Ngày 8/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi thư cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chúc mừng nhân dịp tết Nguyên tiêu.
Đêm ngày 9/2 (giờ Mỹ) tức sáng 10/2 (giờ Trung Quốc), hai nguyên thủ đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi ông Trump lên nhậm chức hôm 20/1.
Tuy nhiên cuộc điện đàm này do Bắc Kinh hay Washington chủ động vẫn là vấn đề gây chú ý và chưa có lời giải đáp chính thức.
Trong buổi họp báo thường kỳ hôm 10/2, khi được hỏi trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ, bên nào chủ động đề xuất trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã tránh đi thẳng vào vấn đề mà chỉ đưa ra câu trả lời ngắn gọn: "Cuộc đối thoại được sắp xếp theo thỏa thuận trước đó của hai bên".
Tuy nhiên, theo báo tiếng Trung xuất bản tại Mỹ Đa chiều, có thể cuộc điện đàm hôm 10/2 là do Trung Nam Hải chủ động kết nối với Nhà Trắng. Tờ này đưa ra một số phân tích:
Tiêu đề thông cáo điện đàm
Thông cáo của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 10/2 có tiêu đề tương tự với một bản tin của hãng thông tấn Tân Hoa Xã về việc Chủ tịch Tập Cận Bình gọi điện chúc mừng ông Trump đắc cử Tổng thống hôm 14/11.
Theo đó, cả hai bài viết đều có tiêu đề chung là: "Chủ tịch Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống/Tổng thống đắc cử Donald Trump".
Trong hệ thống ngôn ngữ ngoại giao Trung Quốc, chủ động điện đàm và nhận điện đàm là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Trong trường hợp ông Tập chủ động điện đàm, truyền thông Trung Quốc sẽ giật tít là "Chủ tịch Tập Cận Bình điện đàm với...". Nhưng nếu bên kia chủ động, Bắc Kinh sẽ diễn đạt là "Chủ tịch Tập Cận Bình nhận [lời mời] điện đàm với..."
Ví như tháng 3/2013, khi ông Tập trở thành Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã chủ động gọi điện chúc mừng.
Truyền thông Trung Quốc khi đó đã đăng tải thông tin với dòng tiêu đề "Chủ tịch Tập Cận Bình nhận [lời mời] điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama".
Hay tháng 12/2015, khi hai lãnh đạo Trung-Mỹ điện đàm, báo Trung Quốc cũng chạy tiêu đề tương tự.
Cảm ơn và chúc mừng qua lại
Theo thông cáo từ Trung Nam Hải, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ tuân thủ nguyên tắc "một Trung Quốc". Ảnh: Tân Hoa xã.
Về phía Mỹ, gửi thư mừng là hình thức liên lạc chủ động đầu tiên ông Trump với ông Tập. Đa chiều cho rằng, bản chất của hình thức này cũng cho thấy, Tổng thống Mỹ chưa có sự chuẩn bị đầy đủ nhất để tiến hành đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc.
"Gửi thư mừng là hình thức chủ động truyền tải thông điệp mà không cần lo lắng vì sự bất đồng ý kiến không thể đạt được đồng thuận chung, phá vỡ bầu không khí", Đa chiều bình luận.
Cũng theo tờ này, vốn là một Tổng thống chưa có kinh nghiệm chính trị, nội các vẫn chưa kiện toàn - một số thành viên nội các chưa được Quốc hội phê chuẩn thì hành động gửi thư cho thấy, ông Trump chưa tập trung hoàn toàn vào việc lên kế hoạch cho quan hệ Trung-Mỹ.
Nên rất có khả năng, sau khi Trump chính thức lên nhậm chức, Bắc Kinh đã không vội vã điện thoại tới Nhà Trằng mà quan sát, nắm bắt cơ hội - bức thư chúc mừng tết Nguyên tiêu.
Ngoài hai lần gửi điện mừng cho ông Trump (một lần ngay ngày ông Trump đắc cử và một lần ngay sau lễ nhậm chức) cùng cuộc điện đàm, phía Bắc Kinh cũng liên tiếp phát đi những tín hiệu nhằm bắt tay với Washington, ví như Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cũng đã tích cực "kết thân" với gia đình Trump.
Hay Ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến công du Australia hôm 7/2 cũng đưa ra tín hiệu "hòa giải" khi tuyên bố, Trung Quốc không có ý định "thay ai lãnh đạo ai".
Cũng trong cuộc họp báo ngày 10/2, trước câu hỏi "Theo thông cáo Nhà Trắng thì Tổng thống Trump đã đồng ý tuân thủ chính sách "một Trung Quốc" theo yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình... Phía Trung Quốc có phải đã dùng chính sách "một Trung Quốc" làm điều kiện tiên quyết cho cuộc điện đàm?", Lục Khảng đã trả lời:
"Thi hành chính sách "một Trung Quốc", tuân thủ nguyên tắc ba thông cáo chung Trung-Mỹ là trách nhiệm mà chính phủ Mỹ nên nghiêm túc thi hành, cũng là lập trường nhất quán của Trung Quốc".