất ở đây, sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bắt đầu hoạt động vào ngày 26/3/1971.
Chỉ 2 tuần sau lễ kỷ niệm 40 năm thành lập nhà máy, thảm họa kinh khủng xảy ra vào ngày 11/3/2011. Vùng Đông Bắc Nhật Bản rung chuyển bởi trận động đất 9 độ, mạnh nhất từng ghi nhận được ở nước này.
Động đất tạo nên đợt sóng thần cao 15m ập xuống nhà máy Fukushima Daiichi, gây sự cố tan chảy hạt nhân và một vụ nổ hydro khiến một lượng phóng xạ bị đẩy vào không khí.
Việc xử lý sự cố để nhà máy dừng hoạt động hoàn toàn dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2050.
Một bãi thử robot ở Fukushima. (Ảnh: ST)
Vấn đề khó nhất
Thống đốc Fukushima Masao Uchibori cho biết, Chương trình bờ biển đổi mới Fukushima trên phạm vi 15 phường đang được triển khai để hồi sinh vùng đất, bằng cách thúc đẩy các ngành công nghiệp hiện đại. Hơn 400 công ty đã chuyển đến đây.
Chương trình mới chủ trương phát triển 6 trụ cột: Xử lý sự cố, tự động hóa và phương tiện không người lái, năng lượng và môi trường, nông nghiệp, ngư nghiệp và nghề cá, dược phẩm và công nghệ vũ trụ.
Thảm họa xảy ra khi Yuto Aoki vẫn ở tuổi thiếu niên, vì thế anh di cư cùng gia đình đến hai tỉnh Ibaraki và Saitama gần đó. Nhưng anh đã trở lại nơi đây để làm việc từ 6 năm trước.
Kỹ sư 27 tuổi cho biết, thảm họa năm 2011 đã định hình con người anh và tác động đến lựa chọn nghề nghiệp của anh. Aoki giờ làm cho một nhóm chế tạo và thử nghiệm robot xử lý ô nhiễm tại Trung tâm Phát triển công nghệ từ xa Naraha (Narrec).
“Kỳ vọng Fukushima trở lại như ngày xưa có thể là điều không thực tế, nhưng tôi tin rằng, việc tái thiết sẽ thực hiện được khi có nhiều người chuyển đến đây hơn”, Aoki chia sẻ.
Có thể đến thời điểm nào đó, hydro sẽ được sử dụng để chạy robot và máy bay không người lái. Các thử nghiệm đang được triển khai tại bãi thử robot Fukushima, một khu vực được mở từ tháng 3/2020 ở thành phố Minamisoma.
Các công ty từ khắp Nhật Bản đã mở văn phòng vệ tinh ở khu vực rộng 500.000m2, được đầu tư 15,6 tỷ yen (154,7 triệu USD) này. Chính phủ Nhật có kế hoạch mở thêm 3 bãi thử nữa cho ô tô bay ở đây.
Tuy nhiên, Fukushima khó có thể đi xa nếu không xử lý được vấn đề quan trọng nhất: Nhà máy hạt nhân trục trặc.
Để xử lý vấn đề này, Phòng thí nghiệm hợp tác về khoa học xử lý ô nhiễm vẫn đang nghiên cứu thực địa và phát triển công nghệ chấp nhận phóng xạ.
Tại Narrec, các robot xử lý ô nhiễm đang thử nghiệm bằng cầu thang mô phỏng và bể nước sâu 5m. Hệ thống thực tế ảo mô phỏng bên trong nhà máy Fukushima Daiichi cho phép robot đi sâu vào trong hiện trường sự cố.
Narrec cũng thôi thúc sự quan tâm của cộng đồng vào vấn đề này, bằng cách tổ chức các chuyến đi thực địa và thi chế tạo robot trong các trường trung học.
Aoki mong chờ ngày Fukushima xử lý xong vấn đề phóng xạ. “Nói thật, tôi không thể tưởng tượng nó sẽ như thế nào, nhưng tôi tin rằng chỉ khi đó, mọi người mới cảm thấy an toàn khi định cư ở đây”, anh nói.
Theo ST