Cửa thiền và thế giới showbiz hoàn toàn đối lập nhau bởi một bên là chốn buông sả, xa lánh hư danh còn một bên tập hợp tất cả mọi tham sân si và đầy rẫy thị phi.
MC, diễn viên Đại Nghĩa là người hoạt động trong cái thế giới náo nhiệt đầy hỷ nộ ái ố của showbiz, thế nhưng tâm hồn anh lại thuộc về chốn thiền tịnh của những người muốn thoát khỏi đời sống thế tục.
Giấc mơ nghệ sỹ
Vài năm trở lại đây Đại Nghĩa xuất hiện dày đặc trong các gameshow đình đám khi thì trong hình ảnh MC, lúc ngồi ghế giám khảo. Cả hai vai trò này đều bắt buộc anh phải hoạt náo, gây cười nên nhìn thấy Đại Nghĩa là cảm nhận được sự sôi nổi náo nhiệt.
Vẻ ngoài này khiến cho mọi người nghĩ rằng Đại Nghĩa không thể nào thoát khỏi vẻ lấp lánh của hào quang danh vọng, cố gắng xuất hiện khắp mọi nơi để trở thành người nổi tiếng trong mắt công chúng.
Sự thật thì Đại Nghĩa thích sự nổi tiếng, bởi một lẽ đơn giản làm một nghệ sỹ mà không được công chúng công nhận và tán dương đồng nghĩa với thất bại.
MC Đại Nghĩa bên bức tượng sáp của mình vừa được trưng bày tại Nhà hát Hoà Bình.
Theo Đại Nghĩa giấc mơ tuổi thơ của anh là được trở thành ca sỹ. Tầm 5,6 tuổi, anh có thể hát líu lo suốt cả ngày. Thấy con quá yêu thích âm nhạc, mỗi khi có khách đến viếng thăm, ba Đại Nghĩa bắc cái ghế gỗ nhỏ giữa nhà làm sân khấu, rồi ông mời "ca sỹ" Đại Nghĩa lên "sân khấu" trình diễn.
Đại Nghĩa đã hát bằng tất cả năng lượng và niềm vui sướng. Vào những dịp lễ tết bận rộn bán bánh chưng bánh dày trước hiên nhà, mẹ Đại Nghĩa đặt anh trên chiếc ghế để vừa bán hàng vừa trông con. Đại Nghĩa đứng hiên ngang trên ghế hát thật to như để cả thế giới cùng nghe.
Đại Nghĩa hồi tưởng: "Cha tôi là một người rất tài hoa. Trên 10 đầu ngón tay của ông đều thể hiện hoa tay. Ông có thể chơi đàn, vẽ tranh, thổi kèn harmonia. Ông truyền thụ tất cả các kỹ năng đó cho tôi, và tôi lĩnh hội rất nhanh.
Tầm 10 tuổi tôi gần như thuần thục cầm kỳ thi họa. Tôi vẻ hàng trăm bức tranh. Tôi còn làm được rất nhiều bài thơ ca ngợi tình cảm gia đình, bè bạn. Nhưng đến năm 15 tuổi tôi nhận ra trong giấc mơ nghệ thuật tổng hợp ấy, tôi phù hợp làm diễn viên nhất".
Bật lên từ sân khấu Idecaf
Tốt nghiệp trung học Đại Nghĩa thi vào khoa diễn viên trường Đại học sân khấu & điện ảnh TP.HCM với số điểm cao nhất. Suốt 4 năm học, Đại Nghĩa học giỏi đều các môn nên luôn đứng đầu lớp.
Nhờ sớm bộc lộ năng khiếu nên anh đã bắt đầu được mời vào các show nhỏ. Nhưng cánh cửa vào nghề thực sự đến với anh là nhờ thường xuyên tham gia các bài thi của sinh viên khoa đạo diễn ở trường.
Không chỉ chơi đàn, viết thư pháp giỏi, nấu ăn ngon... Đại Nghĩa còn chuyên vẽ tranh bán trên mạng làm từ thiện.
Đại Nghĩa cho biết: "Lúc đó, đạo diễn Vũ Minh dù đã cộng tác cho sân khấu Idecaf – một thiên đường nghệ thuật đối với diễn viên trẻ của chúng tôi thời ấy, nhưng anh vẫn học đạo diễn để nâng cao kiến thức. Anh thường xuyên mời tôi đóng các vở của anh dàn dựng tại trường nên hiểu rõ khả năng của tôi.
Vào khoảng năm 1999, Idecaf dựng vở Bí mật vườn Lệ Chi. Sân khấu cần một vai nhỏ, một gian thần cùng phe cánh với vai Tạ Thanh của NSƯT Thành Lộc. Anh Vũ Minh giới thiệu tôi đến anh Thành Lộc. Vai diễn đã tạo duyên cho tôi gắn chặt với Idecaf đến hiện tại".
Sau vai diễn này, Đại Nghĩa trở thành một nhân tố không thể thiếu của sân khấu thành công nhất Việt Nam. Từ những vai nhỏ anh dần được tín nhiệm các vai lớn hơn.
Bên cạnh các vở tâm lý xã hội, Đại Nghĩa còn tung hoành trong thế giới tuổi thơ trong trẻo của chương trình Ngày xửa ngày xưa đình đám ở Idecaf. Vai diễn Cá mặt ngu đã đưa tên tuổi Đại Nghĩa lên cao hơn trong hành trình nghệ thuật.
Kể ra có vẻ đơn giản, thực tế thì để có được chỗ đứng trong nghệ thuật Đại Nghĩa đã nổ lực không ngừng suốt hàng chục năm.
Những ngày đầu tiên về sân khấu Idecaf, anh thường xuyên nép mình bên cánh gà để "uống" từng lời thoại, ghi từng nét diễn của lớp đàn anh Thành Lộc, Hữu Châu, Trung Dân, Thanh Thủy...
Vì ham học hỏi quá nhiều người nên nét diễn của Đại Nghĩa lúc hao hao người này, khi giông giống người khác. Dần dần Đại Nghĩa nhận ra mình phải có nét riêng, phải ký chữ ký của mình lên từng vai diễn.
Bộ áo nâu sồng cho anh cảm giác hạnh phúc, an lành
Cuối cùng khán giả đã nhận ra phong cách rất riêng của Đại Nghĩa qua đài từ, nét mặt, hành động cơ thể. Cái hay của Đại Nghĩa là có thể đóng được vai hài lẫn vai ác.
Cũng từ đó, cái tên Đại Nghĩa vượt khỏi không gian của sân khấu Idecaf và lan xa đến những vùng không gian rộng lớn hơn trong giới showbiz.
Trở về ước mơ làm tu sỹ
Ngày nhỏ Đại Nghĩa ôm ấp giấc mộng làm nghệ sỹ. Anh đã đạt được trọn vẹn với danh tiếng và tiền tài. Thế nhưng ít ai biết rằng trong giấc mơ rất tinh khiết của tuổi nhỏ, Đại Nghĩa còn khát khao trở thành một tu sỹ.
Một trong những chỉ dấu bộc lộ cho khát vọng hiền từ đó là anh rất vui khi được mẹ dắt vào thăm viếng những ngôi chùa.
Đại Nghĩa cảm thấy lòng mình thanh thản khi nghe tiếng chuông văng vẳng xa đưa, hay mùi hương trầm thơm dịu nhẹ. Nhiều lần Đại Nghĩa xin mẹ cho mình mặc chiếc áo lam, và xuống tóc như những chú tiểu theo sư phụ tu học.
Mẹ Đại Nghĩa mừng vì con có tâm lành nhưng bà không muốn con dấn thân vào cửa thiền. Bởi vì, anh chính là đứa con độc nhất của cha và mẹ. Thế nhưng dù tạm gác lại ước muốn thành tu sỹ nhưng Đại Nghĩa vẫn gắn chặt cuộc đời mình với chốn thiền môn.
Một cách rất tự nhiên, suốt nhiều năm qua anh ăn chay trường thay thế cho cao lương mỹ vị. Anh dành rất nhiều tiền cá nhân để hợp cùng những tấm lòng vàng xây dựng một quỹ thiện nguyện.
Đại Nghĩa rất thích làm công quả ở chùa.
Tính đến nay, quỹ An Vui do Đại Nghĩa sáng lập đã xây được hơn 10 giếng nước sạch cho người dân vùng xa, 10 cây cầu cho làng quê vùng kênh rạch chằng chịt, hàng chục ngôi nhà tình nghĩa, và góp sức xây dựng nhiều chùa. Bên cạnh đó là rất nhiều chuyến cứu trợ đến người dân nghèo vùng lũ, hay những người già neo đơn.
Đại Nghĩa cho biết: "Mỗi khi xuất hiện trên ánh đèn sân khấu, tôi chìm vào cảm xúc của một người nghệ sỹ. Nhưng khi trút bỏ xiêm y cùng vẻ sặc sở phía sau cánh màn nhung tôi hạnh phúc trong chiếc áo nâu sồng.
Tôi cảm thấy an lạc vì được hành phương pháp từ thiện và bố thí của nhà Phật. Xem ra giấc mơ tu hành ngày xưa đã thành sự thật dù tôi vẫn ở trong chốn thị phi".
Vượt qua thị phi bằng thiền tịnh
Cái tâm trong sáng thế nhưng không ít lần, Đại Nghĩa đối mặt với lời dị nghị và nghi vấn. Trong lần cứu trợ đồng bào miền Trung lũ lụt 2016 vừa qua, nhiều người không hiểu đã kết luận Đại Nghĩa không minh bạch chuyện tiền cứu trợ. Họ yêu cầu anh phải công bố tài khoản quyên góp.
Những ai thân tình với Đại Nghĩa hiểu rất rõ quỹ An Vui của anh suốt nhiều năm, đóng góp cho nhiều hoạt động thiện nguyện khác nhau. Các mạnh thường quân góp tiền chỉ cho biết con số chứ không nói rõ cụ thể sẽ làm những gì vì họ tin vào Đại Nghĩa.
Đại Nghĩa thì công bố cụ thể quỹ An Vui bao gồm xây cầu, xây giếng, xây nhà, xây chùa, cứu trợ. Việc nào cần nhất thì thực hiện trước, việc nào chưa gấp thì làm sau. Tấm lòng của Đại Nghĩa và các mạnh thường quân đã mang lại biết bao nụ cười cho người bất hạnh.
Căn nhà tình nghĩa do Đại Nghĩa và anh em nghệ sĩ hùn tiền để xây tặng.
Thế nên khi bị đặt nghi vấn về lòng trung thực, Đại Nghĩa bị sốc thực sự. Lúc đó, anh thu mình vào cõi riêng – ngôi nhà yên tịnh của mình. Anh chơi đàn hằng đêm để giải tỏa nỗi buồn. Rồi anh thiền tịnh để đối diện với lương tâm.
Đại Nghĩa nhận ra một điều hành trình nào cũng có chông gai và thử thách. Đường đạo hạnh cũng thế. Càng dấn thân càng gặp nhiều trở lực. Điều quan trọng là mình hãy kiên định với những gì mình đã chọn lựa.
Và cứ thế Đại Nghĩa bước đi trong điềm nhiên và bỏ lại sau lưng tất cả cảm xúc tham sân si hỷ nộ ái ố. Một góc độ nào đó Đại Nghĩa giống như một thiền sư đang tu bụi, đang thử thách mình giữa chốn đời náo nhiệt.