Từ đỉnh cao vinh quang đến đáy sâu địa ngục
Jo Min Ki là một trong những gương mặt gạo cội nhất của màn ảnh nhỏ Hàn Quốc. Ông bắt đầu đóng phim từ đầu thập niên 90.
Đến nay số lượng tác phẩm Jo Min Ki tham gia lên tới hơn 70, trong đó có những phim nổi tiếng khắp châu Á như Nữ hoàng Seondeok, Phía đông vườn địa đàng, Người tình ánh trăng...
Bên cạnh đó, Jo Min Ki còn được biết đến với vai trò người thầy dìu dắt nhiều thế hệ sinh viên ngành diễn xuất tại đại học Cheongju trong hơn 10 năm.
Jo Min Ki.
Tấn bi kịch của Jo Min Ki bắt đầu từ cuối tháng 2, khi một tài khoản mạng xã hội đăng bài viết tố cáo Jo Min Ki quấy rối nữ sinh trường Cheongju.
Nhiều cựu sinh viên của trường cũng liên tiếp lên tiếng về việc bị thầy giáo lạm dụng, trong đó nổi bật có những tiết lộ chi tiết của nữ diễn viên trẻ Song Ha Neul.
Sau khi thu thập lời khai của các nạn nhân về những lần bị Jo Min Ki gạ gẫm, sờ soạng hay thậm chí là cưỡng ép cởi bỏ quần áo, cảnh sát Hàn Quốc ban lệnh cấm xuất cảnh với nam diễn viên để đảm bảo điều tra. Lúc này số người tố cáo đã lên tới 20 người.
Từ một nhân vật được trọng vọng, Jo Min Ki đuổi việc, các dự án phim loại ông ra, công ty quản lý cũng chấm dứt hợp đồng. Trên mạng xã hội, Jo Min Ki bị nhục mạ với nhiều lời lẽ cay nghiệt.
Và rồi chỉ 18 ngày sau lời tố cáo đầu tiên, nam diễn viên tự kết liễu đời mình tại tầng hầm khu chung cư nơi ông sinh sống.
Khi chiến dịch #Metoo biến thành cuộc săn phù thùy
Vụ việc lột trần vỏ bọc đạo mạo của Jo Min Ki được cho là kết quả của phong trào #Metoo được lan từ Hollywood sang châu Á.
Tại kinh đô điện ảnh thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng đòi quyền lợi cho phụ nữ trong làng giải trí đã khiến cả trăm tên tuổi nổi tiếng mất sự nghiệp, tiêu biểu là nhà sản xuất phim Harvey Weinstein.
Nhưng cái chết của một kẻ phạm tội như Jo Min Ki có lẽ nằm ngoài sức tưởng tượng của những người khởi xướng phong trào này.
Không lâu sau khi Jo Min Ki tự sát, Ảnh đế xứ Hàn Yoo Ah In bất ngờ đăng tải lên trang cá nhân một đoạn video trong phim Nữ Hoàng Elizabeth, có cảnh các tín đồ theo Thiên Chúa giáo bị thiêu sống vì phản đạo.
Nam diễn viên trẻ cũng đồng thời khóa phần bình luận dưới video để tránh các phản ứng quá khích.
Đoạn video Yoo Ah In đăng tải ngầm chỉ trích dư luận Hàn Quốc tàn bạo như những cuộc săn phù thủy.
Tuy không nhắc gì đến vụ việc của Jo Min Ki nhưng nhiều người dễ dàng đoán ra rằng Yoo Ah In đang ngầm ám chỉ cái chết của Jo Min Ki là do bị dư luận khủng bố dữ dội, tương tự như đám đông bị kích động trong những cuộc săn phù thùy thời Trung cổ.
Netizen Hàn Quốc xưa nay vốn nổi tiếng là cay nghiệt, sẵn sàng dùng những lời lẽ miệt thị, lăng mạ tàn bạo nhất cho nhân vật chính của các scandal, đặc biệt là scandal về tình dục.
Dòng hashtag đầy giận dữ "Dù có chết tội ác của ông cũng không biến mất" trở nên thịnh hành trên trang Twitter Hàn Quốc sau khi Jo Min Ki tự vẫn.
Nhớ lại nhiều tháng trước tại Hollywood, ngay sau khi vụ bê bối đầu tiên khơi mào cho phong trào #Metoo nổ ra, đạo diễn 82 tuổi Woody Allen cũng từng cảnh báo về một cuộc "săn phù thủy" sắp diễn ra.
Quả thật sau đó tình hình tại Hollywood căng thẳng đến mức ngày nào mặt báo cũng đầy rẫy những vụ tố cáo lạm dụng tình dục nhưng lại thiếu bằng chứng thuyết phục.
Không ai có thể phủ nhận #Metoo là một bước tiến đáng nể của phong trào nữ quyền trên thế giới. Nhưng nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có phải mọi việc đã đi quá xa khỏi mục đích đòi công lý và bình đẳng cho phụ nữ như ban đầu.
Kết cục nào cho người phạm tội?
Nam diễn viên Jo Min Ki qua đời cũng đồng nghĩa với việc loạt điều tra về hành động lạm dụng tình dục của ông cũng khép lại. Bởi theo luật pháp Hàn Quốc, khi không còn đối tượng để kiện nữa thì các tố cáo đã trở nên vô nghĩa.
Vậy là những uất ức của các nạn nhân cũng chẳng bao giờ được sáng tỏ. Công lý giờ đây cũng không được thực thi do Jo Min Ki chưa kịp đối diện với pháp luật.
Chỉ còn lại những người đau đớn nhất là gia đình của nam diễn viên. Hiện nay, nhiều tờ báo Hàn Quốc còn chỉ ra rằng cô con gái vô tội của Jo Min Ki đang trở thành đối tượng tiếp theo bị dư luận bới móc và chĩa mũi dùi.
So với Mỹ, xã hội theo truyền thống Á Đông của Hàn Quốc có lẽ có cái nhìn khắc nghiệt hơn với những người từng phạm tội. Đến mức như trường hợp của Jo Min Ki thì cái chết vẫn chưa phải là cái giá đủ đắt mà ông phải trả cho tội lỗi của mình.
Gia đình Jo Min Ki vẫn bị điều tiếng hành hạ, những người tiếc thương cho ông cũng phải chịu chỉ trích. Đám tang của nam diễn viên gạo cội vắng lặng khác thường bởi chẳng có ai dám công khai "dính líu" tới Jo Min Ki trong thời điểm nhạy cảm này.
Đám tang vắng lặng đến đau lòng của Jo Min Ki.
Nói cho cùng, nếu Jo Min Ki đã lạm dụng 20 cô gái kia ông sẽ buộc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đó chưa chắc đã là hình phạt tử hình.
Nhưng một người chưa kịp hối lỗi đã bị đẩy đến bước đường cùng, để rồi phải tự sát để giải thoát cho chính mình.