Binh sỹ Nga ngồi trên xe tăng T-90M. Ảnh: Sputnik
"Ưu tiên đối với chúng tôi là đạt được các mục tiêu mà chúng tôi đã đặt ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tại thời điểm này, những mục tiêu đó chỉ có thể đạt được thông qua các giải pháp quân sự", quan chức này nêu rõ.
Tuyên bố này đưa ra nhằm phản ứng trước bài viết của cựu nhà ngoại giao Đức Wolfgang Ischinger, đăng tải trên tờ Der Tagesspiegel cuối tuần qua. Theo đó, ông Ischinger kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây "hãy nghĩ về một tiến trình hòa bình ngay bây giờ" và thành lập một nhóm tiếp xúc chính trị đặc biệt cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo đề xuất của ông Ischinger, nhóm tiếp xúc sẽ do Mỹ, Anh, Đức, Pháp dẫn đầu cùng với các quốc gia và các tổ chức quốc tế khác, trong đó có cả NATO. Nhiệm vụ của nhóm sẽ là chuẩn bị thỏa thuận ngừng bắn và các dự thảo để tạo thành xương sống cho giai đoạn hậu xung đột. Nhóm này sẽ hoạt động cùng với nhóm mang tên Ramstein chuyên cung cấp viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Ông Ischinger nhấn mạnh rằng, sáng kiến mới sẽ không gây áp lực đàm phán lên Ukraine.
Cựu nhà ngoại giao người Đức cũng gợi ý một danh sách các câu hỏi mà nhóm sẽ tự đặt ra, bao gồm: "Liệu một thỏa thuận ngừng bắn có được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tán thành?", "Liệu có một vùng đệm phi quân sự tại Ukraine?", và "người dân ở Crimea có nên tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân để quyết định họ thuộc về ai hay không?".
Ukraine từng tuyên bố Nga phải trả lại các vùng lãnh thổ mà họ đang nắm giữ của nước này như một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán hòa bình. Vào năm 2022, Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký thành luật một sắc lệnh của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia (NSDC) Ukraine cấm tiến hành bất cứ cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Về phần mình, Nga cho rằng chính phủ Ukraine đã khiến các cuộc đàm phán hòa bình không thể thực hiện được và Kiev đã áp dụng lập trường của nước này theo yêu cầu từ Mỹ, nhằm gây ra một thất bại chiến lược đối với Nga./.