Để bảo vệ các phương tiện mặt đất trong chiến dịch quân sự quy mô lớn chống lại các phần tử khủng bố thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria năm 2015, các lực lượng vũ trang Nga đã triển khai tới đây một số lượng lớn hệ thống tên lửa-pháo phòng không Pantsir-S1.
Tuy nhiên, không phải tới thời điểm đó Pantsir-S1 mới xuất hiện ở Syria mà từ năm 2012, Quân đội Chính phủ Syria đã chính thức đưa hệ thống phòng không tiên tiến này vào biên chế.
Tháng 6/2012, Pantsir-S1 được cho là đã xuất sắc lập chiến tích đầu tiên khi bắn hạ một máy bay tiêm kích F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ trên không phận tỉnh Latakia. Sau đó, tổ hợp còn liên tục được xướng tên trong các chiến công vang dội khác.
Thực vậy, Pantsir-S1 đã đóng vai trò nòng cốt trong chiến dịch phản công chống lại vụ tập kích ồ ạt bằng máy bay không người lái (UAV) vũ trang nhằm vào các căn cứ quân sự Nga ở Syria hồi cuối năm 2017.
Rạng sáng ngày 6/1/2018, các lực lượng quân sự Nga đóng tại căn cứ sân bay Khmeimim và căn cứ hải quân Tartus ở Syria đã phát hiện 13 mục tiêu bay cỡ nhỏ từ khoảng cách xa đang tiếp cận tới, trong đó 10 chiếc UAV bay về hướng Khmeimim còn 3 chiếc khác nhằm vào căn cứ Tartus.
Trong số 13 chiếc UAV tham gia tấn công, 6 chiếc đã bị các đơn vị tác chiến điện tử Nga đánh chặn, gồm 3 chiếc đã buộc phải hạ cánh ngay ngoài căn cứ và 3 chiếc còn lại phát nổ khi tiếp đất. 7 UAV khác đã bị tổ hợp Pantsir-S1 bắn hạ mà không gây ra bất cứ thương vong hay thiệt hại nào cho các đơn vị Quân đội Nga ở đây.
Hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Quân đội Syria. Ảnh: South Front
Nhận xét về hiệu quả hoạt động của Pantsir-S1, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov từng cho biết: "Trong tác chiến phòng không, Pantsir S-1 do Nga chế tạo đã được Quân đội Syria sử dụng một cách chủ động. Tổ hợp đã chứng tỏ được 100% hiệu suất hoạt động trong chiến dịch đánh chặn vụ tấn công của liên quân Mỹ - Anh - Pháp ngày 14/4".
Mặc dù bị giới hạn về tầm bắn nhưng theo Bộ quốc phòng Nga, Pantsir lại chứng tỏ là sự bổ trợ đặc biệt hiệu quả cho các hệ thống phòng không KUB, BUK, S-125 và S-200, góp phần đánh chặn được 71/103 quả tên lửa tấn công của liên quân.
Pantsir-S1 là hệ thống phòng không hạng nhẹ, tầm ngắn được trang bị cả tên lửa đất đối không và pháo tự động với nhiệm vụ chính là chống máy bay, đánh chặn tên lửa cũng như những khả năng tiên tiến khác để tấn công các mục tiêu mặt đất.
Chính khả năng cơ động, thiết kế tương đối đơn giản, giá thành rẻ so với các hệ thống tiên tiến khác như BUK và S-400, Pantsir-S1 đặc biệt thích hợp với các lực lượng vũ trang Nga và có sức hấp dẫn lớn với nhiều khách hàng nước ngoài.
Hiện có 10 quốc gia đang vận hành hoặc đã đặt mua hệ thống Pantsir, trong đó có 6 nước thuộc khu vực Trung Đông.
Một ưu điểm vượt trội nữa của Pantsir đó là thiết kế kiểu module cho phép hệ thống có thể lắp đặt được trên nhiều khung gầm khác nhau: xe bánh lốp, bánh xích, các trạm phòng thủ cố định và thậm chí là trên tàu chiến, qua đó giúp nó nhanh chóng thích nghi với các điều kiện tác chiến thay đổi.
Trong tương lai không xa, hiệu quả hoạt động của Pantsir dự kiến sẽ còn được tăng cường hơn nữa khi nó được bổ sung thêm các cảm biến mới và tên lửa hành trình siêu thanh giúp cải thiện đáng kể tầm tấn công mục tiêu cũng như hỏa lực tác chiến.
Tổ hợp Pantsir-S1 trổ tài diệt mục tiêu