Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
“Nếu chúng ta đang nói về các cuộc đàm phán nghiêm túc thì đây là một tình huống cực kỳ nguy hiểm. Trong thực tiễn và theo quy định, các lực lượng như vậy thường chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của cả hai bên”, ông Peskov nói với các nhà báo.
Trước đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiết lộ các lãnh đạo EU sắp tổ chức một cuộc thảo luận về việc liệu các quốc gia thành viên có thể hoặc có nên gửi “một số lực lượng gìn giữ hoà bình tới Ukraine hay không”, bất chấp khả năng Nga phản đối.
"Các nhà lãnh đạo châu Âu đang xem xét liệu các nước EU có thể gửi một số lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine hay không", ông Orban nói. "Điều này sẽ tiếp tục vượt qua giới hạn."
Nhà lãnh đạo Hungary cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine đang trở nên tàn khốc hơn, đồng thời đặt câu hỏi vì sao các lãnh đạo EU không tập trung vào việc cố gắng đạt được hoà bình thông qua các biện pháp ngoại giao thay vì cung cấp các công cụ nguy hiểm hơn cho Kiev và châm ngòi cho chiến sự.
“Nếu điều này tiếp tục, nguy cơ chiến tranh thế giới sẽ không còn là phóng đại”, ông Orban nói.
Kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm ngoái, Budapest đã liên tục phản đối các biện pháp trừng phạt đối với các nguồn năng lượng của Nga và từ chối gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, viện dẫn nhu cầu duy trì và trang bị cho quân đội của Hungary.
Nghị sĩ Nga Alexey Chepa cho rằng nếu EU quyết định cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, thì chắc chắn điều đó sẽ được hiểu là hành động can dự trực tiếp vào cuộc xung đột và âm mưu kích động xung đột Nga - NATO.
Ông Chepa tuyên bố rằng trong trường hợp này, Nga có thể buộc phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đối tác Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, bao gồm Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.