Huỳnh Ngân được biết đến là một diễn viên, MC và biên kịch nổi tiếng tại Sài Gòn. Cô được mọi người khen ngợi là đa tài, đa nhân cách, quen mặt với khán giả qua sân khấu kịch nói và màn ảnh truyền hình.
Đặc điểm nổi bật của Huỳnh Ngân là viết và diễn rất nhiều kịch bản kinh dị, ma quái, khiến khán giả phải thót tim.
Mới đây, tại chương trình Chuyện của sao, Huỳnh Ngân đã chia sẻ đôi điều về bản thân mình.
Tôi rất nghèo, rất cần tiền nhưng không sống vì tiền
Mọi người thường thắc mắc vì sao tôi làm được nhiều nghề như thế, diễn viên, MC và viết kịch bản với nhiều nội dung, kiến thức khác nhau.
Năng lượng đầu tiên tôi có được là từ đam mê. Tôi thích thì tôi cứ làm. Tôi là người hơi bất bình thường ở chỗ, tôi rất nghèo, rất cần tiền nhưng không sống vì tiền, đánh đổi mọi thứ, làm tất cả vì nó.
Khi nào tôi cảm thấy được thoải mái, làm những gì mình thích thì tôi làm và như thế là đủ với tôi, dù việc đó không mang lại nhiều tiền. Miễn sao tôi hạnh phúc là được.
Từ hạnh phúc, tôi mới có năng lượng làm việc, tạo ra hiệu suất công việc. Từ đó mà làm ra tiền được.
Tất nhiên, nhiều nghệ sĩ vẫn nói không cần tiền bạc, làm vì đam mê, nhưng đến tận cùng thì phải có tiền mới sống được. Chỉ có điều, phải làm thế nào để vừa có tiền vừa khiến mình thoải mái, phát huy hết khả năng của mình thì làm, chứ tôi không thể vì tiền mà đánh đổi tất cả. Thà tôi kiếm ít tiền một chút còn hơn là áp lực.
Nhiều người thường khó chấp nhận tôi, khó chịu trước tôi rồi bảo tôi quá lố
Về sự đa năng trong nghệ thuật của mình, tôi đã sớm nhận ra từ lúc mới lớn lên. Tôi có khả năng tưởng tượng cực kỳ giỏi, luôn xúc động trước mọi thứ.
Bởi vậy nên nhiều người thường khó chấp nhận tôi, khó chịu trước tôi rồi bảo tôi quá lố, nhưng đơn giản là do cảm xúc tôi quá nhạy. Tôi dễ tức giận, dễ thương cảm.
Ngay cả khi nhìn thấy con chuồn chuồn chết, tôi cũng đọc chú vãng sanh rồi khóc. Trong đời tôi đã từng khóc và đọc vãng sanh cho khá nhiều con vật rồi.
Có lần tôi chơi trò công chúa, đức vua với hai chị họ trong nhà. Tới đoạn vua cha chết, tôi cũng đứng khóc tới tận lúc chơi xong, mẹ gọi ra ăn cơm vẫn khóc. Tôi cứ tưởng tượng cha mình chết thật rồi mình yếu đuối không cứu được.
Tôi tự thấy mình có một tâm hồn khá nhạy cảm, dễ rung động trước mọi thứ.
Vì thế nên hồi làm tại Sân khấu kịch Sài Gòn, tôi toàn đóng đào thương (vai chính diện, bi đát). Tôi rất dễ mau nước mắt, cảm nhân vật tốt và hợp với những nhân vật có số phận bi thương.
Để đóng được những vai đào thương khiến mọi người xúc động, tôi còn có một lợi thế riêng là rất sợ ma quỷ. Trí tưởng tượng của tôi phong phú lắm, luôn bị ám ảnh bởi những cảnh kinh dị, rửa mặt không dám nhắm mắt.
Nhờ đó nên lúc viết kịch bản kinh dị, tôi viết rất nhanh và trôi chảy, đa dạng.
Tôi tự đưa ra những lý do hợp lý để lý giải cho hiện tượng ma quái này nhưng vẫn không thể lý giải được
Mọi người cũng biết đến tôi là người hay viết các kịch bản ma, kinh dị rồi diễn trực tiếp những vở kịch đó.
Trong quá trình diễn, tôi cũng gặp một số trường hợp ly kỳ khó lý giải. Chẳng hạn, tôi từng rơi vào hoàn cảnh thần hồn nát thần tính. Hồi đó tôi còn học ở trường Sân khấu, phải thi diễn kịch.
Tôi thi vào thứ ba nên tối thứ hai phải ra sân khấu kịch mượn một cái bầu giả về để đóng vai bà bầu. Nhưng tôi không hề biết sân khấu chỉ hoạt động từ thứ năm đến chủ nhật, các ngày khác không có ai và sân khấu cũng đóng cửa, không mở.
Đang loay hoay không biết làm gì thì tôi nhìn thấy ở cảnh cửa sắt dẫn vào sân khấu có một cái lỗ nhỏ. Tôi lách người qua để chui vào.
Vào tới sân khấu, tôi thấy tối om, chỉ có một tia sáng hắt ra từ phía hàng xóm bên cạnh. Tôi mò mẫm một hồi thì tới được bàn trang điểm rồi mở đèn trang điểm lên. Lúc đó, tôi thấy xung quanh trống trơn, không có một cái gì cả.
Tôi nghĩ mọi người mang hết đạo cụ đi rồi nên tắt đèn đi để về. Vừa tắt đèn đi thì tôi nghe tiếng quạt ồ ồ chạy, dù tôi không hề động tới công tắc của nó.
Tôi không dám bỏ về vì sợ chẳng may cháy nổ, nên đành ngồi chờ cái quạt tắt hẳn rồi về, nhưng mãi không thấy nó tắt. Tôi tức mình bật đèn lên xem thế nào.
Đúng lúc tôi bật lại đèn, cái quạt tắt ngóm và cái bầu giả hiện ra trên bàn, trong khi trước đó tôi không hề thấy.
Tôi sợ quá, nhưng vẫn phải lấy hết can đảm mang cái bầu giả đi về. Trong đầu tôi tự đưa ra những lý do hợp lý để lý giải cho hiện tượng ma quái này nhưng vẫn không thể lý giải được.
Sau khi thi xong, tôi đem bầu giả đi trả cho sân khấu thì nó đã biến mất một cách bí ẩn. Mẹ tôi bảo sau khi giặt xong đã chính tay phơi đúng chỗ đó nhưng không hiểu sao nó lại biến mất.
Tôi phải tới sân khấu để xin lỗi cô phục trang vì làm mất cái bầu giả trong tuồng đó. Cô phục trang bất ngờ nói: "Vở tuồng ấy một năm rồi không diễn nên cô có đem cái bầu giả ấy xuống sân khấu đâu, nó vẫn nằm trong kho phục trang ở lầu hai cơ mà".
Tôi nghe xong sợ hãi vô cùng, nhưng chỉ biết rùng mình chứ không biết làm gì nữa. Đến giờ tôi vẫn sợ, rùng mình khi nhớ lại chuyện ma quái với cái bầu giả đó.