Tóp teo doanh nghiệp vì bảo hộ ngược
Số liệu của công ty nghiên cứu thị trường ANTS năm 2018 cho biết mức độ chi tiêu của quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng 550 triệu USD. 66,7% doanh thu thuộc về Facebook và Google, 33,3% còn lại chia nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước như VCCorp, Zing, 24H, VnExpress…
Và chính những doanh nghiệp chỉ chiếm 33,3% doanh thu này sẽ phải đóng đầy đủ các loại thuế, còn 2 ông lớn là Facebook, Google đã "tránh" được nghĩa vụ này.
Đây là một phần của vấn đề trong bức tranh bất bình đẳng mà doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang phải chịu.
Ngoài vấn đề về thuế, theo phản ánh của doanh nghiệp, họ thường bị quản lý rất chặt từ thủ tục, giấy phép… đến nội dung đăng tải.
Ông Nhan Thế Luân, đại diện Nhaccuatui cho biết trong số 300 website được cấp phép hiện nay thì tổng traffic chỉ chiếm khoảng trên 20% so với các ông lớn nước ngoài như Google, YouTube, Facebook, dù những đơn vị này không có giấy phép tại Việt Nam.
Thậm chí, theo phân tích của ông Luân thì: "Một số công ty xin giấy phép làm mạng xã hội nhưng chưa kịp làm đã chết trước khi Facebook lớn mạnh như ngày hôm nay. Nguyên nhân là khi quá tuân thủ pháp luật thì vô hình chung, các công ty nước ngoài có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Những quy định quá chặt của chúng ta càng ngày càng khiến cho các công ty Việt Nam bị teo tóp đi".
Một số doanh nghiệp, trong những tâm sự rất thật của mình, thừa nhận rằng bản chất cơ quan quản lý không cố ý làm khó. Quy định về thuế, về giấy phép… có lý do của nó. Tuy nhiên, việc quy định chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nội mà chưa có cơ chế buộc các doanh nghiệp ngoại trong cùng lĩnh vực tuân theo vô hình chung tạo ra hiện tượng "bảo hộ ngược". Điều này khiến doanh nghiệp trong nước bị bủa vây bởi trăm bề khó khăn trong cạnh tranh để tồn tại, chứ chưa nói đến phát triển lâu dài, đóng góp cho nền kinh tế.
Quyết tâm của Thủ tướng và Bộ Thông tin và Truyền thông
Nhưng nút thắt mang tên bảo hộ ngược đang có cơ hội được tháo bỏ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi dự Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ Bộ Thông tin và Truyền thông ngay đầu năm 2019 thẳng thắn chỉ ra sự bất hợp lý khi Facebook kinh doanh tại Việt Nam nhưng không nộp thuế. Ông yêu cầu nhanh chóng khắc phục điều này.
Ông cũng yêu cầu Bộ Truyền thông và Thông tin nhanh chóng giải quyết tình trạng "bảo hộ ngược" khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn.
Giải pháp được đề xuất là Bộ Thông tin và Truyền thông cần đưa ra biện pháp về kỹ thuật để bắt buộc các doanh nghiệp nội dung số nước ngoài tuân thủ các quy định khi kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đưa ra các ưu đãi phù hợp để tạo sự bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp nội dung số trong nước.
Hơn ai hết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn vấn đề này được xử lý nhanh chóng, tạo cơ hội, điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ, nội dung số phát triển. Bởi Thủ tướng nhận định rằng con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải dựa vào công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định vấn đề mấu chốt để tăng trưởng ngành công nghiệp nội dung số là chính sách phải tạo sự phát triển cho lĩnh vực này.
"Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam phải cùng một chính sách quản lý, không bảo hộ ngược", ông Hùng nhấn mạnh.
Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.
Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn
Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…