Chiến thắng 4-1 của Tottenham ở Wembley trước Liverpool tháng 10 năm ngoái là một trong số những trận đấu đáng nhớ nhất, không chỉ ở kết quả.
Trận đấu đó đem đến nhiều điều khác, trong đó có việc chấm dứt vận rủi ở Wembley của Spurs, vạch trần những yếu kém của Liverpool đến mức khiến Jurgen Klopp phải nói rằng họ sẽ khá hơn nếu ông chơi ở vị trí trung vệ, cũng như xây dựng vững chắc niềm tin yêu nơi cổ động viên cho Son Heung-min.
Nhưng nó cũng vạch trần một điều khác: Sự lơ đễnh đến kỳ lạ của Tottenham, một di sản mà Mauricio Pochettino chưa thể xóa nhòa. Dẫn 4-1 sau 56 phút, Tottenham sau dường như... cụt hứng. Tới mức Liverpool thậm chí lại là đội có nhiều cút sút trúng đích hơn sau hơn 90 phút.
Ngay cả trong những thời điểm xuất sắc nhất, Tottenham vẫn có nguy cơ sụp đổ.
3 ngày sau, điều tương tự xảy ra khiến Tottenham quẳng đi cách biệt 2-0 khiến họ thua West Ham ở League Cup.
Việc cứ để thua khi trong những tình huống chủ động, hoặc ít ra là không nguy hiểm, khiến họ trả giá nặng nề ở trận vòng 1/16 Champions League trước Juventus và trận bán kết FA Cup trước Manchester United.
Tuần trước, Gà trống thất bại 1-2 dưới tay Watford. Bàn gỡ hòa của Troy Deeney giúp Watford gia tăng sức ép, dẫn đến bàn thắng ấn định tỉ số 2-1 của Craig Cathcart.
Đây là một lỗi sơ đẳng trong một tập thể trông rất đồng đều và có kỷ luật. Thậm chí, lỗi này không chỉ gây ra bởi một cá nhân nhất định. Chỉ đơn giản là Tottenham có một thói quen kỳ cục: Để lọt lưới ở những tình huống vô hại và tự khiến mình chịu sức ép.
Mùa trước, Manchester City chỉ đánh rơi 14 điểm cả mùa; những kẻ năm nay muốn thách thức họ đương nhiên không được phép sai lầm nhiều. Nhưng Tottenham lại sảy chân trước Watford.
Còn một câu chuyện đáng sợ hơn thế ở đằng sau.
Là một tập thể đầy hứa hẹn, Tottenham như một chiếc xe đạp vận hành trơn tru. Nhưng ngay khi có dự cảm họ không tiến lên, ngay khi có người tự hỏi vì sao họ không được trả lương cao hơn các cầu thủ ở CLB khác, và ngay khi họ nghĩ rằng sẽ đến thời điểm họ thực sự giành được danh hiệu, họ ngay lập tức sụp đổ.
Việc Tottenham không ký thêm ai trong mùa hè có thể hiểu theo hai chiều. Có lẽ họ đã quyết định chống lại xu hướng thị trường, quyết định giữ lại một đội hình giàu tiềm năng; hay có lẽ họ đi theo mô hình của Arsenal, phải gia giảm vì số tiền đổ vào chuyển nhượng vì SVĐ mới, một chính sách khiến họ thiếu sự bổ sung ở những vị trí quan trọng.
Tottenham không có lực lượng thực sự dày cho cuộc đua đường dài.
Sau trận thắng 3-0 ở Manchester United, luận điểm đầu có lẽ đã đúng, nhất là sau khi Lucas Moura lập cú đúp. Tất nhiên họ không cần thêm cầu thủ; họ chỉ cần tận dụng tiềm năng của những cầu thủ sẵn có.
6 ngày sau, sau trận thua 1-2 trước Watford, thì luận điểm sau lại đúng: đương nhiên là cầu thủ dần thấm mệt; làm sao có thể được, khi mà việc đội hình thiếu chiều sâu dẫn đến việc họ dốc sức từ trận này qua trận khác?
Harry Kane đã sa sút đáng kể từ sau chấn thương cuối mùa trước. Việc trở thành Vua phá lưới World Cup 2018 của tiền đạo này ít nhiều mang màu sắc may mắn. Và Tottenham không có phương án hữu hiểu để thay thế Kane.
Nếu Spurs tiếp tục xảy ra chuyện gì, người ta sẽ lập tức cho rằng đó là hậu quả của một mùa hè yên ắng trên thị trường chuyển nhượng. Kể cả khi nó chỉ là sự lơ đễnh khiến họ trả giá mùa trước.
Và đó là một lời giải thích nguy hiểm: chẳng gì có thể khiến các cầu thủ đặt câu hỏi về việc liệu đội hình trẻ trung này đã đến lúc xuống dốc hơn là cảm giác không có gì để đầu tư, rằng SVĐ mới giờ đây chẳng khác gì một thứ dùng để đánh lạc hướng.
Trong lúc này, với Tottenham, dường như mỗi trận thua trở thành như hai, đánh thẳng vào không chỉ vị trí trên BXH mà còn vào nền tảng tương lai. Họ không thể lơ đễnh thêm được trước Liverpool, một đội bóng đang thay thế chính Tottenham trong cuộc đua Premier League.
Clip Watford 2-1 Tottenham: