Những ngày qua, bộ phim truyền hình phát sóng trên kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam, mang tên "Đi giữa trời rực rỡ" nhận được sự quan tâm và chú ý đông đảo của khán giả. Bộ phim ghi nhận lượt xem khủng và được đánh giá là nổi bật nhất tuần trên nhiều nền tảng.
Bên cạnh nội dung phim hấp dẫn, bối cảnh thực hiện những cảnh quay trong phim cũng khiến nhiều người tò mò. Không chỉ có những cánh đồng, thảo nguyên xanh bát ngát, nơi này còn sở hữu những khu rừng nguyên sinh, những ngọn núi trùng điệp hùng vĩ hay những con suối, con thác mang dòng nước mát lành. Ít ai biết rằng, thực tế, không nằm ở đâu quá xa xôi, địa điểm này nằm ngay ở khu vực phía Bắc nước ta, cách thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 280km.
Cảnh sắc Cao Bằng hiện lên tuyệt đẹp trong bộ phim truyền hình gây sốt gần đây "Đi giữa trời rực rỡ" (Ảnh chụp màn hình)
Đó là Cao Bằng - địa phương thuộc Đông Bắc Bộ, giáp các địa phương miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Với địa hình bao gồm các cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất tự nhiên, cùng với hệ sinh thái động, thực vật đa dạng với các rừng rậm nguyên sinh, 2 con sông lớn là sông Gâm và sông Bằng Giang, Cao Bằng được đánh giá là địa phương tiềm tiềm năng để phát triển du lịch theo hướng thiên nhiên. Thậm chí nhiều du khách nhận xét, đây là địa phương có phong cảnh "sơn thuỷ hữu tình".
Ngoài ra, Cao Bằng còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em như dân tộc Tày (chiếm hơn 40%), dân tộc Nùng (chiếm gần 30%), dân tộc Mông (chiếm hơn 10%), dân tộc Dao (chiếm hơn 10%), dân tộc Sán Chay, Lô Lô cùng nhiều dân tộc thiểu số khác. Bởi vậy, nền văn hóa tại Cao Bằng còn vô cùng đa dạng, đậm đà, mang nhiều nét đặc sắc của các dân tộc khác nhau.
Bởi những yếu tố trên, du khách khi tới Cao Bằng vừa có thể hòa mình vào với thiên nhiên, tận hưởng bầu không khí trong lành, vừa có thêm cơ hội tìm hiểu thêm về những văn hóa vùng miền. Đặc biệt là vào những dịp lễ hội.
Nên du lịch Cao Bằng bao lâu?
Theo thông tin từ các đơn vị cung cấp du lịch, hiện nay hành trình phổ biến nhất để du khách khám phá Cao Bằng là từ 3-4 ngày, thậm chí có thể kéo dài lâu hơn, tùy vào nhu cầu và điều kiện của du khách, và nếu du khách muốn trải nghiệm nhiều điểm đến, hoạt động hơn.
Từ thủ đô Hà Nội, du khách có thể lựa chọn đến Cao Bằng bằng xe máy, ô tô hoặc xe khách, đi theo hướng cao tốc rồi nối ra theo quốc lộ 4 hoặc quốc lộ 3. Đoạn đường tuy bằng phẳng nhưng vẫn có nhiều đoạn quanh co, vì vậy thời gian di chuyển vào khoảng 5-7 giờ đồng hồ.
Cũng theo lời khuyên từ những du khách có kinh nghiệm, để khám phá được những điểm đến đẹp ở Cao Bằng, khi tới thành phố, tốt nhất du khách nên thuê xe máy. Đây là phương tiện lý tưởng nhất, giúp du khách có thể chủ động trên hành trình của mình, đồng thời dễ dàng tới những nơi có địa hình đặc thù, đường nhỏ như các hang động, thảo nguyên, thung lũng...
Trải nghiệm gì ở Cao Bằng?
Tham quan các điểm đến
Đến Cao Bằng, du khách có thể tham khảo loạt điểm đến nổi tiếng, gắn liền với bản sắc địa phương. Có thể kể tới như thác Bản Giốc, hang động Ngườm Ngao, núi Mắt Thần, đồi cỏ Ba Quáng hay vườn hạt dẻ ở Trùng Khánh... Trong đó, thác Bản Giốc, hang động Ngườm Ngao hay núi Mắt Thần được đánh giá là những điểm đến "không thể bỏ lỡ", nếu chưa tới thì có nghĩa là chưa du lịch Cao Bằng.
Hang động Ngườm Ngao hay núi Mắt Thần là những điểm đến nổi bật nhất ở Cao Bằng (Ảnh Cục Du lịch Việt Nam)
Đồi cỏ Ba Quáng là một địa điểm mới, thu hút sự quan tâm của các du khách - chủ yếu là du khách trẻ qua những bức hình đăng tải trên mạng xã hội. Nơi đây có thảo nguyên rộng lớn, phù hợp cho hoạt động dã ngoại, cắm trại tự túc. Ngoài ra vào thời điểm từ bây giờ cho đến hết tháng 9, nhiều du khách truyền tai nhau về trải nghiệm săn mây mà không cần tốn quá nhiều công sức.
Còn đến với vườn hạt dẻ ở Trùng Khánh, đúng như tên gọi, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng nơi được ví như "thủ phủ của hạt dẻ". Không chỉ tham quan, tìm hiểu về quy trình trồng hạt dẻ của người địa phương, du khách có thể thu hoạch hạt dẻ, mang về làm quà cho bạn bè, người thân. Hoạt động này được đánh giá là rất phù hợp với các nhóm du khách gia đình, có trẻ nhỏ.
Hòa mình vào văn hóa bản địa
Nếu vừa muốn tham quan cảnh vật, vừa muốn tìm hiểu, hoà mình vào văn hoá bản địa của cộng đồng người dân tộc, du khách nên ghé thêm tới những bản làng giàu bản sắc. Tại đây, du khách sẽ được lưu trú trong nhà của người dân, tham gia các buổi biểu diễn dân ca, dân vũ, các hoạt động lễ hội, thậm chí mặc lên mình những trang phục truyền thống, cùng người dân làm những công việc lao động, sản xuất rất thường ngày. Đây chắc chắn sẽ là những trải nghiệm mới lạ, độc đáo, để lại nhiều ấn tượng.
Ở Cao Bằng, có rất nhiều làng bản hội tụ đủ các yếu tố trên dành cho du khách. Ví dụ như một số cái tên sau đây: Làng Tày cổ bản Giuồng, Làng nghề vẽ bằng sáp ong Hoài Khao, làng đá Khuổi Ky, làng nghề rèn Pác Rằng...
Thưởng thức ẩm thực
Hành trình sẽ không thể trọn vẹn nếu như thiếu đi trải nghiệm ẩm thực Cao Bằng. Nằm ở khu vực miền núi phía Bắc, những món ăn đặc trưng của mảnh đất này chắc chắn là những món ăn mang đậm hương vị núi rừng, thiên nhiên. Bao gồm ong non xào măng, gà, lợn rừng, xôi ngũ sắc, cá trầm hương, bún khô 8 màu...
Đặc biệt, ở Cao Bằng còn có một đặc sản nghe tên vừa lạ mà lại vừa quen du khách nên thử thưởng thức, đó là phở chua. Cũng sử dụng phở như bao món phở khác, tuy nhiên đây là loại bánh phở dai, khi ăn sẽ ăn cùng thịt ba chỉ rán giòn màu vàng sậm, gan lợn cắt mỏng, dạ dày chiên và thịt vịt quay.
Ở nhiều nhà hàng, ăn kèm phở chua còn có khoai tầu thái sợi chiên giòn - loại khoai củ to, bở và vị ngọt, chỉ xuất hiện ở Bắc Kạn và Cao Bằng.
Từ tháng 8 này trở đi là thời điểm được đánh giá là lý tưởng để tới Cao Bằng. Bởi là mùa nước đổ, các thác nước nhiều nước, nước trong và mát lành. Còn những cánh đồng ruộng bậc thang thì dần chuyển sang màu áo mới, màu của mùa vàng.