Từ danh sách này, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý dưới các góc độ khác nhau. Ở góc độ thứ nhất, chỉ với 22 thị trường này (trong hơn 150 thị trường) đã có kim ngạch đạt 69,42 tỷ USD, chiếm trên 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Điều này chứng tỏ, cùng với việc mở rộng thị trường, cần tập trung khai thác các thị trường vừa lớn, vừa đã có hiểu biết, vì việc tăng/giảm xuất khẩu vào các thị trường này là động lực của tăng trưởng chung.
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Ở góc độ thứ hai, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu của 22 thị trường này đã tăng 6,6%- cao hơn tốc độ tăng chung (5,7%), nhưng vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng cả năm (10%) theo Nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh những thị trường tăng, trong đó có những thị trường tăng khá cao (như Hàn Quốc tăng 40,3%, Hà Lan tăng 28,1%, Philippines tăng 17,4%, Trung Quốc tăng 13,9%, Hoa Kỳ tăng 13,8%, Thái Lan tăng 13,6%, Italia tăng 12,1%, Áo tăng 10%, Anh tăng 9,9%...); cũng có một số thị trường giảm, trong đó giảm sâu (như Singapore giảm 38,3%, Malaysia giảm 25,4%, Australia giảm 17%, Campuchia giảm 12%, Indonesia giảm 11,6%...).
Ở góc độ thứ ba, việc “phân bổ” thị trường có một số điểm nhấn. Hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã là thị trường lớn của Việt Nam.
Số thị trường đông nhất là châu Á (12), chủ yếu là Đông Nam Á (6), tiếp đến là châu Âu (7), châu Mỹ (2), châu Úc (1); tuy nhiên không có châu Phi, không có các nước Đông Âu- là thị trường truyền thống và Nam Mỹ.
Ở góc độ thứ tư, trong 22 thị trường lớn trên, Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 14 thị trường, lớn nhất là Hoa Kỳ 13.117 triệu USD, tiếp đến là Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 2.586 triệu USD, Hà Lan 2.456 triệu USD, Hong Kong 2.223 triệu USD, Anh 2.050 triệu USD, Đức 1.631 triệu USD, Canada 1.038 triệu USD, Áo 1.030 triệu USD, Italia 913 triệu USD, Pháp 846 triệu USD, Tây Ban Nha 836 triệu USD, Campuchia 644 triệu USD, Philippines 637 triệu USD.
Tuy nhiên, Việt Nam nhập siêu lớn từ các thị trường Trung Quốc 14.050 triệu USD (tuy giảm 1.918 triệu USD), Hàn Quốc 9.642 triệu USD, Đài Loan 4.327 triệu USD, Thái Lan 2.025 triệu USD, Singapore 1.496 triệu USD, Malaysia 1.128 triệu USD (tăng 861 triệu USD)...
Mặc dù đạt quy mô lớn, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường trên vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng kim ngạch nhập khẩu vào các thị trường này.