Theo hãng thông tấn BelTA ngày 10-12, Tổng thống Belarus tuyên bố như thế trong phiên hỏi đáp với các công nhân nhà máy.
Ông Lukashenko nói: "Tôi đã mang đầu đạn hạt nhân đến Belarus. Không chỉ một vài đầu đạn". Ông Lukashenko cũng bác bỏ mọi sự hoài nghi, lưu ý rằng những người nghi ngờ sự hiện diện của vũ khí hạt nhân ở nước này "thậm chí còn không nhận ra chúng tôi đã mang chúng đến đây như thế nào".
Phát ngôn mới nhất của ông Lukashenko được đưa ra sau các cuộc điều tra về kế hoạch triển khai tổ hợp tên lửa Oreshnik của Nga tại Belarus. Mặc dù, bản thân hệ thống Oreshnik không được phân loại là hạt nhân nhưng nó sở hữu hỏa lực đáng kể.
Theo đài RT, Oreshnik là hệ thống tầm trung với các tên lửa có khả năng mang đầu đạn động năng tấn công với tốc độ siêu thanh. Sau khi Ukraine tiến hành một số cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp, Moscow đáp trả bằng đợt tấn công vào một cơ sở phòng thủ ở tỉnh Dnepropetrovsk bằng Oreshnik.
Thảo luận về những tác động của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, ông Lukashenko nhấn mạnh việc sử dụng vũ khí hạt nhân là một trách nhiệm lớn. Ông Lukashenko gợi nhớ lại chuyện cũ: "Kể từ vụ ném bom Hiroshima và Nagasaki, không ai dám nhấn nút sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngay cả những quốc gia hùng mạnh nhất cũng không dám, chứ đừng nói đến Belarus".
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Belarus cảnh báo các đối thủ không được vượt qua biên giới Belarus, bởi vì bất kỳ hành động xâm lược nào cũng sẽ phải đối mặt với phản ứng ngay lập tức, bất kể sử dụng loại vũ khí nào.
"Chúng tôi đã đồng ý về điều này với người Nga, ngay cả trước khi họ trả lại vũ khí hạt nhân cho chúng tôi. Đây không phải là vũ khí mà chúng tôi đã cung cấp cho họ; đó là vũ khí chiến lược. Đây là vũ khí hạt nhân chiến thuật, có lẽ mạnh hơn Oreshnik gấp 5 lần" - ông Lukashenko nói thêm.
Trong chuyến thăm tới TP Borisov vào ngày 10-12, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko đã tiết lộ nơi các hệ thống tên lửa Oreshnik của Nga sẽ được bố trí tại Belarus.
Ông Lukashenko cho biết: "Chúng tôi đã cân nhắc kỹ. Bây giờ chúng tôi đang chọn địa điểm để triển khai các loại vũ khí này. Trước đây, chúng tôi từng triển khai các tên lửa hạt nhân chiến lược. Chúng tôi có khoảng 30 địa điểm. Chúng tôi sẽ chọn những địa điểm gần nhất với các mục tiêu".
Tuyên bố của ông Lukasheko được đưa ra ngay sau khi một hiệp ước an ninh được ký kết giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Lukashenko, cho phép cả hai quốc gia sử dụng mọi phương tiện có sẵn để phòng thủ chung.
Sau cuộc gặp, ông Putin chỉ ra rằng các hệ thống tên lửa Oreshnik có khả năng sẽ được triển khai tại Belarus vào năm tới, tùy thuộc vào việc chúng có được tích hợp vào năng lực quân sự chiến lược của Nga hay không.
Cũng theo hãng thông tấn BelTA, Phó Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Belarus Sergei Lagodyuk khẳng định quyết định triển khai hệ thống tên lửa Oreshnik là phản ứng đáp trả hành động của Mỹ và Đức triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu.