Có thể nói, 2024 là một năm ghi dấu những thành tựu CHƯA TỪNG CÓ ở rất nhiều mặt trận: Đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng. Chúng tôi xin khởi đăng loạt bài ĐIỀU TỰ HÀO NHẤT để nêu bật và phân tích dấu ấn rực rỡ năm 2024 và những hy vọng, kỳ vọng mới năm 2025.
Các chất liệu văn hóa nội địa vẫn được yêu thích giữa thời các nội dung ngắn tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội. Điều đó cho thấy, nếu biết cách kể chuyện và chạm vào được các chủ đề mang tính phổ quát, các bộ phim Việt vẫn được khán giả lựa chọn.
Năm 2024, điện ảnh Việt tiếp tục lập kỷ lục doanh thu với ước tính đạt khoảng 2000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 25% so với năm ngoái và trở thành năm đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại. Thị trường điện ảnh Việt vẫn là một trong vài thị trường hiếm hoi có sự tăng trưởng đột phá, khi các thị trường điện ảnh lớn trên thế giới gần như đã bão hòa và đi xuống.
Phim Việt không chỉ lập kỷ lục doanh thu mà còn bỏ xa các phim ngoại nhập, kể cả những bom tấn của Hollywood. Hai bộ phim Mai của đạo diễn Trấn Thành và Lật Mặt 7: Một Điều Ước đạt mốc doanh thu lần lượt là 551 tỷ đồng và 482 tỷ đồng, chiếm hai vị trí cao nhất trong top 10 phim ăn khách nhất năm và bỏ xa các đối thủ còn lại.
Mai tiếp tục cuộc chinh phục phòng vé vô tiền khoáng hậu của Trấn Thành khi lần lượt lập kỷ lục phim ăn khách nhất mọi thời đại và phim sau phá kỷ lục của phim trước. Bộ ba phim của Trấn Thành (Bố Già, Nhà Bà Nữ, Mai) lần lượt khai thác các chủ đề về gia đình hay những cuộc xung đột ngấm ngầm về giai cấp hay giàu nghèo trong xã hội đương đại. Chất liệu phim của anh bình dân, đưa ra các triết lý gần gũi với khán giả đại chúng. Sự ồn ào náo nhiệt trở thành một "đặc sản" trong các bộ phim của Trấn Thành, nhưng cũng phản ánh khá chính xác đời sống của xã hội Việt Nam đương đại. Dẫu vậy, ta có thể thấy rõ, Trấn Thành có sự tính toán để vượt thoát ra khỏi những khuôn mẫu để đi tìm những công thức mới cho tác phẩm của mình.
Mai cũng có sự dịch chuyển khéo léo từ một bộ phim lãng mạn trở thành một tác phẩm chính kịch khai thác những khoảng cách không thể hòa giải về sự giàu nghèo cùng một cái nhìn ít nhiều mang tính mỉa mai châm biếm về những thước đo hay định kiến xã hội. Diễn xuất của Hồng Đào (vai Đào) và Phương Anh Đào (vai Mai) là hai điểm sáng của bộ phim, cho thấy sự dụng công của biên kịch và đạo diễn trong việc nghiên cứu tâm lý nhân vật, đặc biệt là những nhân vật nữ có tính cách và số phận khá đặc biệt.
Nếu Mai là một bộ phim chính kịch tâm lý cho thấy sự sắc sảo và lên tay của Trấn Thành trong vai trò đạo diễn thì Lật Mặt 7: Một Điều Ước cũng là bộ phim tốt nhất của Lý Hải trong loạt phim thương hiệu ăn khách của anh. Cũng giống như Trấn Thành, loạt phim của Lý Hải cũng tăng dần đều về mặt doanh thu và đột phá trong phần mới nhất, gần chạm mốc 500 tỷ đồng.
Khác với những phần phim hành động hoặc kinh dị, hài trong các phần trước, Lật Mặt 7: Một Điều Ước gần như là một cuộc lột xác của Lý Hải về mặt kịch bản. Anh kể một câu chuyện cảm động về tình thân (đặc biệt là tình mẫu tử) khi một người mẹ già gặp tai nạn không thể tự lo cho mình và khiến năm đứa con ở 5 miền khác nhau khắp đất nước phải thay phiên nhau chăm sóc mẹ. Và cũng từ đó, đạo diễn khai thác tâm tư của những đứa con và nỗi lòng của người mẹ bằng những câu chuyện có tính "hoạt cảnh" nhưng gần gũi và dễ chạm vào cảm xúc của người xem.
Khai thác chủ đề về tình thân gia đình, phim chạm được vào số đông, cho dù đôi khi phim hơi tròn trịa và khuôn thước quá, đánh mất những gai góc hoặc xù xì của cuộc sống. Cho dù vậy, không thể phủ nhận đây cũng là bộ phim lên tay của Lý Hải trong vai trò biên kịch và đạo diễn.
Ngoài thành công đột phá của Mai và Lật Mặt 7; chùm phim Việt thành công phòng vé trong năm 2024 còn phải kể đến Ma Da của Nguyễn Hữu Hoàng, Làm Giàu Với Ma của Trung Lùn, Cám của Trần Hữu Tấn, Linh Miêu của Lưu Thành Luân với doanh thu trên dưới 100 tỷ đồng cho mỗi bộ phim. Cả bốn bộ phim này đều thuộc thể loại kinh dị và khai thác các chất liệu văn hóa dân gian của Việt Nam. Dù vậy, các bộ phim này đều gặp nhiều hạn chế về kịch bản hay đạo diễn.
Điểm sáng của điện ảnh Việt cuối năm thuộc về Chị Dâu của đạo diễn Khương Ngọc, một bộ phim cho thấy nếu sở hữu một kịch bản và diễn xuất tốt, nó hoàn toàn có thể chinh phục khán giả chỉ với một bối cảnh duy nhất.
Câu chuyện về một đám giỗ truyền thống ở miền Tây trong một ngôi nhà từ đường sắp đổ nát và cuộc xung đột giữa bà chị dâu (Việt Hương) cùng 4 bà cô bên chồng (Hồng Đào, Lê Khánh, Đinh Y Nhung, Ngọc Trinh) lột tả một cách khéo léo những mâu thuẫn ngấm ngầm trong mối quan hệ quen thuộc trong văn hóa Việt Nam nhưng ít được khai thác trên phim: chị dâu - em chồng. Bộ phim khai thác rất tốt về bối cảnh, thoại và đặc biệt là diễn xuất của 5 diễn viên chính, biến tác phẩm có hơi hướng độc lập này trở thành một cú hit của phòng vé cuối năm. Sự nghiệp đạo diễn của Khương Ngọc hoàn toàn có thể cất cánh từ bộ phim này.
Sau Kén vàng (Bên Trong Vỏ Kén Vàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân), điện ảnh độc lập/nghệ thuật của Việt Nam năm vừa rồi có thêm 2 tác phẩm được quốc tế vinh danh của hai đạo diễn trẻ: Cu Li Không Bao Giờ Khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân và Mưa Trên Cánh Bướm của đạo diễn Dương Diệu Linh.
Cả ba tác phẩm đầu tay kể trên đều bước ra thế giới và được các LHP quốc tế hạng A (Cannes, Berlin, Venice) ghi nhận với 3 giải thưởng dành cho phim đầu tay xuất sắc nhất. Không chỉ vậy, từ ba bộ phim này và một số tác phẩm đầu tay của các đạo diễn Việt Nam khác, giới phê bình quốc tế đang hi vọng và chờ đợi một "Làn sóng mới" đến từ điện ảnh Việt Nam với cách tiếp cận riêng tư và độc đáo các chủ đề mang màu sắc văn hóa bản địa. Một Việt Nam hiện lên đầy lạ lẫm, mơ hồ và bí ẩn, nơi quá khứ và hiện tại đan cài vào nhau trong Cu Li Không Bao Giờ Khóc hay một Việt Nam với những góc nhìn chiêm nghiệm đương đại và đậm tính nữ trong Mưa Trên Cánh Bướm chinh phục giới phê bình quốc tế bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh thi vị và đậm chất thơ.
Cả Phạm Ngọc Lân và Dương Diệu Linh đều đến từ Hà Nội, họ kể hai câu chuyện cũng có bối cảnh, nhân vật ở Hà Nội - tạo sự cân bằng cho điện ảnh phía Bắc khi gần đây quá thiếu vắng những nhà làm phim đến từ thủ đô.
Cho dù không quá thách đố về mặt thưởng thức, các bộ phim nghệ thuật Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận khán giả đại chúng.
Phim truyền hình Việt Nam cũng có một năm thành công khi nhiều series có lượt xem lớn và được khán giả thảo luận sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội. Hai bộ phim gây tiếng vang nhất và thậm chí trở thành hiện tượng của phim truyền hình năm nay là Đi Giữa Trời Rực Rỡ và Độc Đạo.
Đi Giữa Trời Rực Rỡ khai thác một chủ đề khá độc đáo về hành trình trưởng thành của một cặp đôi trẻ người Dao nhưng kịch bản lê thê và đầu voi đuôi chuột là điểm yếu chí tử của loạt phim này, khiến càng về cuối, nó càng đuối sức để giữ chân khán giả.
Điểm sáng của phim truyền hình năm nay là Độc Đạo thuộc loạt phim Cảnh Sát Hình Sự của Đài Truyền Hình Việt Nam. Dù được chuyển thể từ kịch bản phim truyền hình One Way Out của Colombia, loạt phim này được Việt hóa một cách cẩn thận và giữ được sức hấp dẫn xuyên suốt các tập phim.
Câu chuyện về phòng chống tội phạm ma túy chưa bao giờ hết hấp dẫn, nhất là bối cảnh được khai thác ở một thị trấn vùng ven biên giới và các mối quan hệ phức tạp cũng như cuộc chiến sống còn giữa lực lượng cảnh sát và băng đảng tội phạm được mổ xẻ một cách sống động. Dàn diễn viên của bộ phim, nổi bật với Doãn Quốc Đam, Nguyễn Duy Hưng, Hoàng Hải… cũng là điểm sáng của loạt phim với những nhân vật được khán giả yêu thích…
Các chất liệu văn hóa nội địa ngày càng được khán giả yêu thích và lựa chọn để giải trí và thưởng thức. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các nhà làm phim. Mai, Lật Mặt 7, Chị Dâu của mảng phim điện ảnh và Độc Đạo của truyền hình là những minh chứng cho thấy, nếu biết cách kể chuyện và chạm được vào khẩu vị đại chúng, chúng hoàn toàn có thể trở thành những hiện tượng văn hóa giải trí của năm.
Đà tăng trưởng của thị trường điện ảnh Việt chưa dừng lại khi hệ thống rạp chiếu phim liên tục mở rộng, khán giả đến rạp vẫn đang tăng trưởng tốt.
Thị trường điện ảnh thường bắt đầu với mùa phim Tết, mùa phim quan trọng nhất của năm và thường chiếm 30% tổng doanh thu của năm. Tết năm nay, điện ảnh Việt bắt đầu đường đua với Bộ Tứ Báo Thủ - phim Tết thứ 4 liên tiếp của Trấn Thành, bên cạnh Yêu Nhầm Bạn Thân của Diệp Thế Vinh, Nguyễn Quang Dũng và Nụ Hôn Bạc Tỷ của Thu Trang. Cả ba đều thuộc thể loại rom-com hoặc hài, thể loại phù hợp với phim Tết với tính giải trí cao.
Năm 2025 cũng có nhiều dự án lớn chờ ngày khởi chiếu như Địa Đạo, một bộ phim mang hơi hướng sử thi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, được trình chiếu vào dịp 30/4 để kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Đây chắc chắn là một bộ phim đáng được chờ đợi và có thể làm hồi sinh dòng phim cách mạng vốn từng là thế mạnh một thời của điện ảnh Việt Nam.
Các bộ phim đáng chờ đợi khác như Lật Mặt 8 của Lý Hải, Thám Tử Kiên của Victor Vũ và Chốt Đơn của Nam Cito & Bảo Nhân…
Rõ ràng chưa bao giờ điện ảnh và truyền hình Việt Nam bước vào giai đoạn "thiên thời địa lợi nhân hòa" như hiện nay khi lượng khán giả quan tâm và ủng hộ phim Việt tăng cao như vậy. Nhưng để ngành công nghiệp giải trí này thực sự cất cánh, điện ảnh Việt cần có một tầm nhìn chiến lược ở cấp nhà nước cho tương lai với tham vọng trở thành thị trường số 1 của Đông Nam Á.
Một ví dụ có thể nhìn vào và hướng tới là ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, nơi họ coi điện ảnh - truyền hình như một thứ quyền lực mềm để chinh phục thế giới. Khó có thể làm được điều mà Hàn Quốc đã làm được, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lấy cảm hứng để xây dựng một nền công nghiệp giải trí phát triển mạnh mẽ và chinh phục được khán giả nội địa.
Sự thành công và có thể nói đang cất cánh của điện ảnh và truyền hình Việt Nam với tôi là một tín hiệu vô cùng tích cực cho ngành công nghiệp giải trí nội địa. Sự thành công này, một mặt phản ánh nền kinh tế đang phát triển và tinh thần dân tộc của Việt Nam đang khởi sắc khiến khán giả quay trở lại ủng hộ các sản phẩm nội địa (điều mà điện ảnh Hàn Quốc đã từng làm được trong suốt hơn 2 thập niên qua). Chưa hết, với một đất nước có dân số "vàng" (hơn 100 triệu dân) tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp giải trí nói chung và điện ảnh, truyền hình nói riêng vẫn còn nhiều cơ hội để bứt phá hơn nữa. Đây thực sự là thời điểm vàng để cất cánh!