"Diễn viên bị giật tiền cũng không dám đòi, sợ mất lòng nên xem như xui, bỏ tiền mua vai"

Cao Thanh Hương |

"Nói ra người thương không sao, người ghét lại bảo mình hung dữ, mai mốt không dám mời show", Phạm Hy chia sẻ.

"Diễn viên trẻ bây giờ quá sướng, có biết bao sân chơi, biết bao chương trình, biết bao cơ hội để toả sáng, không trầy trật như thế hệ chúng tôi ngày xưa", đó chính xác là câu mà tôi đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần, từ rất nhiều nghệ sĩ lớn tuổi.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, diễn viên Phạm Hy lại nói: "Tất cả những thuận lợi đó là một thách thức lớn đối với diễn viên trẻ trong việc tồn tại với nghề chứ chưa nói tới cơ hội toả sáng hay khẳng định tài năng".

Không quan trọng diễn hay hay dở, giá rẻ là được

Phạm Hy nghĩ thế nào về lời nhận xét của các bậc tiền bối mà tôi vừa nói ở trên?

Tôi nghĩ cái gì cũng có tính hai mặt. Ngày xưa, cơ hội tuy ít nhưng chất. Thời xưa, ít kênh giải trí nên khán giả muốn coi chương trình nào là canh khung giờ để chờ, như chương trình "Trong nhà ngoài phố" vào thứ 5 hàng tuần chẳng hạn. Nhờ vậy mà diễn viên dễ có cơ hội bật lên thành ngôi sao.

Còn bây giờ, có quá nhiều chương trình được phát trên tivi, mạng xã hội, youtube... Với một chiếc điện thoại thông minh, khán giả xem được mọi thứ. Cái này không thích thì bấm qua cái khác. Thế nên, dù nhiều chương trình nhưng để bật lên thành sao lại là cả một vấn đề.

Diễn viên bị giật tiền cũng không dám đòi, sợ mất lòng nên xem như xui, bỏ tiền mua vai - Ảnh 1.

Diễn viên Phạm Hy.

Chưa kể, chất lượng của các chương trình hiện nay không được chú trọng. Nhiều công ty sản xuất chương trình theo kiểu cho có, làm để giữ khung giờ đó trên kênh truyền hình đó, cho nên họ tối giản chi phí, càng ít tốn kém càng tốt.

Trong khi công việc bị ít lại mà diễn viên thì quá nhiều từ các gameshow, từ các lò đào tạo túa ra. Không mời người này, họ mời người khác. Ai ít tiền hơn thì mời, không quan trọng diễn tốt hay dở, giá rẻ là được.

Diễn viên quá đông nên cạnh tranh mệt mỏi. Có những bạn từ gameshow ra, chỉ cần livestream nói chuyện duyên dáng chút, đông người xem, đông người biết là được mời đi đóng cái này, quay cái kia... bất chấp có nghề hay không.

Vô tình, người diễn viên không được coi trọng. Ngày xưa, diễn viên trẻ đóng hay, thế nào cũng được khen "nó trẻ mà đóng hay quá", còn bây giờ thì bị quy chụp, đứa nào cũng như đứa nào.

Bởi vậy, diễn viên trẻ bây giờ khó khăn trăm bề.

Bị giật cát xê cũng không dám đòi vì sợ người ta nói "hung dữ"

Mà diễn viên không được coi trọng thì dĩ nhiên quyền lợi của họ cũng không được đảm bảo?

Đúng vậy, diễn viên dễ làm quá nên nhà sản xuất bất cần. Bởi vậy mà diễn viên không có tiếng nói. Ngay đến các anh chị lớn trong nghề cũng bị thì làm sao diễn viên trẻ tránh được.

Cát xê đã trả chậm còn bị xé lẻ, mỗi lần trả 5 triệu nên mình không có tiền cục. Quyền lợi của diễn viên không có. Nhà sản xuất thiếu tiền, giật tiền diễn viên cũng không dám đòi, sợ đòi thì mất lòng.

Anh chị em đành khuyên nhau "Thôi, xem như mình xui, bỏ tiền mua vai. Nói ra người thương không sao, người ghét lại bảo mình hung dữ, mai mốt không dám mời show".

Diễn viên bị giật tiền cũng không dám đòi, sợ mất lòng nên xem như xui, bỏ tiền mua vai - Ảnh 2.

Phạm Hy là một trong những diễn viên trẻ đắt show hiện nay, dù không có ngoại hình cao to đẹp trai.

Diễn viên bị giật tiền cũng không dám đòi, sợ mất lòng nên xem như xui, bỏ tiền mua vai - Ảnh 3.

Phạm Hy và diễn viên Hữu Thạch trên phim trường.

Theo như tôi biết thì Phạm Hy nhiều lần bị quỵt cát xê rồi. Vụ nặng nề nhất là khi bạn tham gia đóng vai chính hơn 200 tập do công ty H.C sản xuất nhưng tới giờ sau hơn 1 năm, vẫn chưa nhận được phân nửa tiền. Trong khi nhiều người cũng bị giật tiền, đăng đàn facebook đòi kiện thì Phạm Hy im lặng?

Họ tuyên bố phá sản rồi. Một công ty tuyên bố phá sản thì cũng giống như 1 người chết, ai lại đi kiện người chết bao giờ.

Một số diễn viên làm căng quá thì họ trả vài triệu vài triệu. Còn tôi, chắc họ biết tôi là người tình cảm nên dù tôi có làm khó thế nào họ cũng không trả, thậm chí còn lật mặt chửi tôi nữa. Đó cũng là một điều thiệt thòi của mình.

Dĩ nhiên mình cũng buồn, cũng tiếc, cũng bực bội vì quãng thời gian hơn 1 năm đó, tôi bỏ rất nhiều công việc khác để đi đóng phim cho họ. Từ sáng tới đêm khuya, xăng xe, quần áo, phục trang, đồ đạc cho mấy trăm tập rất nhiều và mình phải bỏ tiền túi ra hết.

Tới khi họ không trả lương, mình phải vay mượn người này người kia để tiêu. Thời điểm đó, tôi cũng chắc mẩm là 70% họ sẽ không trả tiền nhưng vẫn hy vọng. Nếu mình bỏ không quay nữa thì chắc chắn là mất hết. Họ lấy lý do mình bỏ để quỵt luôn nên phải cố.

Càng cố càng dồn tiền và cuối cùng thì mất hết. Mình cũng nghĩ là sau Tết họ trả như đã hứa nhưng họ xù, mình bị hụt kinh tế rồi đâm ra bực bội nên bỏ việc rất nhiều.

Mỗi lần có người mời show là mình bị suy nghĩ theo kiểu "trả tiền liền thì mới làm, không thì thôi". Và thế là công việc bị ít lại nên càng khó chịu. Khi không có tiền mình nghĩ tới số tiền người ta giật thế là lại bực.

Ba mẹ tôi đang xây nhà ở quê, hỏi xin tiền mà tôi không có. Mọi người nghĩ, sao xuất hiện trên ti vì mỗi ngày mà kêu không có tiền. Thế là mình bị tiếng, có tiền mà không muốn cho.

Nhưng tôi là diễn viên nên tranh thủ trống lịch còn chạy show khác, "giật gấu vá vai" cầm chừng được, chứ anh em kỹ thuật, ánh sáng, quay phim thì ngày nào cũng đi theo đoàn, không được trả lương, ai cũng khốn đốn. Có những anh em phải trốn không dám về nhà trọ vì sợ bị chủ nhà đòi tiền.

Sự việc be bét như thế nhưng mình cũng không dám làm um sùm, coi như cho họ luôn.

Nếu mình đòi kiện, gây khó khăn quá thì các nhà sản xuất khác nhìn vào sẽ nghĩ "người ta đường cùng rồi còn thưa kiện, mày ghê gớm quá. Lỡ sau này tao rơi vô đường cùng thì mày cũng làm vậy". Diễn viên ngại điều đó nên không ai nói, coi như mình xui.

Diễn viên bị giật tiền cũng không dám đòi, sợ mất lòng nên xem như xui, bỏ tiền mua vai - Ảnh 5.

Phạm Hy là một trong những diễn viên được đánh giá cao trong nghề.

Diễn viên bị giật tiền cũng không dám đòi, sợ mất lòng nên xem như xui, bỏ tiền mua vai - Ảnh 6.

Phạm Hy đang thoại kịch bản cùng các đồng nghiệp trên phim trường.

Nhớ mãi lời khuyên của đàn anh "đừng nôn nóng mà đi vào con đường scandal"

Những chuyện như thế này trong nghề rất nhiều. Bạn có nhận được lời khuyên nào từ đồng nghiệp hay các bậc tiền bối không?

Có. Một người anh trong nghề đánh giá cao về tôi. Anh ấy bảo, "anh chưa coi em diễn bất cứ phim nào, em cũng không thuộc diện cao to đẹp trai nhưng có việc đi làm hoài thì hoặc biết sống, hoặc khôn khéo, hoặc có khả năng".

Anh ấy từng chia sẻ với tôi rất nhiều về nghề. Làm nghề này, ai cũng có những giai đoạn khó khăn nhưng quan trọng là mình phải biết nhìn mọi việc một cách tích cực, đừng lên báo nói xấu về nghề của mình quá vì nghề này vốn dĩ đã không được người ta yêu thích, nói xấu nữa thì không hay.

Tâm lý diễn viên trẻ là mong được nổi tiếng nhưng đừng quên diễn viên nổi tiếng theo ê-kíp. Ví dụ, phim "Bỗng dưng muốn khóc", khi bộ phim nổi tiếng thì kéo dàn diễn viên cũng nổi tiếng theo như Hiếu Hiền, Lương Mạnh Hải.

Anh dặn tôi đừng vì muốn nổi tiếng mà kiện cáo người này, nói xấu người kia để được chú ý. Cứ làm nghề bình thường, phát huy hết sức, may mắn được bộ phim như "Gạo nếp gạo tẻ" chẳng hạn thì diễn viên sẽ nổi, đừng vì nôn nóng mà đi vào con đường scandal.

Thật sự, những góp ý của anh tôi trân quý và tiếp thu hết. Nếu anh ấy không quý mình thì sẽ không chia sẻ với mình những điều đó. Và vì nghĩ tới lời khuyên của đàn anh nên tôi cho qua hết, không kiện cáo và cũng không đòi tiền nữa.

Cảm ơn Phạm Hy đã chia sẻ. Chúc con đường làm nghề phía trước của bạn luôn thuận lợi và thành công!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại