Cựu Tổng thống Mỹ Trump cho rằng Nga đạt được bước đột phá về công nghệ sau khi đánh cắp các kế hoạch 'siêu tên lửa' của Mỹ trong nhiệm kỳ ông Barack Obama. Ông Trump đưa ra bình luận này khi đang vận động bầu cử ở New Hampshire, đồng thời cam kết tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công chiến lược của Mỹ nếu trở lại Nhà Trắng vào năm tới.
“Dưới sự lãnh đạo của tôi, chúng ta sẽ một lần nữa bảo vệ người dân bằng hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình, có khả năng bắn hạ tên lửa của Trung Quốc, Nga và Iran trên bầu trời. Ngoài ra, chúng ta sẽ có những loại vũ khí tấn công không ai sánh kịp”, ông Trump nhấn mạnh.
“Nga đã ăn trộm siêu phẩm, chúng ta gọi là siêu siêu tên lửa phải không? Những tên lửa siêu nhanh. Họ đã đánh cắp được các kế hoạch dưới thời chính quyền Obama”, ông Trump nói thêm.
Tên lửa hành trình siêu thanh X-51 được Boeing phát triển cho quân đội Mỹ. (Ảnh: Sputnik)
Đáp lại tuyên bố của ông Trump, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Nga “có chương trình tên lửa của riêng mình, chúng khá xuất sắc”.
Cũng theo ông Peskov, các tên lửa siêu thanh của Nga khác xa những gì ông Trump mô tả về siêu siêu tên lửa đang được quân đội Mỹ phát triển. Chương trình tên lửa siêu thanh của Nga gần như không có đối thủ trên thế giới.
Tuy nhiên ông Peskov không đề cập rõ đang nói về mẫu tên lửa siêu thanh nào của Nga.
Moskva hiện tại đang duy trì trong biên chế đến ba mẫu tên lửa siêu thanh, gồm: Kinzhal, Avangard và Zircon.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu trước đó cho biết tên lửa Kinzhal đã tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva ở Ukraine. Theo ông Shoigu, Kinzhals được sử dụng để tấn công “các mục tiêu đặc biệt quan trọng”.
Ngoài ra, lực lượng vũ trang Nga còn sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa S-500, được cho là có khả năng đánh chặn tên lửa siêu thanh.
Theo chuyên gia quân sự Alexey Leonkov, Mỹ hiện đang tụt hậu xa so với Nga trong việc phát triển tên lửa siêu thanh. Thậm chí Washington còn nỗ lực đánh cắp dữ liệu về các công nghệ liên quan đến vũ khí siêu thanh của Nga.
Tên lửa siêu thanh Kinzhal được Nga tích hợp trên tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-31. (Ảnh: Sputnik)
"Ông Trump nói rằng những bản vẽ đã bị đánh cắp. Nhưng ai mới là người vẽ những bản thảo đó và ai đứng sau thực hiện hành động này", chuyên gia Leonkov nói.
Ông Leonkov cũng nhấn mạnh các kỹ sư của Mỹ không thể nào chỉ vẽ một bản thảo thiết kế duy nhất và để Nga đánh cắp nó dễ dàng.
Chuyên gia Leonkov cho rằng, cho tới nay, các chương trình siêu thanh của Mỹ vẫn chỉ trong giai đoạn phát triển, vấn đề của chúng nằm ở công nghệ chứ không phải ở bản vẽ nào đó. Trong khi đó bước đột phá trong thiết kế tên lửa siêu thanh của Nga đã có được từ những năm 1990.
Ngay từ năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai về ba vũ khí siêu thanh của Moskva, chúng đều đã được đưa vào trang bị.
Trong khi Mỹ vẫn đang trong giai đoạn đầu của vũ khí siêu thanh thì Nga đang bước sang giai đoạn 2. Do đó Moskva không thu được gì từ việc đánh cắp bản thiết kế tên lửa của Mỹ. Trong khi đó các điệp viên của CIA lại muốn có được hoạt động nghiên cứu và phát triể vũ khí siêu thanh Nga.
Ông Leonkov nhấn mạnh rằng Mỹ đang cố gắng bắt kịp Nga thông qua việc thu hút sợ hỗ trợ từ bên ngoài thay vì chỉ dựa vào nhóm tập đoàn quốc phòng hiện có.
Phần lớn các tên lửa siêu thanh đang được sử dụng trên thế giới đều đến từ Nga và Trung Quốc.
Một chuyên gia quân sự Nga khác, Alexander Mikhailov nói với Sputnik rằng: "Nếu Nga đã đánh cắp bản vẽ tên lửa siêu thanh của Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama thì tên lửa đó hiện đang ở đâu sau chừng thời gian?"
Nhắc lại việc vũ khí siêu thanh vẫn chưa được đưa vào sử dụng trong quân đội Mỹ, ông Mikhailov cho biết Lầu Năm Góc hàng năm chi ra hàng tỷ USD cho chương trình vũ khí siêu thanh nhưng không mang bất cứ kết quả nào.
Ông Mikhailov cũng nhắc lại rằng “chỉ có Nga và Trung Quốc sở hữu vũ khí siêu thanh”, trong khi Mỹ tiếp tục nói suông về vấn đề này.
“Khi nói đến việc phát triển vũ khí siêu thanh, Nga đã vượt qua Mỹ ít nhất một thập kỷ. Đó là lý do tại sao có thể chắc chắn rằng chính Mỹ mới là bên đánh cắp các bản vẽ của chúng tôi. Tuy nhiên xét trên thực tế thì Mỹ vẫn chưa đạt được tiến bộ nào trong việc tạo ra vũ khí siêu thanh dù họ đã có được bản vẽ từ Nga”, ông Mikhailov kết luận.
Về phần Trump, vào năm 2020, ông cũng đề cập đến một chương trình “tên lửa siêu thanh của Mỹ” mà ông tuyên bố sẽ có khả năng nhanh chóng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 1.600km. Tuy nhiên cho đến nay Mỹ vẫn chưa công bố thêm bất cứ thông nào về loại tên lửa này.