Đống Đa là một trong 5 quận nhỏ nhất Hà Nội với diện tích chỉ 9,95 km2. Năm 2021, mức thu ngân sách của quận đạt 12.200 tỷ, đứng thứ 4 thành phố. Năm 2022, quận vươn lên dẫn đầu với 13.123 tỷ đồng, đạt 105% dự toán thành phố giao.
Quận Đống Đa trước là khu phố Đống Đa được thành lập ngày 31/5/1961. Đến tháng 6/1981 cấp hành chính khu phố đổi là quận, tiểu khu chuyển thành phường; theo đó quận Đống Đa có 24 phường. Sau này khi thực hiện Nghị định số 74/CP ngày 22/11/1996 của chính phủ quận Đống Đa đã chuyển một số phường cho quận Thanh Xuân quản lý, hiện tại quận có 21 phường và là quận có nhiều phường nhất Hà Nội.
Với diện tích chưa đến 10 km2 nhưng dân số của quận lên tới 400.110 người, mật độ dân số trung bình 40.200 người/km², cao nhất thành phố Hà Nội, gấp 17 lần mật độ dân số chung của toàn thành phố (số liệu năm 2021).
Trên địa bàn quận hiện có hơn 31.000 doanh nghiệp hoạt động, mang lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách. Năm 2022, nhằm hỗ trợ phục hồi phát triển doanh nghiệp sau dịch Covid-19, quận đã thực hiện giảm 747,8 tỷ đồng tiền thuế cho 5.933 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng 257,3 tỷ đồng cho 943 đơn vị, gia hạn tiền thuê đất cho 167 đơn vị với tổng số thuế được gia hạn là 103 tỷ đồng.
Bên cạnh đó quận Đống Đa liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Năm 2022, tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của quận trên các lĩnh vực thành phố đã triển khai đạt 100%, tỷ lệ tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng của quận hiện đạt xấp xỉ 100%, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%.
Không chỉ là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn của thành phố, quận Đống Đa cũng có những con phố quy tụ hàng nghìn hộ kinh doanh trong lĩnh vực thời trang tại các con phố lớn như: phố Chùa Bộc, phố Phạm Ngọc Thạch… luôn hút một lượng lớn các chị em Hà Thành đến tham quan, mua sắm, nhất là vào những ngày cuối tuần. Trong ảnh, khách hàng đang tham quan mua sắm tại phố Chùa Bộc.
Song song với đó, nhiều trung tâm thương mại lớn cũng được xây dựng trên địa bàn quận như Lotte Mart Mipec Tây Sơn, Vincom Phạm Ngọc Thạch, Vincom Nguyễn Chí Thanh…
Ngoài ra các quận còn có các chợ lớn như chợ Ngã Tư Sở, chợ quần áo hàng thùng Kim Liên, Đông Tác… cũng luôn tấp nập kẻ bán người mua. Trong ảnh, là chợ hàng thùng Đông Tác.
Một số dự án bất động sản nổi bật của quận như chung cư Mipec Tower trên đường Tây Sơn; chung cư Mon Central 29 Láng Hạ; chung cư Hongkong Tower Đê La Thành… Trong ảnh, chung cư Vinhomes Nguyễn Chí Thanh nằm ngay mặt đường tuyến Nguyễn Chí Thanh và Chùa Láng.
Về giao thông, quận Đống Đa có ga Hà Nội là điểm đầu của tuyến đường sắt Bắc Nam, rất thuận lợi trong lưu thông hàng hóa đi các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra ga Cát Linh cũng là điểm khởi hành của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Các đường vành đai 1, vành đai 2 chạy qua địa bàn quận đều là những tuyến đường huyết mạnh trong giao thương giữa quận Đống Đa với các quận khác của Thủ đô, tạo nên khu vực đầy năng động và sầm uất.
Những năm qua quận Đống Đa luôn xác định việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm song song với việc phát triển kinh tế. Hiện nay trên địa bàn quận có 76 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Văn Miếu - Quốc Tử Giám và gò Đống Đa. Trong ảnh là khu vực tượng đài vua Quang Trung tại gò Đống Đa, thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Quận Đống Đa cũng là nơi tập trung các bệnh viện tuyến đầu của cả nước điển hình như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Da liễu Trung ương….
Hệ thống các trường đại học tại đây khá dày đặc, thu hút một lượng lớn sinh viên trên địa bàn Hà Nội tiêu biểu như: Đại học Bách Khoa, Đại học Y Hà Nội, Đại học Thủy Lợi, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương…
Bản đồ hành chính quận Đống Đa.