Theo National Interest, quân đội Mỹ liên tục bị mắc kẹt trong các “trò chơi” chiến tranh. Đây là nhận định của nhà phân tích David Ochmanek, thuộc tổ chức nghiên cứu RAND (Mỹ) với phóng viên của Breaking Defense, Sydney Freedberg, Jr.
Nhà phân tích cho rằng Mỹ phải mất tới 24 tỷ USD mỗi năm để giải quyết các vấn đề tồi tệ nhất.
“Hóa ra các siêu vũ khí của Mỹ có quá nhiều gót chân Asin”, ông Freedberg cho hay.
Theo ông Ochmanek, các căn cứ Mỹ rất dễ bị tổn thương khi bị tấn công bằng tên lửa tầm xa. Các tàu chiến Mỹ trên biển cũng vậy.
“Việc chúng ta dựa quá nhiều vào những căn cứ có kết cấu phức tạp như đường băng và các bể chứa nhiên liệu đang trở thành điểm yếu”, ông Ochmanek nói. "Những tàu bè ngoài biển của chúng ta cũng vậy”.
Các lực lượng Mỹ dựa quá nhiều vào những căn cứ lớn, các tàu chiến lớn có thể làm mất đi tác dụng công nghệ cao của những chiếc máy bay tàng hình cất cánh từ căn cứ, từ tàu lớn đó, theo nhận định của Robert Work, cựu thứ trưởng Quốc phòng Mỹ.
“Trong mọi trường hợp mà tôi biết, tiêm kích F-35 sẽ làm chủ bầu trời, nhưng nó sẽ bị tiêu diệt trên mặt đất với số lượng lớn”, ông Work cho hay.
Tình trạng dễ tổn thương ngày càng gia tăng của các lực lượng Mỹ trước việc tấn công bằng tên lửa giải thích vì sao hải quân Mỹ phải đề xuất loại biên một tàu sân bay trước dự kiến hàng chục năm.
Tất nhiên, còn có khả năng nữa là đề xuất loại biên tàu sân bay USS Harry S. Truman là chiêu để moi thêm ngân sách từ quốc hội. Nhưng hai việc này vẫn có thể song song diễn ra và không nhất thiết loại trừ nhau.
Điều mà nhiều chuyên gia quân sự Mỹ đồng ý với nhau là quân đội Mỹ phải xem xét lại các phương pháp hay cách thức họ triển khai binh lực.
Ông Ochmanek ước tính sẽ mất 24 tỷ USD mỗi năm và kéo dài trong vòng 5 năm để chuyển đổi quân đội sang một dạng thức chiến đấu mới nhằm đối chọi với Nga hay Trung Quốc.
“Vậy 24 tỷ USD dành chi cho những gì?”, phóng viên Sydney Freedberg đặt câu hỏi.
Theo ông Ochmanek, đầu tiên là tên lửa. Mỹ và đồng minh thường đánh giá thấp hơn thực tế số lượng vũ khí thông minh mà họ cần cho một cuộc chiến, và rồi khi lâm trận, kể cả với những đối thủ yếu như người Serbia hay Libya, kho vũ khí này đã bắt đầu cạn kiệt.
Chuyên gia Ochmanek cho rằng Nga và Trung Quốc không chỉ bắt kịp về công nghệ mà còn cả về số lượng vũ khí, Mỹ khi đối đầu với họ sẽ nhanh chóng “hết đạn”.
Chuyên gia Ochmanek cho rằng Mỹ đặc biệt cần nhiều tên lửa tấn công tầm xa. Bên cạnh đó là các tên lửa phòng vệ để bắn hạ tên lửa, máy bay và drone của đối phương. Một trong những sửa chữa sai lầm ngắn hạn của Mỹ là việc đưa vào biên chế hệ thống phòng không tầm ngắn mới, các tên lửa Stinger gắn trên xe chiến đấu bọc thép Stryker.
Về dài hạn, đó là đầu tư cho vũ khí laser, súng từ trường, sóng cao tần, giúp bắn hạ tên lửa đối phương mà ít tốn kém hơn rất nhiều.
Theo vị chuyên gia, Mỹ cũng sẽ phải củng cố hệ thống chỉ huy và kiểm soát. "Điều đó bao gồm tất cả mọi thứ, từ các bảng dữ liệu chống kẹt cho đến thiết bị tác chiến điện tử trên máy bay chiến đấu và tàu chiến," ông Freedberg giải thích.
Theo chuyên gia, Lầu Năm Góc có thể cắt giảm chi phí cho những cải cách này bằng cách xóa bỏ các vũ khí lớn, dễ bị tổn thương.