Chuộng giao dịch và gia tăng bảo hộ
Dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, nước Mỹ sẽ mang tính giao dịch và bảo hộ nhiều hơn. Một trong những đặc điểm nổi bật của nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump là không thể đoán trước, và dự báo duy nhất mà chúng ta có thể đưa ra lúc này là chính sách thương mại của ông sẽ vẫn không thể đoán trước.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những dấu hiệu từ chiến dịch tranh cử, chúng ta chắc chắn có thể dự đoán rằng nhiệm kỳ Trump 2.0 sẽ tập trung vào việc gia tăng thuế quan. Tổng thống đắc cử Mỹ đã tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, với những gợi ý rằng mức thuế này thậm chí có thể cao hơn nữa.
Những bình luận của ông về việc áp dụng mức thuế 10-20% đối với hàng hóa cũng gây lo ngại tương tự cho các quốc gia khác. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump (2017-2021), hành động này nhắm thẳng vào Trung Quốc vì các hoạt động thương mại mà ông Trump cho là không công bằng. Tuy nhiên, lần này áp lực và chỉ trích sẽ được mở rộng ra các quốc gia khác.
Với tính cách luôn muốn đạt được giao dịch, ông Trump có thể sử dụng mối đe dọa về thuế quan như một phương tiện để đảm bảo các đối tác khác của Mỹ nhượng bộ - cho dù đó là yêu cầu họ đóng góp nhiều hơn cho các bảo đảm phòng thủ của Mỹ, như Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm, hoặc thúc đẩy các thị trường giảm rào cản thương mại đối với sản phẩm từ Mỹ.
Ông cũng có thể sử dụng thuế quan như một công cụ mặc cả để khuyến khích các quốc gia khác đa dạng hóa mối quan hệ thương mại với các đối tác ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, Trump 2.0 có thể sẽ chú ý hơn đến các công ty Trung Quốc sử dụng các quốc gia thứ ba để chuyển hướng dòng chảy thương mại của họ sang Mỹ.
Nếu dựa vào các tuyên bố của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, cuộc chiến thương mại đầu tiên có thể chỉ được coi là "chiến tranh thương mại nhẹ".
Lần này, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế vượt quá 60% và đã thảo luận về việc áp đặt chúng đối với các quốc gia khác mà ông cho là đang giao dịch không công bằng với Mỹ. Các biện pháp như vậy có thể có tác động mạnh mẽ đến lạm phát, đẩy giá trong nước lên cao và gây ra các hiệu ứng lan tỏa trên toàn cầu.
Mặc dù Trung Quốc có thể chuẩn bị tốt hơn cho Chiến tranh thương mại 2.0, nhưng "chuẩn bị tốt hơn" không nhất thiết có nghĩa là nước này có khả năng vượt qua cơn bão hoàn toàn.
Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn với các điều chỉnh kinh tế, bao gồm cả việc hạ nhiệt giá bất động sản và gia tăng các cuộc khủng hoảng nợ ở chính quyền các địa phương. Ngoài ra, nhiều công ty đã tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ để ứng phó với cuộc chiến thương mại đầu tiên và đại dịch COVID-19. Xu hướng đa dạng hóa này có khả năng sẽ tăng tốc hơn nữa khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Tuy nhiên, ông Trump có thể sẵn sàng xóa bỏ thuế quan, miễn là các công ty Trung Quốc thiết lập hoạt động tại Mỹ. Ví dụ, ông đã bày tỏ mong muốn chào đón các nhà sản xuất ô tô điện, miễn là các nhà máy được thành lập ở Mỹ.
Vị trí Ngoại trưởng: Điều thú vị trong lựa chọn nội các
Về việc lựa chọn nội các, việc Tổng thống đắc cử Trump lựa chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho vị trí Ngoại trưởng là điều thú vị. Ông Rubio là người ủng hộ mạnh mẽ cho nền dân chủ và có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, Iran, Venezuela và Cuba.
Điều này trái ngược phần nào với ông Donald Trump, người thường xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các nhà lãnh đạo bất kể hệ thống chính trị của quốc gia họ.
Tuy nhiên, tôi dự đoán ông Rubio sẽ áp dụng cách tiếp cận mang tính hòa giải và thực dụng hơn trong một số lĩnh vực nhất định. Ví dụ, ông đã bỏ phiếu chống lại dự luật cung cấp 62 tỷ USD viện trợ cho Ukraine vào đầu năm nay.
Cố vấn an ninh quốc gia được ông Trump lựa chọn là Michael Waltz cũng có chung quan điểm và kêu gọi Mỹ chuyển hướng tập trung khỏi Ukraine và Gaza, đồng thời quay trở lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là ông Trump có thể thực hiện lời hứa của mình - hoặc ít nhất là cố gắng thực hiện - rằng ông sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức.
Người được Trump lựa chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng, Pete Hegseth, khó đánh giá hơn vì ông không có kinh nghiệm chính trị trước đó. Tuy nhiên, người dẫn chương trình của Fox News này luôn ủng hộ Israel và có lập trường cứng rắn đối với Iran.
Như tôi đã đề cập trước đây, tính không thể đoán trước là một thành phần cốt lõi trong sự lãnh đạo của ông Donald Trump và các chính sách của ông có thể vẫn khó dự đoán. Mặc dù ông đã vận động tranh cử với tư cách là một tổng thống vì hòa bình, dựa trên các cuộc bổ nhiệm của mình, tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và Iran, cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa đối với Israel.
Điều này có thể làm gia tăng căng thẳng toàn cầu, làm tăng khả năng xảy ra xung đột. Ngoài ra, không thể loại trừ khả năng sử dụng vũ lực với Venezuela. Ông Trump đã ám chỉ điều này vào cuối nhiệm kỳ trước của mình, trong khi ông Marco Rubio là từng đưa ra chỉ trích nhắm vào Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro.
Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Về vấn đề Biển Đông, nhiệm kỳ Tổng thống Trump 2.0 với sự tuân thủ chính sách "nước Mỹ trên hết" và tính khó lường, đề cao giao dịch và ưu tiên chủ nghĩa song phương hơn chủ nghĩa đa phương, giống như một con dao hai lưỡi.
Một mặt, ông Trump dự kiến sẽ có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và thúc đẩy lợi ích của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những lợi ích này bao gồm thúc đẩy luật pháp quốc tế, tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ và kiên quyết bác bỏ các yêu sách đơn phương về vấn đề chủ quyền.
Chính quyền của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên đã đưa ra khái niệm "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" và kiên quyết bác bỏ yêu sách Đường 9 đoạn của Bắc Kinh. Cách tiếp cận này đã được thúc đẩy hơn nữa trong chính quyền Tổng thống Joe Biden, thúc đẩy sự tham gia sâu hơn của Mỹ vào khu vực.
Tuy nhiên, mặt trái của điều này là sự không chắc chắn mà ông Trump mang lại. Bất chấp phát ngôn cứng rắn của mình về Trung Quốc, ông Trump đã vun đắp mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Với tính cách ưa thích các giao dịch của ông Trump, các quốc gia liên quan ở Biển Đông có thể lo ngại rằng ông có thể bị Trung Quốc tác động để đổi lấy lợi ích ngắn hạn.
Chính quyền Trump trước đây cũng dễ dao động - tăng cường các phát ngôn mạnh mẽ trong một thời điểm nhưng lại hạ nhiệt vào thời điểm tiếp theo. Sự không nhất quán này có thể gây ra lo lắng đáng kể cho các quốc gia liên quan ở khu vực.
Cuối cùng, sự tập trung của ông Trump vào lợi ích ngắn hạn và sự sẵn sàng tham gia vào các giao dịch có đi có lại với các đối thủ có thể làm suy yếu các nỗ lực duy trì môi trường an ninh ổn định và có thể dự đoán được ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nicholas Chapman là nhà nghiên cứu chuyên về kinh tế chính trị quốc tế của Việt Nam, chính sách đối ngoại và lịch sử của Việt Nam. Ông cũng nghiên cứu rộng hơn về các vấn đề an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nhập cư. Ông làm việc tại Đại học Tohoku ở Sendai, Nhật Bản.