Điểm nhấn trong báo cáo của Mueller và tương lai của Tổng thống Trump

Kiều Anh |

Dưới đây là những điểm nhấn trong họp báo công khai báo cáo của công tố viên đặc biệt Mueller và tương lai chính trị của Tổng thống Trump.

Chính trường Mỹ đang trải qua những ngày xôn xao khi kết quả cuộc điều tra trong gần 2 năm của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về việc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 được công bố.

Dưới đây là những điểm nhấn trong cuộc họp báo công khai báo cáo dài hơn 300 trang của ông Mueller mà Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr vừa tổ chức sáng 18/4 (giờ địa phương).

Bộ trưởng Tư pháp đã dẹp bỏ nhiều trở ngại cho ông Trump

Có một điều kỳ lạ là tại sao Bộ trưởng Tư pháp William Barr lại là người đầu tiên tổ chức họp báo để thảo luận về bản báo cáo này mặc dù văn phòng Cố vấn Nhà Trắng và các luật sư riêng của Tổng thống Trump đều đã đọc nó.

Phải chăng ông Barr muốn sắp xếp mọi thứ theo hướng có lợi cho Tổng thống Trump? Trong bản tóm tắt báo cáo của công tố viên Mueller trước đó, người đứng đầu Bộ Tư pháp cũng khẳng định rằng theo báo cáo này, không có đủ bằng chứng để kết luận chính phủ Nga đã can thiệp bất hợp pháp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, cũng như chiến dịch của Tổng thống Trump và những ứng viên khác đều không liên quan đến các kế hoạch can thiệp này.

Ông Barr cũng cho biết Tổng thống Trump và Nhà Trắng hợp tác tích cực với văn phòng của công tố viên đặc biệt, thậm chí cả khi ông Trump nhiều lần chỉ trích ông Mueller. Bộ trưởng Tư pháp khẳng định, dù ông cho phép văn phòng của Cố vấn Nhà Trắng và các luật sư cá nhân của Tổng thống Trump đọc báo cáo này nhưng họ không thể điều chỉnh bất cứ thông tin nào và họ cũng không hề yêu cầu điều ấy.

Rõ ràng, ông Barr đã làm chính xác những gì Tổng thống Trump muốn trong cuộc họp báo này. Ông nhấn mạnh đến việc thiếu chứng cứ đối với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử. Ông cũng cảnh báo trước về cách ông Mueller định nghĩa sự cản trở luật pháp. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cũng khắc họa Tổng thống Trump như một đối tác sẵn sàng hợp tác với công tố viên đặc biệt và không che giấu điều gì.

Chủ đề tranh luận của bản báo cáo

Bộ trưởng Tư pháp Barr cho biết ông Mueller đã đưa ra 10 trường hợp trong cuộc điều tra mà Tổng thống Trump có khả năng bị buộc tội cản trở luật pháp. Tuy nhiên, ông Barr cũng nói rằng ông và Thứ trưởng Rod Rosenstein có một số bất đồng về cách ông Mueller giải thích một số trường hợp về sự cản trở luật pháp.

"Mặc dù Thứ trưởng và tôi bất đồng với một số định nghĩa pháp lý của công tố viên đặc biệt và cảm thấy một số trường hợp không đến mức trở thành tội cản trở luật pháp nhưng chúng tôi sẽ không hoàn toàn dựa vào điều này để đưa ra quyết định", ông Barr khẳng định.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cũng lý giải về cách hành xử của Tổng thống Trump khi ông Trump chỉ trích Robert Mueller và đội ngũ của công tố viên đặc biệt này, rằng Tổng thống Mỹ đã phải đối diện với một "tình thế chưa từng có tiền lệ".

"Khi báo cáo của ông Mueller được công khai, nhiều bằng chứng cho thấy Tổng thống đã giận dữ và không hài lòng với cuộc điều tra bởi ông ấy cho rằng cuộc điều tra do các đối thủ chính trị của ông ủng hộ này sẽ làm ảnh hưởng xấu tới vị trí Tổng thống của ông và làm rò rỉ bất hợp pháp các tài liệu quan trọng".

Trump vẫn là Trump

Với những ai cho rẳng Tổng thống sẽ ngồi cả ngày để thảo luận với các luật sư và tránh xa mạng xã hội khi bản báo cáo của ông Mueller được công bố thì Tổng thống Trump cho thấy họ đã sai. Vài giờ trước khi báo cáo được công bố, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump liên tục đăng thông tin chỉ trích cuộc điều tra, gọi đó là đòn "quấy rối Tổng thống". Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố bản thân đang có một ngày tốt lành và khẳng định báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller cho thấy ông "không câu kết, không cản trở". Ông cũng cho rằng điều này không bao giờ nên xảy ra với một Tổng thống khác.

Donald Trump đã bước vào Nhà Trắng bằng cách nói và làm những điều mà không chính trị gia nào và rất ít người có thể nói và làm như vậy. Báo cáo của công tố viên đặc biệt Mueller cũng không phải là ngoại lệ và mạng xã hội của Tổng thống Trump sẽ tiếp tục "nóng" trong những ngày này.

Giải thích về sự "không cấu kết"

Trong một bản tóm tắt báo cáo của công tố viên đặc biệt Mueller về sự "cấu kết" giữa Nga và chiến dịch của Tổng thống Trump, tài liệu này đã nhận định:

"Mặc dù cuộc điều tra cho rằng chính phủ Nga sẽ có lợi khi ông Trump trở thành Tổng thống, cũng như chiến dịch của ông Trump được cho là sẽ có lợi từ những thông tin mà Nga đánh cắp và công khai, nhưng cuộc điều tra không thể kết luận rằng các thành viên trong chiến dịch của ông Trump cấu kết hay thông đồng với chính phủ Nga trong các hành động can thiệp bầu cử".

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những gì ông Mueller phát hiện sau đó là, mặc dù Nga tìm cách can thiệp bầu cử theo hướng có lợi cho Trump bởi họ nhận thấy sẽ đạt được lợi ích từ điều này và đội ngũ trong chiến dịch của Tổng thống Trump hiểu rõ những thông tin về bà Hillary Clinton bị rò rỉ sẽ giúp ông Trump tăng khả năng thắng cử nhưng hai bên không cấu kết hay thông đồng với nhau bởi 2 bên này đều hoạt động một cách độc lập.

Dù ông Trump và đội ngũ của ông "hân hoan" với những thông tin tiêu cực về bà Clinton nhưng họ không chủ động yêu cầu Nga điều tra các thông tin này. Trong khi đó, Nga muốn ông Trump thắng cử vì lợi ích riêng của họ thì nước này cũng không trao đổi ý định này với ông Trump và đội ngũ của ông.

Điểm mấu chốt của kết luận "không cấu kết, không thông đồng" là trong khi mọi thứ liên quan đến điều này vẫn tiếp diễn thì không có bằng chứng thực sự nào giữa hai bên cho thấy Nga can thiệp bầu cử để giúp ông Trump và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy đội ngũ của ông Trump thực sự tiếp nhận những nỗ lực này.

Sự phức tạp trong cáo buộc cản trở luật pháp

Phần thứ hai trong bản báo cáo của ông Mueller là giải quyết câu hỏi về việc liệu Tổng thống Trump có cản trở luật pháp hay không. Trong khi ông Muller không đưa ra thông tin cụ thể nào về vấn đề này thì công tố viên đặc biệt Mueller đã tiết lộ một loạt các sự kiện chưa từng công khai trước đó cho thấy khá rõ ràng rằng Tổng thống đã tìm cách để chuyển hướng cuộc điều tra.

Báo cáo của công tố viên đặc biệt Mueller khẳng đinh: "Dựa trên các thông tin và tiêu chuẩn pháp lý được áp dụng hiện nay, chúng tôi không thể kết luận là Tổng thống đã phạm tội cản trở luật pháp. Báo cáo này không kết luận Tổng thống phạm tội nhưng cũng không cho rằng ông ấy vô tội".

Câu hỏi "Tại sao ông Mueller không buộc tội Tổng thống Trump cản trở luật pháp " là một vấn đề phức tạp. Ông Mueller đã chỉ ra một số nhân tố khiến cuối cùng ông không thể đưa ra tuyên bố buộc tội này.

Công tố viên đặc biệt cho biết dù không có ưu tiên nào với Tổng thống Trump trong cáo buộc cản trở luật pháp nhưng ông Mueller cũng thừa nhận rằng việc thiếu chứng cứ trong điều tra chính phủ Nga và chiến dịch tranh của của ông Trump thông đồng với nhau khiến cáo buộc này trở nên khó khăn hơn để kết tội. Nhiều quan chức cấp cao bị Tổng thống Trump sa thải, trong đó đáng chú ý nhất là Giám đốc FBI James Comey song trên thực tế hành động này vẫn nằm trong quyền hạn của Tổng thống.

Báo cáo của ông Mueller sẽ không thay đổi tương lai chính trị của Trump

Một số người tin rằng khi báo cáo của ông Mueller công khai thì đó cũng là "ngày tận thế" trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra, thậm chí cả khi báo cáo này có những buộc tội chống lại Donald Trump Jr. hay Jared Kushner.

Thay vào đó, có 2 kết luận có thể được đưa ra sau khi báo cáo này được công bố. Thứ nhất là cả Trump và các thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông đều không cấu kết với chính phủ Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 và thứ hai, Trump sẽ không bị Bộ Tư pháp buộc tội cản trở luật pháp.

2 kết luận này đều là tin tốt với Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, có một dòng trong báo cáo của ông Mueller khiến nhiều người phải lưu tâm, rằng: "Kết luận mà Hạ viện đưa ra về việc cản trở luật pháp từ các hành động lạm quyền của Tổng thống Trump thống nhất với hệ thống hiến pháp của chúng ta và nguyên tắc không ai có thể đứng trên pháp luật".

Điều này nghĩa là những gì ông Mueller và đội ngũ của ông đang làm là tạo tiền đề cho các hành động của Hạ viện trong tương lai đối với các trường hợp mà ông đã nêu ra trong báo cáo về các hành vi có khả năng cáo buộc Tổng thống Trump cản trở luật pháp.

Công tố viên đặc biệt Mueller có lẽ muốn nói rằng Quốc hội có thẩm quyền trong tầm tay để từ những kết luận điều tra của ông có thể theo đuổi các tuyên bố buộc tội Tổng thống Trump cản trở luật pháp.

Liệu Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo có đi theo con đường này để buộc tội Tổng thống Trump hay không vẫn cần thời gian để xem xét. Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tỏ ra hoài nghi về quy trình luận tội Tổng thống trừ khi và cho đến khi đạt sự nhất trí của lưỡng đảng. Và thậm chí nếu đảng Dân chủ tiếp tục theo đuổi cáo buộc Tổng thống Trump cản trở luật pháp thì dường như Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ khó mà hoặc sẽ không bao giờ ủng hộ những nỗ lực luận tội này. Do đó là báo cáo của ông Mueller sẽ không thể thay đổi tương lai chính trị của Tổng thống Trump./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại