Điểm chuẩn sẽ tăng
Phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia 2017, ThS Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM - cho rằng, phổ điểm tập trung lớn ở mức 4-6 điểm.
Với số lượng TS đăng ký và phổ điểm thì mức điểm sàn có thể không thay đổi so với năm 2016.
“Về điểm chuẩn, với các trường top trên nguồn tuyển sẽ dồi dào hơn nên điểm chuẩn có thể sẽ tăng, mức tăng có lẽ sẽ không quá 2 điểm. Phổ điểm có độ dốc tương đối nên thay đổi chỉ 0,25 điểm thôi cũng sẽ có rất đông TS bị ảnh hưởng.
Do vậy, theo cá nhân tôi thì điểm chuẩn có thể ở mức lẻ. Đặc biệt, sẽ có ảnh hưởng nhiều với các khối B và D” - ThS Phạm Thái Sơn cho biết.
Chung quan điểm, ThS Trương Tiến Sĩ - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TPHCM - cho rằng, năm nay các trường thuộc top trên sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn bởi lượng TS đạt điểm trên 21 rất nhiều, không ít TS đạt điểm từ 24-25 điểm.
Các trường thuộc top giữa cũng không lo bị thiếu TS. Tuy nhiên, điểm chuẩn vào các trường top trên sẽ biến động, có thể tăng 1-2 điểm tùy ngành.
Theo PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - ĐH Bách Khoa quan tâm những TS đạt từ 7 điểm trở lên. Tuy nhiên, nhìn theo phổ điểm có thể thấy số lượng TS đạt điểm này tương đối lớn.
Đặc biệt, các cột điểm đặt liền kề nhau, ví dụ từ 7 điểm - 7,2 điểm đều có số lượng TS nhiều gần bằng nhau (môn toán có hơn 20.000 em). Điều này thể hiện sự phân hóa không rõ nét ở thí sinh có điểm cao.
Theo ông Tớp, nhận định chung, mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái có thể dẫn đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm chuẩn sẽ tăng, đặc biệt là ở các
ngành “hot”.
Với khối trường quân đội, đại tá Vũ Xuân Tiến - Thư ký Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) - cho rằng năm nay điểm tổ hợp các môn khối B có dấu hiệu tăng nhẹ nên có thể điểm chuẩn các trường khối quân đội sẽ bằng hoặc nhích hơn so với năm trước.
Nhận định này giống với nhận định của thượng úy Nguyễn Mạnh Tuấn - Thư ký Hội đồng tuyển sinh Tổng cục Chính trị Công an nhân dân (Bộ Công an) - đối với điểm chuẩn các trường công an nhân dân.
Nên cộng thêm từ 1,5 - 2 điểm đăng ký xét tuyển
Để “chắc ăn” TS nên chủ động tăng số nguyện vọng và tăng thêm điểm so với điểm chuẩn năm trước để đăng ký là lời khuyên của nhiều chuyên gia tham gia tư vấn xét tuyển.
PGS-TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - cho biết, để chắc chắn hơn cơ hội vào các ngành của trường, TS cần cộng thêm từ 0,5 đến 1 điểm vào mức điểm chuẩn của năm 2016 trước khi quyết định đăng ký xét tuyển.
Ông Triệu cũng khuyên, các TS có thể đặt thật nhiều nguyện vọng, thậm chí 25 mã ngành có thể là 25 nguyện vọng.
Còn theo tiến sĩ Phạm Mạnh Hà - Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - TS có 1 công thức căn cứ để dự đoán số điểm chuẩn như sau: Nhìn vào phổ điểm năm nay có thể thấy, khối D có điểm trung bình cao hơn năm ngoái 3 điểm, khối C cao hơn 2 điểm, khối A cơ bản được giữ nguyên, khối A1 tăng từ 1,5 đến 2 điểm.
Như vậy, TS tính toán chắc chắn thì hãy căn cứ vào điểm chuẩn năm ngoái để cộng thêm từ 1,5 đến 2 điểm. TS cũng có thể cộng thêm 0,5 - 1 điểm để có phương án trung bình. Lúc đó, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội đỗ hơn.
Tiến sĩ Phạm Thu Hương - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương - cho hay, ngay sau khi bộ công bố phổ điểm, trường đã thực hiện phân tích phổ điểm và nhận thấy ở ngưỡng điểm 8 trở lên số lượng nhiều hơn năm 2016.
Đặc biệt, ở mỗi mức điểm trong khoảng này thì số lượng TS đạt được đều tương đối lớn. Do đó, ĐH Ngoại thương dự kiến điểm chuẩn năm 2017 của trường có thể sẽ nhỉnh hơn một chút chứ không quá đột biến so với năm 2016.
Bà Hương khuyên các TS ngoài việc đăng ký nguyện vọng mong muốn cũng phải dự phòng thêm một nguyện vọng khác để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.
Gợi ý cách tính điểm, PGS-TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT - cho hay: Hiện nay phổ điểm được Bộ GDĐT công bố mới chỉ là phổ điểm chung.
Sau ngày 12.7, khi có điểm sàn, Bộ GDĐT sẽ có phổ điểm chi tiết hơn với từng khối.
Không nhất thiết phải vào Đại học bằng mọi giá
Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng Khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - nhận định: Chưa bao giờ cơ hội vào ĐH cao như năm nay.
Miễn TS đỗ tốt nghiệp là có cơ hội đỗ ĐH. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bằng mọi giá vào ĐH dù là ngành nghề, trường không yêu thích.
Theo nghiên cứu, có 15-20% sinh viên học năm đầu tiên bỏ học để thi lại. Có rất nhiều thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp hoặc làm công việc yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp.
Vì thế, các bậc phụ huynh, TS hãy sáng suốt lựa chọn hướng đi thật đúng đắn.
TUỆ NHI