Ukraine tuyên bố bắn hạ 33/37 UAV của Nga tấn công khu vực Odessa: Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 33 trong số 37 UAV của Nga được triển khai trong một cuộc tấn công đêm 7/3 làm hư hại một cơ sở hạ tầng ở khu vực phía nam Odesa, các quan chức và quân đội cho biết hôm 8/3.
Bộ chỉ huy quân sự miền Nam Ukraine cho biết trong một tuyên bố rằng 18 máy bay không người lái Shahed đã bị bắn hạ ở khu vực Odessa và 4 chiếc khác ở Mykolaiv và Kherson ở phía nam đất nước.
Cuộc tấn công vào khu vực Odessa diễn ra chỉ một ngày sau khi lực lượng Nga tấn công thành phố này trong chuyến thăm của tổng thống Ukraine và thủ tướng Hy Lạp.
Đại sứ quán Mỹ tại Nga cảnh báo công dân về vụ tấn công lớn ở Moscow: Đại sứ quán Mỹ tại Nga đã phát đi cảnh báo công dân nước này tránh các cuộc tụ tập đông người ở Moscow do có thông tin cho rằng những kẻ cực đoan sắp có kế hoạch tấn công.
Đại sứ quán Mỹ trước đó đã nhiều lần kêu gọi tất cả công dân nước này rời khỏi Nga ngay lập tức. Cơ quan ngoại giao này không cung cấp thêm thông tin chi tiết về mối đe dọa, nhưng cho biết mọi người nên tránh đám đông và chú ý đến xung quanh.
“Đại sứ quán đang theo dõi các báo cáo rằng những kẻ cực đoan sắp có kế hoạch nhắm mục tiêu vào các cuộc tụ tập lớn ở Moscow, bao gồm cả các buổi hòa nhạc, khuyến cáo công dân Mỹ tránh các cuộc tụ tập lớn trong 48 giờ tới”, đại sứ quán cho biết trong một thông báo trên trang web của mình ngày 8/3.
Cách Nga “ngáng đường” Ukraine trong nỗ lực chiếm ưu thế trên không: Những người điều khiển máy bay không người lái ở Ukraine đang đối mặt với 2 thách thức lớn trên chiến trường giữa bối cảnh xung đột đã bước sang năm thứ ba, Taras Chmut, Giám đốc Quỹ Come Back Alive Foundation hỗ trợ quân đội Ukraine cho hay.
Theo ông Chmut, các phi công điều khiển của Ukraine không thể phóng hàng chục nghìn UAV cùng lúc hay nói đúng hơn là Kiev cần phải triển khai máy bay không người lái từng chiếc một.
"Đây là một bất lợi", ông Chmut cho hay. Ngoài ra, theo ông: "Vấn đề thứ hai là đối phương có thể gây nhiễu tần số thông thường bằng các thiết bị tác chiến điện tử điển hình được thiết kế cho nhiệm vụ này. Đó là lý do tại sao những người vận hành giàu kinh nghiệm thường tìm kiếm và thay đổi tần số cho phù hợp với từng khu vực cụ thể trên tiền tuyến".
Tổng thống Pháp Macron muốn “không có giới hạn” trong hỗ trợ Ukraine: “Tổng thống Macron không muốn đặt giới hạn đối với việc hỗ trợ cho Ukraine để đối phó với Nga”. Đây là nhận định chung của lãnh đạo các đảng phái chính trị tại Pháp sau cuộc gặp với Người đứng đầu nước Pháp hôm qua (07/3) và để được giải thích về sự thay đổi trong chính sách của Pháp đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine thời gian tới.
Theo lãnh đạo các đảng chính trị tại Pháp, tại cuộc gặp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cho biết cuộc phản công của quân đội Ukraine chỉ đạt kết quả hạn chế do thiếu đạn dược, trong khi Nga ngày càng thể hiện sự quyết tâm chinh phục Ukraine.
Người đứng đầu nước Pháp cũng cáo buộc Nga đứng sau nhiều cuộc tấn công trên mạng nhắm vào nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Pháp và đặc biệt là các lợi ích của Pháp tại châu Phi và Biển Đỏ đang bị xâm phạm.
Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ không đưa quân tham chiến ở Ukraine: Ngay trong phần mở đầu của thông điệp liên bang tối 7/3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập đến nhu cầu viện trợ cho Ukraine cũng như khẳng định nước này sẽ không đưa quân tham chiến ở nước này.
Ông Biden kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine nhằm hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột với Nga.
Tháng trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật hỗ trợ nước ngoài trị giá 95,3 tỷ USD, trong đó bao gồm 60 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine. Trong khi dự luật này nhận được sự ủng hộ ở Thượng viện thì Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết ông không có kế hoạch đưa dự luật này ra thảo luận.
Thụy Điển chính thức gia nhập NATO: Ngày 7/3, Thụy Điển đã chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc chuyển giao các tài liệu gia nhập của Thụy Điển đã được thực hiện tại một buổi lễ ở Washington, Mỹ. Theo đó, Thụy Điển chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO.
Trước đó, Chính phủ Thụy Điển thông báo về việc Thủ tướng Ulf Kristersson và Ngoại trưởng Tobias Billstrom của nước này có chuyến thăm đến Washington ngày 6/3 (theo giờ Mỹ).
Phía Thụy Điển hiện đã bàn giao các tài liệu gia nhập NATO cuối cùng của nước này cho các đại diện Mỹ. Đây là bước cuối cùng cần thiết để hoàn tất tiến trình 2 năm xin gia nhập liên minh quân sự. Thủ tướng Kristersson đã ca ngợi một kỷ nguyên mới mang tính lịch sử trong chính sách an ninh của Thụy Điển.
Thụy Điển hoàn thành “giấc mộng” NATO, Nga - phương Tây càng thêm chia rẽ: Cùng với Phần Lan, sự gia nhập của Thụy Điển sẽ cho phép NATO kiểm soát hiệu quả biển Baltic và củng cố khả năng phòng thủ của sườn phía Đông. Tuy nhiên, điều này cũng có nguy cơ kéo dài thêm sự chia rẽ giữa Nga và phương Tây.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hôm qua đã gửi văn kiện gia nhập tới Bộ Ngoại giao Mỹ, chính thức hoàn tất tiến trình gia nhập NATO. Đây là lần mở rộng thứ 2 của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. Khi Thụy Điển chính thức gia nhập, NATO sẽ có thêm một thành viên sở hữu quân đội hùng mạnh cung cấp khả năng phòng thủ quan trọng cho sườn phía Bắc châu Âu.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nhấn mạnh: "Đây là một bước đi quan trọng, một bước đi rất tự nhiên, giúp Thụy Điển ngày càng an toàn hơn. Tư cách thành viên của Thụy Điển cũng sẽ tăng cường an ninh cho khu vực Bắc Âu và Baltic theo 2 cách. Thứ nhất về mặt địa lý, chỉ cần nhìn vào bản đồ, các bạn có thể thấy chúng ta không còn thiếu một mảnh ghép nhỏ nào nữa. Đó là một sự khác biệt rất lớn. Thứ hai, chúng tôi mang đến cho NATO khả năng, cũng như một lực lượng không quân mạnh mẽ, năng lực tàu ngầm, tình báo và khả năng giám sát. Chúng tôi biết rất rõ về biển Baltic và biển Baltic là một phần quan trọng của thế giới”.