Tuyển thủ Phạm Thị Diễm (nhảy cao) làm một trong những người giành HCB cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32 này. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tính tới trước ngày tranh tài cuối cùng của môn điền kinh tại SEA Games 32, đội điền kinh Việt Nam có tới 18 kết quả HCB và chỉ số này nhiều gấp 3 lần so với đội tuyển điền kinh đang tạm dẫn đầu là Thái Lan (6 HCB).
Những thành tích HCB thuộc về Ngần Ngọc Nghĩa (200m nam), Lương Đức Phước (800m, 1.500m nam), Lê Tiến Long (3.000m chướng ngại vật), Nguyễn Thành Ngưng (20km đi bộ nam), Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa nam), Phan Thanh Bình (đẩy tạ nam), Nguyễn Hoài Văn (ném lao nam); Trần Thị Nhi Yến (200m nữ), Nguyễn Thị Huyền (400m nữ), Bùi Thị Ngân (800m, 1.500m nữ), Phạm Thị Hồng Lệ (5.000m nữ), Bùi Thị Nguyên (100m rào nữ), tiếp sức nữ 4x100m, Lê Thị Tuyết (marathon nữ), Phạm Thị Diễm (nhảy cao nữ), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ).
Với đấu trường SEA Games, chúng ta đã tham dự với sự khẳng định cử tuyển thủ đi là để tranh HCV hoặc ít nhất là tìm cơ hội tranh HCB. Với những người chỉ tiệm cận hoặc dự báo chuyên môn trong khả năng tranh được HCĐ mỗi nội dung thì ban huấn luyện phải xem xét kỹ lưỡng mới quyết định con người.
Một năm trước “mưa” HCV đã tới với thành tích tổng của đội tuyển điền kinh Việt Nam qua việc giành 22 HCV trong các nội dung ở SEA Games 31. Đó là một lịch sử dù sau đây, con số 22 chắc chắn không bảo toàn vì những án phạt doping. Nhưng ít nhất, điền kinh Việt Nam đã vui được một năm với chỉ số thành tích cao nhất này.
Qua một năm, chúng ta có những sự chuẩn bị kỹ càng ở các tổ nội dung và có dự báo thành tích chuyên môn để nhắm cơ hội tranh HCV tại SEA Games 32. Nhưng chắc chắn một điều, nhà quản lý và người làm chuyên môn không nghĩ rằng các tuyển thủ lại mang về “mưa” HCB như lúc này. Trong nhiều kết quả HCB ấy, không ít người từng là nhà vô địch của SEA Games 31 như Nguyễn Tiến Trọng, Bùi Thị Nguyên, Lê Tiến Long, Nguyễn Hoài Văn. Thi đấu thực tế sẽ gặp những tác động có thể làm thay đổi thành tích từ chiến thuật cho tới thời tiết cũng như sự nhận định chuyên môn ở bản thân tuyển thủ và cả tâm lý thi đấu. Chưa kể, lực lượng nhập tịch của điền kinh tại nhiều quốc gia trong khu vực ngày càng đông đảo hơn. Trên tổng thể, đã thi đấu Đại hội thì tất cả tuyển thủ đều quyết tâm vì màu cờ sắc áo mang vinh quang về cho tổ quốc.
Tuyển thủ Bùi Thị Ngân (ngoài cùng bên trái) đã giành được 2 tấm HCB ở các nội dung 800m và 1.500m nữ tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chúng ta đã có những sự chờ đợi để hướng tới các tấm HCV tại SEA Games 32 trong một số nội dung nhưng bất thành. Hoặc có những tuyển thủ đã ở vị thế của nhà vô địch để bước vào thi đấu SEA Games 32 để bảo vệ thành tích nhưng không thành công.
Bài toán chuyên môn vẫn phải nhìn thẳng vấn đề rằng làm sao sau SEA Games 32, những tấm HCB kia sẽ được chuyển hóa trở thành HCV ở kỳ SEA Games 33 tiếp theo. Yếu tố con người và chiến lược đầu tư vẫn quan trọng nhất. Trong tất cả các môn thể thao, điền kinh vẫn có sức hút riêng tại mỗi kỳ Đại hội và kết quả thi đấu của điền kinh luôn là thước đo để nhà quản lý lấy làm một trong những tiêu chí đánh giá thành công hay không thành công của đoàn thể thao sau tranh tài.
Trong 47 nội dung chính thức của môn điền kinh, chúng ta tham dự 38 nội dung ở SEA Games 32. Với những nội dung ấy, trước ngày tranh tài cuối, chúng ta tạm chinh phục thành công 10 nội dung, giành 10 HCV và tạm có 18 tấm HCB cùng 7 tấm HCĐ. Tính tổng thành tích huy chương, điền kinh Việt Nam vẫn cao nhất khi tạm có 35 huy chương các loại xếp trên 10 quốc gia còn lại thế nhưng về số HCV thì chúng ta chưa phải quốc gia dẫn đầu.