Điện Kremlin ngày 17/2 ra tuyên bố cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa bao giờ có lệnh đưa quân đội tới Libya.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định "Không có binh sỹ Nga tại Libya," qua đó bác bỏ thông tin mà giới truyền thông đăng tải về lễ tang một binh sỹ Nga được cho là bị sát hại tại quốc gia Bắc Phi này.
Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi.
Hiện, ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng.
Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar đứng đầu Quân đội miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ, đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.
Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA.
Giao tranh ác liệt giữa các bên đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo .
Cuối tháng Một vừa qua, hội nghị quốc tế về Libya đã được tổ chức tại thủ đô Berlin của Đức với sự tham gia của các bên liên quan xung đột, đại diện của các cường quốc cũng như các nước trong khu vực.
Hội nghị đã nhất trí tìm kiếm một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Libya, kêu gọi các nước bên ngoài chấm dứt can thiệp, cũng như tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí mà Liên hợp quốc đã áp đặt với Libya.
Cũng trong ngày 17/2, Ngoại trưởng Italy Luigi di Maio cho biết ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu đã nhất trí khởi động sứ mệnh mới nhằm thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Libya. Ngoại trưởng Đức và Áo cũng đã xác nhận thông tin trên.