Nhận định trên được một thành viên (giấu tên) thuộc Hội Khinh khí cầu Bottlecap ở Bắc Illinois (NIBBB) trao đổi với Politico qua điện thoại hôm 18-2 (giờ Mỹ). Thành viên trên còn cho biết sở dĩ phải giấu tên vì NIBBB không cho tiết lộ với truyền thông.
Lực lượng Mỹ hôm 11-2 (giờ địa phương) đã sử dụng máy bay chiến đấu F-22 và tên lửa trị giá 400.000 USD để bắn hạ vật thể bay trên bầu trời Yukon của Canada. Đáng chú ý cũng trong cùng ngày hôm đó, NIBBB đã mất dấu khinh khí cầu có tên Pico. Vị trí cuối cùng khinh khí cầu Pico phát tín hiệu về gần hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển phía Yây Alaska, gần với vùng lãnh thổ Yukon.
Khinh khí cầu Pico mang theo máy truyền phát tín hiệu cỡ nhỏ trị giá khoảng 12 USD và có thể bay tới độ cao khoảng 14.300 m. Khinh khí cầu Pico đã bay trên bầu trời trong hơn 4 tháng trước khi NIBBB mất dấu.
"Khi tôi nghe giới chức mô tả vật thể lạ bị Không quân Mỹ bắn hạ thì có thể nhận định ngay rằng đó là khinh khí cầu Pico bị mất dấu của chúng tôi" - nguồn tin nói với Politico.
Đây là một trong ba vật thể bay mà lực lượng Mỹ liên tiếp bắn hạ chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, sau khi đã bắn hạ một khinh khí cầu Trung Quốc hôm 4-2.
Các thủy thủ hải quân Mỹ trục vớt một phần của khí cầu Trung Quốc ngoài khơi Nam Carolina hôm 5-2. Ảnh: Hải quân Mỹ
Nguồn tin cũng cho biết ngay cả khi thực sự khinh khí cầu Pico của họ bị lực lượng Mỹ bắn hạ thì vẫn ủng hộ quyết định trên.
"Tôi là người Mỹ nên tôi không muốn điều gì tồi tệ xảy ra với đất nước mình. Nếu nhà chức trách không biết, tôi thà rằng họ phạm sai lầm khi bắn rơi khí cầu 100 USD còn hơn để điều gì đó tồi tệ xảy ra với Mỹ hoặc Canada" - thành viên này nói và thêm rằng bản thân "không tức giận chút nào".
Người này còn cho biết các quan chức chính phủ Mỹ đã liên hệ với một số thành viên của nhóm NIBBB. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng đã liên lạc với câu lạc bộ khinh khí cầu nhưng từ chối trả lời cũng như cung cấp thêm chi tiết.
Do chưa tìm thấy xác vật thể bị bắn hạ trên bầu trời Yukon nên phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 18-2 đã từ chối xác nhận hay phủ nhận thông tin được cung cấp bởi Politico.