Rudolf Roessler là một trong những điệp viên nòng cốt trong lưới tình báo ZORA thuộc Tổng cục Tình báo quân sự Liên Xô (GRU).
Những thông tin tình báo rất có giá trị do Roessler cung cấp thường chi tiết và tường tận đến mức nhiều khi làm trung tâm nghi ngờ. Sự nghiệp tình báo của ông cho đến nay vẫn còn nhiều điều chưa được giải mật.
Được Stalin đánh giá cao
Những năm dài sống trong quân ngũ, Rudolf Roessler (sinh năm 1897 tại thành phố Augsburg, bang Bayern, Đức) không thể hiện bất cứ phẩm chất đặc biệt nào. Và cuộc đời ông sẽ mãi chảy trôi một cách phẳng lặng nếu như sau khi Chiến tranh Thế giới thứ I kết thúc, xuất ngũ trở về, Roessler không bước chân vào nghề báo.
Với công việc của một nhà báo, Roessler có điều kiện kết giao với nhiều nhân vật có tư tưởng tự do, kết quả là ông buộc phải rời Tổ quốc, chuyển sang định cư ở thành phố Luzener, Thụy Sỹ. Tại đây, Roessler được GRU tuyển mộ, và từ khi bắt đầu Chiến tranh Thế giới thứ II ông đã cung cấp cho phía Liên Xô nhiều thông tin cực kỳ quan trọng.
Một trong những tin tức đầu tiên mà Roessler chuyển cho Tình báo Liên Xô là Kế hoạch Barbarossa của quân Đức. Tin này cung cấp chi tiết kế hoạch tấn công Liên Xô, tường tận đến mức các nhà lãnh đạo Liên Xô không dám tin là đúng.
Tuy nhiên, từ sau đó, GRU nhận thức đúng giá trị của Roessler và tuyệt đối tin tưởng ông. Mỗi tháng, phía Liên Xô cung cấp cho Roessler 1.600USD (một số tiền cực lớn lúc bấy giờ) phục vụ cho việc mua tin tức tình báo, và điệp viên mang mật danh Lucy đã chứng minh được rằng Moscow đã không sai lầm khi tin tưởng mình.
Mỗi khi quân đội Đức có một kế hoạch nào, thì chỉ vài giờ sau những nội dung chi tiết của kế hoạch đó đã được chuyển tới Cơ quan Tình báo Liên Xô.
Rudolf Roessler. Ảnh: Wikipedia
Ngày 17/4/1943, Roessler cung cấp thông tin về việc Đức xây dựng lực lượng xe tăng mới và bộ binh mới, nêu rõ phiên hiệu cũng như kế hoạch bố trí. Ngày 28/6/1943, ông gửi báo cáo chi tiết về lực lượng không quân Đức, cùng thông tin về việc Đức chế tạo loại xe tăng Panther.
Ngày 17/7/1943 là tin chi tiết về phiên hiệu, tình hình bố trí các đơn vị xe tăng và bộ binh mới được thành lập của quân đội Đức. Ngày 25/9, tin về tiềm lực kinh tế quân sự Đức được bàn ngay tại Đại bản doanh của Hitler. Đáng ngạc nhiên và khâm phục hơn, Roessler còn giúp cho Moscow biết rõ tình báo Đức đã nắm được những gì về lực lượng và chiến lược của Liên Xô.
Có lần, dựa vào tin tình báo do Roessler cung cấp, Hồng quân Liên Xô đã dùng loa thông báo trước kế hoạch hành quân cho binh lính Đức. Việc “bắt mạch” này khiến cho binh lính Đức không còn bụng dạ nào chiến đấu nữa, góp phần quan trọng xoay chuyển cục diện ở mặt trận phía Đông.
Nhờ những tin tức tình báo chính xác do Roessler cung cấp mà các nhà hoạch định chiến lược của Liên Xô đã định ra được kế hoạch đối phó hiệu quả với các lực lượng tinh nhuệ của Đức trên từng mũi tiến công cũng như trên toàn bộ mặt trận.
Giá trị xương máu của những tin tình báo đó là không thể đo đếm được. Chính vì vậy, nhà lãnh đạo Stalin đã không ít lần đánh giá cao tài năng của điệp viên huyền thoại này.
Bao phủ tấm màn bí mật
Một mình Roessler không thể nào hoàn thành được một khối lượng công việc khổng lồ, chắc chắn ông đã xây dựng cho mình một mạng lưới thu thập tin tức có tổ chức nghiêm mật. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa thể xác định chính xác, bằng cách nào, thủ đoạn gì và qua kênh nào mà Roessler lại có được những thông tin tình báo quý giá đến vậy.
Theo những tài liệu mới được giải mật, một trong những biện pháp Roessler thường sử dụng là thu thập thông tin ngay tại cơ quan đầu não của quân đội Đức. Chẳng hạn, Bộ Chỉ huy tối cao Đức (OKW) đặt tại Berlin có một trung tâm liên lạc.
Hàng ngày, thông qua trung tâm liên lạc này, khoảng 3.000 mệnh lệnh được truyền đi tới các đơn vị quân đội Đức ở tất cả các mặt trận bằng máy điện báo. Để tránh bị đối phương thu được, các mệnh lệnh được giao bằng văn bản cho nhân viên điện báo.
Nhân viên điện báo mã hóa nội dung mệnh lệnh ra giấy, sau đó truyền đi theo hệ thống cơ yếu để gửi đến nơi nhận lệnh. Những mệnh lệnh đã được mã hóa phải hủy ngay tại trung tâm liên lạc.
Tuy nhiên, đây lại chính là kẽ hở mà Roessler đã lợi dụng để thu thập thông tin. Hai nữ nhân viên điện báo làm việc tại trung tâm này đã nhặt các mảnh giấy vụn được xé hủy, sau đó chuyển cho Roessler thông qua người liên lạc của Roessler tại Berlin.
Nhờ vậy mà Roessler đã nắm được chính xác nội dung của 4.500 bức điện tuyệt mật và 120 bức điện thuộc loại đặc biệt bí mật. Nếu không thu được giấy tờ thì bằng trí nhớ, các điện báo viên này cung cấp cho Roessler nội dung 800 bức điện mật khác được chuyển đi từ OKW.
Một biện pháp khác, cơ sở của Roessler gọi điện thoại từ ngay trong Bộ Quốc phòng Đế chế sang cho một người tại Bộ Tư lệnh quân đội Đức tại Italia. Các thông tin được ghi lại và chuyển sang Thụy Sĩ cho Roessler qua đường xe lửa. Mặc dù có nhiều người tham gia nhưng vẫn đảm bảo được tính bí mật ngay trong nội bộ nên mạng lưới tình báo của Roessler đã hoạt động rất thành công.
Dưới sức ép của Tình báo Đức, tháng 5/1944, chính quyền Thụy Sĩ bắt giữ một số lượng lớn các thành viên của mạng lưới tình báo ZORA bao gồm cả Roessler. Tuy nhiên, do đã từng cộng tác với Tình báo Thụy Sĩ nên Roessler được phán quyết vô tội và được trả tự do vào tháng 9/1944. Ông quay trở lại với công việc xuất bản cho đến khi qua đời năm 1958.
Nhà tình báo từng đóng góp to lớn cho chiến thắng của Hồng quân vì nhiều lý do khác nhau đã không được công chúng biết đến - không huân chương, không sử sách. Và cho đến hôm nay, mặc dù nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động tình báo của Roessler đã được tiết lộ nhưng nhìn chung, cuộc đời và sự nghiệp của điệp viên huyền thoại này vẫn bao phủ một tấm màn bí mật.