Thế hệ khán giả sinh năm 9X, 2000 là fan của sân khấu Thế Giới Trẻ đã quá quen thuộc với Hữu Tiến trong hình ảnh nhân vật trung niên phản diện. Nét mặt, giọng nói và cách diễn của anh để lại ấn tượng gian ác rất sâu đậm trong tâm trí người xem.
Thế nhưng, khán giả thế hệ 8X trở về trước, nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh đẹp trai thư sinh của Hữu Tiến trong những ngày đầu anh dấn thân trên con đường nghệ thuật.
Thời điểm đó, phim truyền hình phía Nam chỉ có mỗi hãng TFS thuộc nhà nước hoạt động, chưa có sự xuất hiện của các hãng phim tư nhân.
Lượng phim phát sóng ít nên một diễn viên trẻ muốn được chọn phải là gương mặt nổi bật. Phim điện ảnh càng ít ỏi hơn. Vậy mà Hữu Tiến đã có cơ hội khẳng định khả năng của mình qua các phim truyền hình như "Giao thời", "Dòng suối không cầu", "Cánh bướm ảo ảnh".
Ở dòng phim điện ảnh, anh được nữ đạo diễn Việt Linh mời vào vai Nam bộ đội trong phim "Chung cư" đóng chung với Hồng Ánh.
Nói về lý do tại sao đóng vai ác quá đạt, anh cho biết: "Tôi nhớ lại tất cả những bi kịch đã xảy ra trong cuộc đời tôi. Tôi miêu tả lại để khán giả thấy rằng cái ác đáng sợ như thế nào. Từ đó, mọi người nên sống với nhau bằng trái tim yêu thương, bỏ bớt ganh ghét, tị hiềm".
Hữu Tiến (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn học thời sinh viên trường Sân khấu và Điện ảnh.
Đứa con không thừa nhận của cô hoa khôi trường Gia Long
Mẹ Hữu Tiến là một nữ sinh đẹp nhất, nhì trường Gia Long – ngôi trường nữ nổi tiếng Sài Gòn trước năm 1975. Ở tuổi 17, 18 bà đã gặp và yêu cha anh. Khi bà phát hiện mình mang bầu, vì hoàn cảnh riêng, cha anh không cưới mẹ anh.
Vào thời điểm đó, áp lực dư luận xã hội về đức hạnh của người phụ nữ rất khủng khiếp. Do đó, mẹ Hữu Tiến sinh ra anh xong, thì giao anh cho một vú nuôi. Sau đó, bà đi lấy chồng.
Từ bé, Hữu Tiến vẫn luôn nghĩ, vú nuôi là mẹ ruột của mình cho đến năm 8 tuổi, anh mới có cơ hội được biết cha mẹ huyết thống của mình.
Anh về sống với mẹ, cùng với đàn em, con người chồng sau của mẹ. Vì là anh lớn nên anh phải phụ mẹ làm tất cả mọi việc từ mua bán đến nấu nướng.
Do cảnh nghèo và đông con nên trong nhà thường xảy ra chuyện lục đục. Hữu Tiến luôn là cái gai trong mắt cha dượng.
Mỗi khi ý nghĩ ghét anh nổi lên, ông không đánh anh, nhưng đánh mẹ anh. Anh chứng kiến cảnh ấy nhiều đến mức ám ảnh.
Hữu Tiến chạy về ở với cha. Người mẹ kế cũng không thương Hữu Tiến. Sự chì chiết xảy ra thường xuyên. Buồn và chán. Anh bỏ trốn về nhà vú nuôi. Ít hôm lại bị bắt về nhà ba. Rồi mọi thứ cũng trở lại như cũ. Tuổi thơ anh là những tháng ngày cô đơn, buồn tủi.
Hữu Tiến và nghệ sĩ Đại Nghĩa trong vở "Tiếng giày đêm". Vở diễn đạt Huy chương Vàng liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2018.
Thoát ngôi nhà bất hạnh này rơi vào chốn bất hạnh khác
Cha Hữu Tiến là giám đốc một xí nghiệp sản xuất thủy tinh của nhà nước. Nhà không giàu nhưng có được uy tín trong xã hội. Trong ngôi nhà này, những người khác có thể hạnh phúc, trừ Hữu Tiến. Anh muốn tìm một phương trời khác để có cuộc sống bình yên hơn.
Học hết lớp 9 anh bỏ ngang. Vài năm sau, Hữu Tiến tình nguyện vào quân đội. Vì có năng khiếu ca hát, cao ráo đẹp trai, lại có thể làm nhiều việc khác nhau nên anh được giữ lại bộ phận hậu cần. Đó là khoảng thời gian anh thấy cuộc sống nhẹ nhàng vì không phải đối diện với sự khắc nghiệt của lòng người.
Ba năm sau anh giải ngũ. Anh được nhận vào làm việc tại xí nghiệp sản xuất pha-lê và thủy tinh do cha anh làm giám đốc. Một gia đình giàu có biết rõ gia đình anh nên họ muốn gả con gái út cho anh, dù anh và người con gái ấy không hề yêu nhau.
Còn Hữu Tiến muốn lập gia đình sớm, bởi vì anh muốn tìm kiếm một mái ấm cho riêng mình. Anh chấp nhận ở rể trong một gia đình kinh doanh vàng bạc đá quý nổi tiếng.
Tất cả các người con của cha mẹ vợ đều được ông bà cho sở hữu một tiệm vàng. Vợ chồng anh cũng có một tiệm như thế. Theo Hữu Tiến, mỗi sáng vợ phát cho anh một số tiền, giao cho anh vài công việc. Thế nhưng mọi việc trọng đại trong kinh doanh, gia đình, anh đều không được có ý kiến.
Hữu Tiến nhận ra khi mình thoát khỏi ngôi nhà bất hạnh này, anh lại rơi vào một chốn bất hạnh khác. Anh chán nản. Khi đứa con trai đầu lòng ra đời, anh nhận thấy tình nghĩa vợ chồng phai nhạt nhưng cả hai cắn răng sống với nhau trong cảnh đồng sàng, dị mộng.
Hữu Tiến và NSƯT Đàm Loan trong vở Tiếng giày đêm.
Khi đứa con gái thứ hai ra đời, Hữu Tiến nhận thấy mình không thể chấp nhận cảnh sống như vậy nên muốn ly hôn. Người vợ cũ của anh đồng ý. Hữu Tiến bước vào nhà vợ với hai bàn tay trắng, anh bước ra cũng hai bàn tay trắng.
Cả tuổi thanh xuân dành hết cho con
Ra khỏi nhà vợ trong cảnh thất nghiệp nên Hữu Tiến khá hoang mang. Anh gửi 2 con lại cho bên vợ.
Anh tìm kiếm cho mình một công việc gì đó để nuôi sống bản thân. Nhìn đi nhìn lại thấy mình không có năng khiếu gì ngoài ca hát. Đúng lúc đó, trường Sân khấu & điện ảnh tuyển sinh. Anh đăng ký thi và đậu.
Thời điểm Hữu Tiến học nghệ thuật, show diễn còn rất ít. Anh và bạn bè chỉ tập trung học chứ không chạy show như ngày nay.
Để có tiền ăn học, anh phải làm thêm nhiều công việc khác nhau. Thế nhưng anh vẫn sống trong cảnh thiếu thốn triền miên.
Đến hết năm hai, anh bắt đầu được mời đóng kịch truyền hình. Sau đó, xuất hiện trong các phim truyền hình ăn khách. Cuộc sống bắt đầu dễ thở hơn. Ngay lập tức anh muốn thể hiện trách nhiệm của người cha. Anh gặp mẹ vợ và bày tỏ ý muốn được chia đôi tiền nuôi con với bà ngoại.
Do bà ngoại chi phí nuôi cháu rất cao nên một nửa còn lại cũng rất lớn đối với Hữu Tiến. Anh làm ra bao nhiêu tiền đều dành cho con.
Đến thời điểm phim ảnh chựng lại, Hữu Tiến phải vay nợ bạn bè và xã hội đen để đúng tháng gửi tiền cho bên vợ. May mà anh luôn giữ lời trả nợ nên việc mượn tiền không gặp nhiều khó khăn.
Hữu Tiến và Nam Thư trong vở "Gia vũ yên đăng".
Anh chạy vạy kiếm được một số tiền mở một tiệm cafe có bán thức ăn. Vẫn chưa đủ. Ban đêm anh phải làm quản lý quán bar đến 2,3 giờ sáng. Nhiều năm liền mỗi đêm anh chỉ ngủ được vài tiếng. Quần quật làm việc để đủ tiền hùn nuôi con.
Đến khi con gái học lớp 5, Hữu Tiến xin bên ngoại cho con về ở với anh. Lúc con trai lớn học xong đại học và lập gia đình, Hữu Tiến thấy mình kiệt sức.
Vì thế, anh nuôi con gái trong tiêu chuẩn của mình. May mà thời gian con gái bắt đầu lớn, sân khấu và hãng phim tư nhân bắt đầu hoạt động nhộn nhịp.
May mắn hơn, trường đại học Sân khấu & điện ảnh TPHCM tín nhiệm Hữu Tiến nên mời anh giảng dạy bộ môn Kỹ thuật biểu diễn. Đến giờ anh đã có 6 năm đứng trên bục giảng. Nhờ vậy, Hữu Tiến có thể nuôi con bằng thu nhập của nghê thuật.
Dẫu vậy, anh vẫn không đủ sức để mua một căn nhà che nắng, che mưa. Đến giờ anh và con gái vẫn ở nhà thuê. Điều an ủi là con gái hiểu rõ sự khó nhọc của cha nên cô sống rất nghị lực. Thay vì học đại học, cô bé chọn học nghề thẩm mỹ từ bác sĩ Chiêm Quốc Thái.
Sau ba năm miệt mài, cô tích lũy được một số vốn, lẫn kinh nghiệm. Năm ngoái, dưới sự hỗ trợ của Hữu Tiến, con gái đã mở một spa nho nhỏ. Đến giờ tình hình hoạt động rất ổn định vì được khách hàng tín nhiệm.
Khi con gái bắt đầu biết cách kiếm tiền, Hữu Tiến thở phào nhẹ nhõm. Thế là qua bao sóng gió của cuộc đời, giờ đây anh đã có thể sống cho riêng mình.
Hữu Tiến và con gái (ngoài cùng bên phải)
Anh vẫn hằng ngày lên giảng đường và mỗi tối cuối tuần đều đặn đóng kịch, dựng kịch tại sân khấu Thế Giới Trẻ và Trịnh Kim Chi.
Ngoài ra, anh còn tham gia đào tạo diễn xuất cho diễn viên nhí ở các lò tư nhân. Nhìn lại quá khứ đầy giông bão, giờ đây anh thấy cuộc đời mình bước vào giai đoạn bình yên.