Điểm yếu trong kế hoạch khí đốt đầy tham vọng của Đức

Thùy Dương |

Đức đã đẩy nhanh đàm phán với nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới là Qatar để có nguồn cung cấp khí đốt bù lại cho lượng mà Nga ngừng cung cấp. Các chuyên gia nhận định kế hoạch này của Đức dường như hơi muộn.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang oilprice.com ngày 27/9, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Qatar, Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, cho biết nước này đang đàm phán với một số công ty Đức về cung cấp LNG, trong đó có công ty RWE và Uniper. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết thêm rằng lịch giao hàng và khối lượng LNG đang được thảo luận sẽ chỉ là giải pháp một phần cho cuộc khủng hoảng khí đốt mà châu Âu phải đối mặt.

Những thỏa thuận với Qatar nói trên diễn ra sau hai sáng kiến ​​lớn do Đức thực hiện. Sáng kiến đầu tiên là tập trung tăng cường các cơ chế phân phối khí đốt vào châu Âu, trong đó Đức tuyên bố ý định hợp tác năng lượng từ hồi tháng 5 với Qatar nhằm tăng cường cung cấp LNG vào Đức thông qua các tuyến nhập khẩu hiện tại. Ý định hợp tác này liên quan đến triển khai bốn cơ sở nhập khẩu LNG nổi trên bờ biển phía bắc và hai trạm trên bờ đang được phát triển.

Kế hoạch này sẽ song song với kế hoạch Qatar cung cấp cho Đức một lượng LNG đáng kể từ trạm Golden Pass ở Bờ Vịnh Texas.

Sáng kiến ​​thứ hai là tăng cường sản xuất khí đốt ở Qatar để có thể cung cấp cho châu Âu. Sáng kiến này diễn ra sau lễ ký kết các thỏa thuận đối tác riêng biệt giữa Qatar với tập đoàn TotalEnergies của Pháp và sau đó là Eni của Italy để mở rộng mỏ North Field trị giá 30 tỷ USD.

Các thỏa thuận mới nhất đang được thảo luận giữa các công ty Đức và Qatar phụ thuộc vào yếu tố thời gian. Khoảng thời gian không có khí đốt của Nga sẽ tương đối dài. Châu Âu đặt mục tiêu tới giữa năm 2024 có thể thay thế toàn bộ khí đốt và dầu mỏ nhập từ Nga. Trong khi đó, thời gian Qatar hoàn thành kế hoạch mở rộng North Field phải tới năm 2025 hoặc 2027.

Vấn đề trở nên phức tạp đối với Đức và nói rộng ra là đối với phần còn lại của EU khi Qatar biết rằng mình chính là thị trường của người bán và sẽ tiếp tục như vậy cho đến khi các lệnh trừng phạt năng lượng Nga được dỡ bỏ. Trong khi đó, dỡ bỏ trừng phạt Nga sẽ không sớm xảy ra.

Với vị thế thương lượng thuận lợi của mình, Qatar đang tìm cách chốt giá rất cao đối với LNG và muốn ký hợp đồng kỳ hạn ít nhất 20 năm. Hợp đồng gần đây nhất của công ty RWE với Qatar chỉ kéo dài từ năm 2016 tới 2023.

Cách đây một thời gian, Qatar không có nhiều khả năng thay thế nguồn cung cấp khí đốt Nga cho EU.

Chỉ riêng Đức đã nhập khẩu 142 tỷ mét khối khí đốt vào năm 2021, giảm 6,4% so với năm 2020, trung bình khoảng 12 tỷ mét khối khí đốt mỗi tháng. Khí đốt tự nhiên nhập từ Nga lên tới 32% tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức trong tháng 12/2021.

Tính cả năm, Đức nhập khẩu từ Nga hơn 45 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, tương đương với 33 triệu tấn LNG.

Lượng LNG Đức nhập khẩu chỉ từ Nga đã tương đương gần 43% tổng lượng LNG sản xuất của Qatar mỗi năm.

Do đó, Đức và châu Âu cần phải đảm bảo rằng họ có được những hợp đồng khổng lồ với các nhà cung cấp khí đốt khác rất nhanh chóng (từ bây giờ đến khi kế hoạch mở rộng mỏ North Field ở Qatar có kết quả từ năm 2025 đến năm 2027).

Một số nhà cung cấp năng lượng lớn của EU đang có những động thái nhằm thực hiện điều này.

Điểm yếu trong kế hoạch khí đốt đầy tham vọng của Đức - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan tại cuộc gặp ở Abu Dhabi ngày 25/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây đã đến Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arb thống nhất (UAE) và Qatar. Theo các nguồn tin địa phương của UAE, sau chuyến thăm của ông Scholz, Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) sẽ cung cấp cho RWE một lô hàng LNG vào cuối năm 2022 sẽ được sử dụng tại trạm nhập khẩu LNG nổi ở Brunsbuttel. ADNOC cũng đã chuẩn bị một số lô hàng LNG khác cho khách hàng Đức để giao hàng vào năm 2023.

Thủ tướng Scholz cho biết các cuộc thảo luận về việc nước này mua LNG và dầu diesel từ UAE đang có những tiến triển trên thực tế. Phát biểu với các phóng viên tại Abu Dhabi, ông Scholz nhấn mạnh Đức sẽ không tiếp tục phụ thuộc vào một nhà cung cấp năng lượng duy nhất.

Ông nêu rõ với những khoản đầu tư đang triển khai và những khoản đầu tư sẽ dần được triển khai trong năm tới, Đức sẽ có cơ sở hạ tầng để đảm bảo nhập khẩu khí đốt, không còn phải phụ thuộc trực tiếp vào một nhà cung cấp duy nhất. Ông cho biết một loạt dự án ở UAE đã đạt tiến bộ về sản xuất cũng như mua khí đốt và dầu diesel.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại