Xe tăng Nga. Ảnh: RIA.
Nga hoàn thành rút quân khỏi thành phố Kherson và hữu ngạn sông Dnieper: Bộ Quốc phòng Nga hôm 11/11 thông báo quân đội Nga đã hoàn thành việc rút khỏi thành phố Kherson và hữu ngạn sông Dnieper, bảo đảm an toàn về người và thiết bị .
Bộ này khẳng định toàn bộ quân nhân, trang thiết bị và vũ khí của Nga đã được rút khỏi hữu ngạn (bờ Tây) sang tả ngạn (bờ Đông) sông Dnieper. Họ cũng khẳng định không có tổn thất nào về người và thiết bị trong quá trình rút lui. Theo quân đội Nga, việc rút lui được hoàn thành vào lúc 5h giờ Moscow ngày 11/11.
Mỹ thử nghiệm tên lửa hành trình ở Bắc cực nhằm răn đe Nga: Quân đội Mỹ hôm 9/11 thử nghiệm một hệ thống phóng tên lửa hành trình ở vòng Bắc cực . Tư lệnh phụ trách cuộc thử nghiệm gọi đây là động thái răn đe Nga.
Trong cuộc thử nghiệm, một tên lửa hành trình tầm xa được thả từ máy bay vận tải C-130. Hệ thống dù sẽ giúp tên lửa hạ độ cao dần dần cho đến khi động cơ rocket đẩy của tên lửa kích hoạt và đẩy tên lửa tới mục tiêu.
Lầu Năm Góc tiết lộ gói viện trợ vũ khí mới dành cho Ukraine: Mỹ đang gửi đạn, tên lửa và các hệ thống phòng không trị giá 400 triệu USD tới Ukraine.
Hôm 10/11, Lầu Năm Góc tiết lộ, đợt viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ dành cho Ukraine chủ yếu bao gồm đạn pháo và tên lửa phòng không tầm ngắn. Mỹ cho biết lô vũ khí mới sẽ giúp Ukraine chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Mỹ tính mua 100.000 quả đạn pháo của Hàn Quốc để gửi cho Ukraine: Mỹ dự kiến mua khoảng 100.000 đạn pháo từ các nhà sản xuất Hàn Quốc để cung cấp cho Ukraine, một quan chức Mỹ cho biết.
Quan chức Mỹ cho biết, chính phủ Mỹ và Hàn Quốc đã thảo luận về một thỏa thuận như vậy.
Thỏa thuận được tiết lộ trong bối cảnh Ukraine kêu gọi các nước cung cấp nhiều vũ khí và viện trợ hơn nữa để chiếm lợi thế trong cuộc phản công trước quân đội Nga.
Nga: Kherson vẫn là một chủ thể của Nga và vị thế của nó không thay đổi: Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các binh sĩ Nga đã chiếm lĩnh các vị trí phòng ngự ở tả ngạn sông Dnieper sau khi rút lui qua sông.
Hôm 11/11, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov tuyên bố, Nga không coi quyết định rút quân khỏi thành phố Kherson là điều sỉ nhục . Ông Peskov đưa ra câu trả lời như vậy khi được hỏi về động thái Nga rút quân khỏi thành phố Kherson và hữu ngạn sông Dnieper. Thành phố Kherson, nằm ở hữu ngạn sông Dnieper, là thủ phủ của tỉnh Kherson.
Tổng thống Ukraine ra điều kiện đàm phán với Nga: "Họ cần trả lại mọi thứ": Mặc dù bác bỏ việc đối thoại với Tổng thống Nga Putin, nhưng nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông không "đóng cửa" với các cuộc đàm phán.
Phát biểu với CNN ngày 10/11, Tổng thống Zelensky nói rằng, ông không từ bỏ kế hoạch đàm phán với Nga. Trong khi Moscow khẳng định luôn để ngỏ cánh cửa tiến hành các cuộc đàm phán thì lập trường của ông Zelensky về vấn đề này đã thay đổi nhiều lần kể từ khi xung đột nổ ra.
Phần Lan xây công sự và rào biên giới ngăn nguy cơ từ xung đột Nga-Ukraine: Phần Lan – nước láng giềng ở phía Tây Bắc của Nga đang củng cố các căn cứ quân sự, xây dựng boongke và có kế hoạch xây hàng rào biên giới ở phía Đông để tăng cường an ninh trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày càng leo thang.
Nội bộ Mỹ bất đồng về việc thúc đẩy Ukraine đàm phán với Nga: Tướng hàng đầu của Mỹ Mark Milley cho rằng Ukraine nên "nắm bắt thời điểm" để chấm dứt xung đột với Nga bằng một giải pháp ngoại giao, trong khi các cố vấn của Tổng thống Joe Biden cho rằng hiện vẫn còn quá sớm.
Hungary: Lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga hoàn toàn thất bại: Ngoại trưởng Hungary cho rằng các chính sách trừng phạt của EU nhằm vào Nga đã làm tổn hại nặng nề nền kinh tế của chính liên minh này.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto, các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã không đạt được bất kỳ mục tiêu nào và chỉ khiến nền kinh tế của các quốc gia thành viên bị tổn thương.
EU công bố các chính sách cải thiện năng lực quốc phòng: Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (10/11) đã công bố 2 kế hoạch mới có tên gọi "Kế hoạch hành động quân sự cơ động 2.0" và "Kế hoạch Phòng thủ không gian mạng" để cho phép quân đội các nước EU có thể di chuyển xuyên biên giới nhanh hơn và thuận lợi hơn.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố 2 chính sách mới, Đại diện cấp cao phụ trách An ninh và Đối ngoại châu Âu Josep Borrell nhấn mạnh, môi trường an ninh châu Âu đã có thay đổi lớn do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, buộc châu Âu phải có những điều chỉnh mới trong chính sách quốc phòng để thích ứng.