'Điểm yếu chí mạng khiến Mỹ sẽ thua trong một cuộc chiến'

Nguyễn Ngọc |

Không sản xuất đủ đạn dược là yếu tố quyết định khiến Quân đội Mỹ bị thua trong cuộc chiến với một cường quốc quân sự khác.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen vừa qua đã công bố kế hoạch của EU phân bổ 500 triệu euro để mở rộng sản xuất đạn dược ở châu Âu và kế hoạch của Lầu Năm Góc công bố khoản viện trợ mới 300 triệu dollars hỗ trợ quân sự cho Kiev, trong đó trọng tâm cũng sẽ là đạn pháo cho quân đội Ukraine.

Theo giới phân tích Nga, các gói hỗ trợ quân sự mới của Hoa Kỳ và EU trị giá 800 triệu euro là nhằm mục đích bổ sung kho đạn dược theo cỡ nòng của Liên Xô vốn đã cạn kiệt, vì số lượng đạn cỡ nòng của NATO hiện không đủ dùng cho chính các nước phương Tây.

Theo chuyên gia quân sự nổi tiếng của Nga là ông Alexei Leonkov, hiện nay đạn pháo cỡ nòng 155 mm đang rất khan hiếm, không chỉ ở châu Âu mà còn ở Hàn Quốc và Israel, những nước trước đây nhận đạn của Mỹ.

Trong khi đó, giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc và NATO đã nhiều lần thừa nhận rằng, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và châu Âu không thể sản xuất đạn với số lượng lớn trong một thời gian ngắn, nên không thể tiếp tục cấp đạn pháo chuẩn NATO cho Ukraine.

Thực trạng này mới đây đã tiếp tục được nhà phân tích Hal Brands nhắc tới trong bài báo trên trang web của Bloomberg.

Theo chuyên gia Hal Brands, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bộc lộ cho toàn thế giới thấy điểm yếu của ngành công nghiệp quân sự Hoa Kỳ, khiến kho vũ khí của Quân đội Mỹ đang ở trong “tình trạng thê thảm” và điều này có thể khiến Trung Quốc được hưởng lợi.

Vị chuyên gia Mỹ than thở về việc Hoa Kỳ từ chỗ là cường quốc sản xuất vũ khí với số lượng lớn đã biến thành một “cường quốc hạng hai”, khó có thể hỗ trợ đầy đủ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Bài báo cho rằng, những thay đổi trong nền kinh tế Hoa Kỳ sau Chiến tranh Lạnh cũng như việc giảm chi tiêu quân sự và sự mở rộng can thiệp quân sự ở khắp nơi trên thế giới đã dẫn đến sự suy yếu của tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ.

Ngoài ra, chiến lược của Washington và Lầu Năm Góc là chú trọng phát triển vũ khí công nghệ cao với số lượng nhỏ, không mấy quan tâm đến vũ khí thông thường trong một cuộc chiến quy mô lớn, đã khiến Quân đội Mỹ nhanh chóng cạn kiệt những loại trang bị, vũ khí phổ dụng.

Vấn đề này đang trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột ở Ukraine, bởi nước Cộng hòa hậu Xô-viết đang vung vãi đạn dược và vũ khí của Mỹ với tốc độ quá nhanh, mà ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ không đủ khả năng sản xuất để nhanh chóng bổ sung vào kho dự trữ của mình.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, tổ hợp công nghiệp quân sự Hoa Kỳ đang khốn đốn vì thiếu tính cạnh tranh và thiếu tiềm năng tăng trưởng, mà đây chính là những yếu tố cần thiết để Hoa Kỳ có thể sẵn sàng tham gia các cuộc xung đột quân sự lớn.

Brands lập luận rằng, nếu Washington không nhanh chóng giải quyết được vấn đề của tổ hợp công nghiệp-quân sự, thì Hoa Kỳ không những không đủ uy thế răn đe và kiềm chế sự phát sinh một cuộc chiến với một cường quốc khác, mà còn trao cơ hội chiến thắng rất lớn cho đối phương.

Theo vị chuyên gia này, Hoa Kỳ có thể thất bại nếu xảy ra cuộc chiến tranh quy mô lớn chống lại cường quốc quân sự thứ 2 thế giới, quốc gia đang thách thức ảnh hưởng của Mỹ không chỉ ở khu vực tây Thái Bình Dương, mà còn trên toàn thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại