Huyện Thủy Nguyên nằm phía bắc của thành phố Hải Phòng, diện tích tự nhiên 261,9 km², dân số xấp xỉ 334.000 người (Theo tổng điều tra Dân số năm 2019), là huyện có dân số và diện tích lớn nhất so với các quận, huyện của Hải Phòng. Với vai trò là cửa ngõ thông ra vịnh Bắc Bộ, Thủy Nguyên được đánh giá là nơi có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh – quốc phòng.
Về phát triển kinh tế, giai đoạn 2015 - 2020 huyện Thủy Nguyên luôn duy trì trạng thái tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của cả nước, trung bình đạt 15,6%/năm. Tổng giá trị sản xuất các ngành đạt trên 98.400 tỷ đồng, gấp 2,3 lần giai đoạn 2010 – 2015. 6 tháng đầu năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 16,5%, thu ngân sách hoàn thành trên 70% kế hoạch. Tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản.
Đề án đưa Thủy Nguyên lên thành phố được phê duyệt vào ngày 24/11/2020. Hải Phòng đặt mục tiêu đưa Thủy Nguyên trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và công nghiệp của thành phố và vùng duyên hải Bắc bộ.
Theo Sở Nội vụ Hải Phòng, trong 5 tiêu chuẩn để thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, huyện Thủy Nguyên cơ bản đạt được tiêu chuẩn về dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội.
Nhằm tạo nền tảng phát triển vững chắc cho Thủy Nguyên khi lên thành phố, Hải Phòng đang tiến hành xây dựng các công trình biểu tượng tại đây như: Trung tâm Hành chính - Chính trị, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Nguyễn Trãi… Trong ảnh là cầu Hoàng Văn Thụ nối huyện Thủy Nguyên với trung tâm thành phố Hải Phòng có tổng mức đầu tư 2.173 tỷ đồng.
Từ năm 2020, huyện Thủy Nguyên cũng đã khởi công và khánh thành nhiều dự án trên địa bàn như: Khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; dự án đường tỉnh 359 giai đoạn 2 (từ xã Thủy Triều đến trục giao thông Khu đô thị và công nghiệp Bến Rừng); dự án cải tạo đường thị trấn Minh Đức…Trong ảnh, đơn vị thi công đang trải nhựa tại dự án đường tỉnh 359.
Huyện Thủy Nguyên hiện tại có 2 khu công nghiệp gồm: VSIP, Nam Cầu Kiền, tạo ra giá trị xuất khẩu lên đến 20 tỉ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 100.000 lao động. Trong ảnh là các nhà máy thuộc Khu công nghiệp và Dịch vụ VSIP.
Ngoài ra dự án Khu công nghiệp Vinhomes IZ với diện tích 319 ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng đang dần hình thành sẽ kết hợp cùng VSIP và Nam Cầu Kiền tạo nên thủ phủ công nghiệp lớn mạnh tại Bắc sông Cấm, đưa Thủy Nguyên trở thành Trung tâm công nghiệp của Hải Phòng.
Đặc biệt, công nghiệp - xây dựng phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khẳng định vai trò động lực của kinh tế thành phố Hải Phòng ở một số nhóm ngành như: Công nghiệp khai thác, sản xuất xi măng, dịch vụ hậu cần tàu biển, sản xuất thép, đúc kim loại…
Cùng với sự phát triển về hạ tầng giao thông, huyện Thủy Nguyên cũng đón nhận làn sóng đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản lớn như: dự án đại đô thị thị VSIP 1100 ha, dự án khu đô thị mới Bắc sông Cấm, dự án Khu đô thị mới Hoàng Huy New City, dự án Khu đô thị Hoàng Huy Green River. Trong ảnh, khu đô thị Quang Minh Green City là khu đô thị có quy mô quốc tế đầu tiên tại khu vực Thủy Nguyên có diện tích 300 ha.
Hoạt động thương mại có bước phát triển mạnh mẽ, doanh thu ngành thương mại trên địa bàn huyện năm 2020 đạt 5.996 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2015. Huyện đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác chợ cho doanh nghiệp và phát triển các siêu thị, khu thương mại, dịch vụ trung tâm xã, cụm xã, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Ngoài ra trên địa bàn huyện có nhiều công trình, di tích lịch sử, văn hóa là tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tâm linh như: di tích Bạch Đằng Giang, di tích bãi cọc Cao Qùy, bãi cọc Đầm Thượng… Ước tính, tổng lượng khách du lịch đến Thủy Nguyên khoảng trên 2 triệu lượt/năm. Trong ảnh là quảng trường Chiến thắng thuộc khu di tích Bạch Đằng Giang.