Điệp viên Trung Quốc 23 năm xin định cư ở New Zealand không được

BÌNH GIANG |

Một điệp viên Trung Quốc được cử đến New Zealand để theo dõi cộng đồng người Đài Loan nhưng đã bỏ nhiệm vụ và nỗ lực suốt 23 năm để xin định cư ở xứ sở kiwi.

Điệp viên làm việc cho Cục an ninh công cộng (PSB) Trung Quốc đến New Zealand từ năm 1996 bằng visa du lịch.

Điệp viên, được báo chí gọi là ông H, nhanh chóng “thích cuộc sống ở New Zealand và từ bỏ nhiệm vụ”, theo tài liệu của tòa án.

Sau đó, ông H nộp đơn xin tị nạn nhưng không thành công, vì không tiết lộ quan hệ với PSB.

Ông H tiếp tục sống bất hợp pháp ở New Zealand. Năm 2007, ông lại nộp đơn xin tị nạn, lần này thừa nhận có quan hệ với PSB.

Ông H nói ông sẽ bị xử tử nếu trở về Trung Quốc, vì đã từ bỏ nhiệm vụ được giao. Đơn của ông ban đầu bị từ chối, nhưng cuối cùng cũng được chấp nhận.

Dẫu vậy, ông H vẫn không được cấp visa cư trú (RCV).

“Kết quả là ông phải sống cuộc sống không ổn định, phụ thuộc vào giấy phép làm việc tạm thời và không được cấp hộ chiếu để đi du lịch ngoài New Zealand”, tài liệu của tòa án cho biết.

Năm 2014, ông H tiếp tục nộp đơn xin RCV nhưng bị từ chối một lần nữa. Ông nộp đơn khiếu nại lên Tòa án di trú và thành công.

Tuy nhiên, Cơ quan di trú New Zealand từ chối chấp thuận và vụ việc bị treo cho đến khi được trình lên Bộ Di trú, nhưng ông H cũng không thành công.

Khi vụ việc được đưa lên tòa phúc thẩm, tòa ra phán quyết rằng nhưng người có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín của New Zealand thường không được cấp visa cư trú. Ông H có thể sẽ phải kiện lên tòa án tối cao.

TS Paul Buchanan, một nhà phân tích về tình báo, quốc phòng và an ninh, nói rằng ở Úc có rất nhiều điệp viên Trung Quốc đang hoạt động. Mối quan tâm hàng đầu của những đặc vụ này là tìm hiểu xem New Zealand và Úc cung cấp cho các thành viên khác của liên minh tình báo Ngũ Nhãn những gì về Trung Quốc.

“Hiếm khi có người bỏ trốn trong mảng này”, ông Buchanan nói với báo The Herald.

Năm ngoái, một trường hợp bỏ trốn là Wang “William” Liqiang, người nói rằng Bắc Kinh đã ra lệnh thực hiện những vụ ám sát ở nước ngoài, trong đó có Úc.

Ông Buchanan nói rằng một số điệp viên giả vờ bỏ trốn, nhưng sau đó tìm cách xâm nhập vào các cơ quan của quốc gia họ đang hoạt động. Vì thế, các thể chế nhà nước nên cảnh giác với bất kỳ ai nói rằng họ đã “chuyển bên” hoặc bỏ trốn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại