Như vậy là Cả một đời ân oán đã đi hết tập 50, đoạn kết phim sẽ chẳng còn bao xa. Được đầu tư dàn diễn viên trẻ ưa nhìn, Cả một đời ân oán phần 2 có tham vọng sẽ thành công vượt xa phần phim trước.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào phản ứng của khán giả hiện tại dành cho bộ phim thì có lẽ điều duy nhất mà phần 2 vượt xa được phần 1 chính là những lời phàn nàn, bức xúc không ngớt của người xem, đặc biệt là với nhân vật Bình.
Nghịch lý chàng du côn căm ghét người giàu
Nhân vật Bình vốn được thiết kế là một chàng trai trẻ lớn lên với nỗi tủi nhục vì không có bố, tính tình cương trực, ngay thẳng, thích tự lập và không muốn phải nợ ai cái gì.
Tuy nhiên, khi lên phim, Bình lại hiện ra là một thanh niên hư hỏng, không biết điều, tự ti, ích kỷ và thích sống theo bản năng, là kiểu đàn ông đi tán gái mà mở miệng ra là nhận mình nghèo, mình không xu dính túi, mình thấp kém hơn người khác.
Dù chỉ còn vài năm nhưng anh ta vẫn quyết tâm bỏ học để đi kiếm tiền, để mặc cho mẹ mình phải chịu đựng muôn vàn lo nghĩ. Tuy nhiên, có vẻ như Bình cũng không phải là một công nhân chăm chỉ cho lắm.
Suốt phim khán giả chỉ thấy anh ta lông bông ngoài đường với ông bạn móc túi, uống bia nói chuyện nghĩa khí. Nhưng nghĩa khí đâu chẳng thấy, chỉ thấy anh chàng này đanh đá và hỗn láo.
Không chỉ thường xuyên cãi mẹ, Bình mới đây còn lớn tiếng chửi bà nội và đuổi bà ra khỏi nhà.
Trước đó, khi bị đuổi việc vì mải chơi, Bình đi uống rượu giải sầu để rồi tạt đầu xe vào đúng hướng đi ô tô của ông chủ (đây là lần thứ hai trong phim anh ta cưỡi xe máy tạt đầu ô tô).
Nhẽ ra với bản tính sòng phẳng và ngay thẳng được thiết kế trong kịch bản, Bình phải nhận lỗi và hoà giải với chủ xe mới đúng. Tuy nhiên, anh ta lại phồng mồm trợn má, đập bàn đập ghế chửi thông thốc vào mặt người ta vì tội... nhà giàu.
Bình say xỉn lái xe gây tai nạn nhưng lại đòi mắng chửi người khác.
Trong chuyện tình cảm, khi đối thủ của Bình là Nguyên luôn giữ cho mình một phong thái bình tĩnh, cao thượng thì Bình lại có tật thích đi nói xấu người khác.
Dù đã cưa đổ được Ngân nhưng cứ mỗi lần bạn gái hay ai khác nhắc đến Nguyên là Bình lại lải nhải bài ca "bọn có tiền" để "dìm hàng", bỉ bôi tình địch mọi lúc mọi nơi. Ở Bình luôn luôn toát ra một sự thù ghét khó hiểu với những giới trí thức và người khá giả, đến mức trở thành một ẩn ức gần như ám ảnh.
Người xem tự hỏi không hiểu vì sao Bình lại ghen ghét với người lao động trí thức đến thế trong khi chính anh ta đã nằng nặc đòi mẹ cho bỏ học đại học.
Có lẽ chính vì những biểu hiện và thái độ sống của nhân vật đi chệch khỏi định hướng kịch bản như vậy nên khán giả mới hoang mang, không hiểu vì sao một người như Bình lại là nhân vật chính.
"Cho hỏi Bình nó có cái gì đặc sắc mà Ngân chết mê chết mệt vậy, nhan sắc bình thường, nhà thì không giàu, tính tình cục cằn, khó chịu.
Ăn nói với Nguyên hơn 10 tuổi mà nói chuyện hỗn láo, nó làm như nó là trung tâm vũ trụ. Nhân vật xàm nhất phim" –bình luận nhận được 175 lượt phản ứng trên trang fanpage của bộ phim chia sẻ.
"Hỗn láo hay gì quát mắng bố và bà nội mà bao nhiêu con người đứng chống mắt nhìn lại còn bênh, nói con mình không sai. Xem mà ghét cái mặt thằng Bình"; "Chả hiểu sao Ngân yêu Bình được nhỉ. Đậm chất thằng du côn" – hai khán giả khác cũng không giấu nổi bức xúc mà xả ra trong phần bình luận trên fanpage bộ phim.
Vẫn mãi một biểu cảm "phồng mồm trợn mắt"
Nếu như phần kịch bản không tốt thì lẽ ra diễn viên vẫn có thể vớt vát lại ở mặt diễn xuất. Chẳng hạn như vai Phong của Hồng Đăng ở phần một cũng là một nhân vật rất đáng ghét nhưng qua diễn xuất của anh mà ác cảm của khán giả dành cho Phong đã bớt đi phần nào.
Tuy nhiên, vai Bình của Anh Tuấn lại không được như thế. Vì một lý do nào đó, những dạng vai nam ngang tàng, sốc nổi thường được các diễn viên Việt thể hiện bằng cách trợn mắt cật lực.
Bắt đầu từ vai Phan Hải của Việt Anh trong Người phán xử với những cái trợn mắt trở thành thương hiệu, sau đó khán giả bắt đầu thấy kiểu diễn xuất hiện nhiều hơn trên màn ảnh nhỏ.
Ở phần 2 của Cả một đời ân oán, vai Bình của Anh Tuấn ngày càng lạm dụng biểu cảm này và đẩy tất cả đi quá giới hạn. Một khán giả chán ngán viết: "Các đạo diễn phim Việt lần sau có thể loại người diễn vai Bình ra giùm được không? Phim nào cũng thấy mắt trợn toàn lòng trắng. Vui cũng trợn buồn cũng trợn chẳng hiểu cậu ta đang diễn cái gì luôn".
Loạt biểu cảm trợn mắt phồng miệng cả chục tập như một của Bình.
Biểu cảm nhàm chán, đơn điệu đã đành, vai Bình cũng không tận dụng được những ưu điểm của phương pháp thu tiếng đồng bộ áp dụng cho bộ phim. Đài từ, cách nhấn nhá của Bình rất khô cứng và gượng ép.
Vốn dĩ được ưu ái dành cho vai trò trung tâm của phần 2 và có nhiều đất diễn, nhẽ ra đến giờ này nhân vật Bình phải có được rất nhiều sự cảm thông và ủng hộ của khán giả mới đúng.
Tuy nhiên, không biết là do cố ý hay vô tình mà đoàn làm phim cũng như bản thân diễn viên đang khiến cho nhân vật này trở nên đáng ghét hơn bao hết.
Nếu như Cả một đời ân oán vẫn giữ cho tuyến truyện của nhân vật Bình đi theo chiều hướng khó chịu như thế này thì có lẽ sẽ khó mà có thể để lại một cái kết thoả mãn cho khán giả được.