Điện thoại có nghe lén chúng ta hay không: Đã có câu trả lời chính xác

Mạnh Kiên |

Những lời truyền tai cho rằng điện thoại nghe lén mọi thứ từ người dùng hóa ra xuất phát từ một hiểu lầm nho nhỏ.

Bạn đã bao giờ nói về một sản phẩm và đột nhiên có quảng cáo về sản phẩm đó xuất hiện trên điện thoại ngay lập tức? Tất cả chúng ta đều từng gặp chuyện như vậy có lẽ cũng từng giật mình quay lưng nhìn xem có phải nhà quảng cáo đang lén lút theo dõi hay không.

Tất nhiên không có ai bám theo bạn cả ngày để làm trò tốn hơi như vậy. Không thể giải thích được lý do, chúng ta đều đi đến kết luận là điện thoại nghe lén. Bạn sẽ không điên khi nghĩ như thế nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm. Điện thoại không nghe lén ai cả.

Những lời truyền tai cho rằng micro trên điện thoại liên tục bật và lắng nghe cuộc trò chuyện của người dùng để rồi bán dữ liệu cho các nhà quảng cáo là một trong những lầm tưởng phổ biến nhất trong giới công nghệ.

Điện thoại có nghe lén chúng ta hay không: Đã có câu trả lời chính xác- Ảnh 1.

Nguồn gốc lời thêu dệt

"Rất nhiều người lo lắng về việc Facebook có thể nghe lén cuộc trò chuyện của bạn", phóng viên Melanie Michael nói với hàng nghìn khán giả ở Vịnh Tampa trên sóng truyền hình trực tiếp. Đoạn tin tức được phát sóng vào ngày 23/5/2016 sau một bài báo ra mắt trước đó vài ngày.

Bài báo năm 2016 cảnh báo: "Hãy cẩn thận với những gì bạn nói trước điện thoại. Facebook không chỉ xem mà còn nghe mọi thứ trên điện thoại".

Dù đã bị xóa khỏi trang web của WFLA News Channel 8, nhưng đây là trường hợp đầu tiên một ấn phẩm lớn đưa tin về lời thêu dệt. Tác động của nó vẫn lan truyền đến ngày nay, sau 8 năm.

Bài báo trích lời giáo sư truyền thông của Đại học Nam Florida, Kelli Burns. Tuy nhiên, Burns sau đó phủ nhận trên blog của mình về việc nói rằng Facebook đang nghe lén người dùng.

"Tôi chỉ nói Facebook xem chứ không nghe", Burns phân trần. "Tôi chưa bao giờ nói nghe. Khi tôi nói theo dõi, ý của tôi chỉ đơn thuần là theo dõi".

Theo Gizmodo, chính sự hiểu lầm trong phát biểu của nhân vật nói trên đã tạo ra lời đồn thổi, nhưng không phải ngẫu nhiên mà cơ sự xảy ra vào năm 2016. Đó là khoảng thời gian Facebook bắt đầu tăng cường quảng cáo có mục tiêu.

Vào tháng 8/2016, The Washington Post đưa tin Facebook bất ngờ cung cấp 98 điểm dữ liệu cá nhân mới cho các nhà quảng cáo. Dữ liệu bao gồm tuổi, giới tính, chủng tộc, giá trị tài sản, v.v.

Facebook trở thành công ty trị giá nghìn tỷ đô la phần lớn nhờ vào hoạt động quảng cáo có mục tiêu được triển khai đáng kinh ngạc. Các công ty tiếp thị thích hợp tác với Facebook vì họ cung cấp dữ liệu tốt hơn bất kỳ nền tảng nào khác trên thế giới.

Nhưng Facebook cũng lạm dụng dữ liệu này, tiêu biểu là vướng vào vụ bê bối Cambridge Analytica chỉ hai năm sau khi tin đồn nghe lén được đưa ra.

Vào thời điểm đó, tất cả đều tin rằng Facebook đang nghe mọi thứ trên micrô điện thoại của bạn. Họ lạm dụng quyền riêng tư nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác, vì vậy việc cho rằng điện thoại bị nghe lén không hề huyễn hoặc.

Như đổ thêm dầu vào lửa, vào năm 2018, tờ Vice xuất bản một bài viết có nội dung: "Không hề điên rồ, điện thoại đang nghe lén chúng ta". Bài báo đề cập rằng điện thoại sẽ không rình rập mọi lúc mà chỉ làm vậy khi bạn nói "Hey Siri" hoặc "OK Google" – mệnh lệnh kích hoạt trợ lý ảo trên thiết bị iOS và Android.

Điện thoại có nghe lén chúng ta hay không: Đã có câu trả lời chính xác- Ảnh 2.

Vì sao lầm tưởng lan rộng?

Chuyện hoang đường này lan rộng trong tám năm qua bởi nó quá thật. Thế nhưng, chuyện bạn nhận được những quảng cáo nhắm mục tiêu trên Facebook và Google không đến từ "đôi tai ẩn giấu" nào đó trên điện thoại.

Thực tế, bạn đang bộc lộ suy nghĩ của mình vào điện thoại nhiều đến mức bản thân không nhận ra.

Đúng vậy, bạn đã nói về việc đặt một chuyến đi đến Hawaii, nhưng trước đó bạn đã tra Google về giá vé máy bay. Bạn hỏi Siri những tuyến đi bộ tốt nhất trên đảo. Bạn tìm kiếm trên Instagram những nhà hàng đẹp bên trong núi lửa. Tất cả thông tin đó được bán cho các nhà quảng cáo.

Dậy từ 6h, làm thông 14 tiếng/ngày, 'xem phim cũng chỉ nghĩ đến công việc': Làm tỷ phú thế thì có sướng?Dậy từ 6h, làm thông 14 tiếng/ngày, "xem phim cũng chỉ nghĩ đến công việc": Làm tỷ phú thế thì có sướng?

Để có thể đưa Nvidia bay cao và sở hữu khối tài sản 73 tỷ USD - Jensen Huang phải đánh đổi nhiều thứ. Trong đầu ông 100% suy nghĩ là công việc và tràn ngập sự âu lo.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy các nhà quảng cáo có thể sử dụng các truy vấn tìm kiếm, phương thức sử dụng mạng xã hội và cookie để xây dựng một bức tranh cực kỳ chính xác về bạn. Thông tin đó được các nhà quảng cáo theo dõi nên họ không cần đến micro trên thiết bị.

Để chấm dứt câu chuyện huyền thoại này, các nhà nghiên cứu từ Northeastern University đã thử nghiệm Facebook, Instagram và hơn 17.000 ứng dụng khác. Sau cùng, họ không tìm thấy trường hợp ứng dụng nào bất ngờ kích hoạt micro và gửi âm thanh ra bên ngoài cho đối tượng nào đó.

Với người sử dụng iPhone, có một cách để theo dõi thuận tiện hơn là bất cứ khi nào micro được sử dụng, một chấm màu cam sẽ xuất hiện ở đầu màn hình báo hiệu. Nhưng cho đến nay, không có báo cáo nào khả nghi có thể củng cố lầm tưởng điện thoại đang nghe lén người dùng.

Thực tế đơn giản là các nhà quảng cáo cũng không cần thiết phải nghe thêm thông tin nào đó, vì họ đã biết mọi thứ về bạn rồi.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại